“Nữ liệt sỹ” trở về sau 36 năm

“Nữ liệt sỹ” trở về sau 36 năm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Trí nhớ kém do bị thương lai thêm hoàn cảnh khó khăn nên bà đành chôn chặt nỗi nhớ quê trong lòng. Sau 36 năm xa quê hương, trở về nhà nhìn thấy tấm ảnh của mình trên bàn thờ mà không cầm được nước mắt.

Mắt rưng rưng lệ, bà kể rằng khi bước vào nhà, nhìn di ảnh của mình trên bàn thờ, bà đã khuỵu xuống òa khóc. Người em trai của bà bàng hoàng, cứ ôm lấy bà hỏi: “Chị còn sống thật sao, chị Ngọc?”. Đó là câu chuyện cảm động của bà Nguyễn Thị Ngọc, người đã được nghĩa trang quê nhà tại Tam Vinh, tỉnh Quảng Nam ghi danh là liệt sỹ, được gia đình hương khói thờ cúng hơn hai mươi năm nay. Nhưng bà vẫn còn sống, đã trở thành một bà má miền Tây và giấu kín trong lòng nỗi nhớ nhung về nơi mình đã sinh ra, lớn lên.

Pháp luật - “Nữ liệt sỹ” trở về sau 36 năm

Tấm ảnh thời thiếu nữ của bà Ngọc mà gia đình thờ cúng hơn 20 năm qua

Ngày đi tóc vẫn còn xanh...

Khi chúng tôi tìm tới nhà, cô con dâu út cho hay bà Ngọc vừa chèo thuyền đi vớt lục bình, quá trưa mới chèo thuyền về. Hơn ba mươi năm gắn bó với mảnh đất Tiền Giang này, bà đã trở thành một bà má miền Tây chính hiệu, từ cách ăn mặc cho đến lối nói chuyện chân tình, cởi mở. Duy chỉ có giọng nói của bà còn là pha trộn với chất giọng miền Trung nằng nặng. Bà Ngọc kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng trên chiến trường, về những vết thương và cuộc sống vất vả sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Những nẻo đường đời rẽ ngang, rẽ dọc, những chật vật mưu sinh đã làm bà mất dấu quê hương, khiến đường về ngày càng xa vời vợi.

Trốn nhà lên rừng theo cách mạng khi cô gái nhỏ Nguyễn Thị Ngọc lúc đó mới 15 tuổi. Đó là vào năm 1966, cả khu căn cứ Ao Lầy xã Tam Vinh là trọng điểm đánh phá của địch. Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhìn cảnh quê hương bị giặc tàn phá, lòng bà không yên, bà cũng muốn góp sức mình vào cuộc kháng chiến của cả nước. Thế là bà lên rừng tham gia du kích.

Chiến đấu ở quê nhà gần 1 năm, bà được điều về Trung đội 2 (Đại đội 4 thuộc đơn vị khu 5) làm y tá phục vụ chiến trường. Trong một trận đánh ác liệt của đơn vị tập kích vào Pleiku (tỉnh Gia Lai) ngày 16/8/1967, bà đã bị thương nặng khi đang cứu chữa cho thương binh. Viên đạn ác nghiệt đã xuyên qua ngực trái làm bà mất một lá phổi, một viên đạn khác găm vào cổ bà. Đồng đội đã khiêng bà vượt qua lửa đạn về điều trị tại bệnh xá Quân khu 5 đóng tại huyện Trà My. Bà kể: “Lúc đó mọi người đều tưởng tôi đã chết. Các đồng đồi đã mang tôi từ nhà xác lên tận tình cứu chữa”. Sau lần ấy bà bị mất một bên phổi trái, cộng thêm với vết thương trên đốt sống cổ, ảnh hưởng đến thần kinh, khiến bà cứ nhớ nhớ, quên quên.

Cuối năm 1967, bà Ngọc được đơn vị chuyển ra điều trị tại Bệnh viện E, Hà Nội. Những ngày điều trị bệnh ở đây, bà đã quen và nên nghĩa vợ chồng với một thương binh cũng đang điều trị tên Bùi Văn Bé Hùng, quê Cai Lậy, Tiền Giang. Sau hơn một năm điều trị và nghỉ dưỡng, bà cùng chồng trở lại đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu. Hai vợ chồng bà tham gia vào những trận đánh sinh tử quyết liệt trên khắp chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên. Khi giải phóng miền Nam, bà và chồng sát cánh bên nhau cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn vào 30/4/1975. Sau ngày đất nước thống nhất, bà không về quê mà cùng chồng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy một thời gian rồi chuyển công tác tại Sở Y tế Tiền Giang, rồi Bệnh viện Cái Bè. Đến năm 1982, vết thương cũ tái phát, lúc tỉnh, lúc mê nên bà nghỉ việc.

Tôi lại hỏi, sao lần này bà quyết tâm tìm về quê hương?, bà Ngọc kể trong nghẹn ngào, trước đó 3 tháng bà không thể ngủ được. Lòng bà đau đáu nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ, anh em da diết. Nỗi nhớ ấy thôi thúc bà phải trở về. Khi đi bà mới 15 tuổi còn giờ đã là một bà già ngoài 60. Khi càng cao tuổi thì người ta càng muốn quay về với quê cha đất tổ. Dù sống sum vầy cùng chồng con thì trong lòng bà vẫn có một khoảng trống vắng không thể lấp đầy. Dường như hiểu nỗi lòng của mẹ, nên các con bà gom góp lại mỗi người một ít, rồi vay mượn thêm được một khoản tiền cho hai vợ chồng bà về quê. Thế là một ngày tháng 8/2011, bà trở về quê, lần đầu, sau hơn 30 năm trời biền biệt...

Pháp luật - “Nữ liệt sỹ” trở về sau 36 năm (Hình 2).

Bà Ngọc hiện nay

... Ngày về đã phơ phơ mái đầu

Sau giải phóng, gia đình không nhận được tin tức gì về bà. Đơn vị cũ cũng mất liên lạc nên tưởng bà đã hy sinh. Giấy báo tử gửi về, bà đã hy sinh không tìm được xác. Thế là bà Ngọc được công nhận liệt sỹ vào năm 1990. Gia đình cũng chỉ nhận được giấy báo tử bà đã hy sinh trong một trận đánh và mất xác ở chiến trường Khu 5. Tấm hình bà chụp ngày còn trẻ được người em trai phóng to, đưa lên bàn thờ cùng với cha mẹ. Những năm sau giải phóng, người nhà cũng nhiều lần cất công đi tìm hài cốt của bà nhưng đều không có kết quả. Về phần bà Ngọc, sau khi điều trị cũng tìm về đơn vị cũ, nhưng chiến trường khu 5 ngày ấy chìm trong chiến tranh quá ác liệt. Bà đã không tìm được đơn vị cũ và mải miết theo những đoàn quân khác chiến đấu đến ngày giải phóng.

Đã 36 năm trôi qua, bà đã là liệt sỹ tên tuổi, quê quán của bà đã được khắc ghi trên tấm bia tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ngày trở về, bà cũng ra nghĩa trang, lần tìm tên mình trên tấm bia đá mà mắt bà nhòe đi. Thắp nén nhang cho những đồng đội nằm đây, bà thì thầm với họ rằng bà đã trở về, còn sống, bằng xương bằng thịt. Nữ chiến binh ngày nào thầm cầu nguyện cho hương hồn họ được yên nghỉ.

Thế nhưng đằng sau niềm vui ấy, trong bà vẫn còn một nỗi buồn sâu kín. Bởi chiến tranh đã biến cuộc đời bà thành một bi kịch. Mà nay, nỗi buồn chiến tranh vẫn còn đó trong ký ức của bà, trong những vết thương lâu lâu tái phát lại nhức nhối và không dễ gì liền sẹo. Gặp tôi, ánh mắt bà vẫn ánh lên một ánh buồn trong lúc trò chuyện. Sau khi nghỉ việc vào năm 1982, một thời gian sau bà có làm hồ sơ thương binh. Toàn bộ giấy tờ chứng nhận thương tích ở chiến trường, bằng dũng sĩ và bằng khen, những hồ sơ liên quan do đơn vị cấp, bà đều giao cho những người làm chính sách ở xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nơi quê chồng. Nhưng hồ sơ bị thất lạc, bà chẳng còn lại gì, ngoài những vết thương hành hạ.

Cuối cùng, sau bao cuộc họp, sau bao ngày vất vả chạy xin làm hồ sơ thương binh nhưng bà vẫn chưa được công nhận, vì không đủ giấy tờ. Nhưng bà bảo rằng: “Nhiều lúc cứ nghĩ những năm tháng nơi chiến trường của mình không phải để ngày hôm nay có được cái thẻ công nhận là thương binh. Dù có được công nhận thương binh hay không thì cũng chẳng sao. Vậy rồi lại thôi, không còn nghĩ đến nó nữa”.

Nhưng hiện giờ, sau khi bà Ngọc trở về, Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Ninh đã làm thủ tục để xóa tên liệt sỹ của bà và đề xuất chế độ thương binh cho bà. Bà Ngọc cho biết, bà đã hoàn tất giấy tờ để làm hồ sơ thương binh nộp lên xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhưng vẫn còn đang phải chờ đợi vì hồ sơ chưa xét xong. Hy vọng hồ sơ của bà Ngọc sẽ nhanh chóng được xét duyệt. Được như vậy để những ngày cuối đời bà được hưởng niềm vui, để nỗi buồn chiến tranh trong bà được xoa dịu, những nỗi đau từ vết thương cũ bớt nhức nhối hơn. Bởi chiến tranh thì đã qua từ lâu, nhưng những mất mát, buồn đau mà nó để lại thì vẫn còn đây, vẹn nguyên trong câu chuyện sự trở về của một “nữ liệt sỹ”.

Chúng tôi hỏi bà rằng từng ấy năm, sao bà không một lần thử tìm về quê hương? Bà Ngọc tâm sự: “Vết thương do chiến tranh để lại đã khiến trí nhớ của tui không được tốt. Hơn nữa, cuộc sống vất vả, khốn khó với 5 đứa con cứ cuốn mình đi. Hết lo nuôi chúng khôn lớn, lại lo dựng vợ gả chồng mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Tôi muốn trở về mà chưa thực hiện được”.

Hương Lam


Cùng chuyên mục

Bình Thuận: Điều tra nguyên nhân nam sinh 17 tuổi bị đâm tử vong

Thứ 6, 19/04/2024 | 11:32
Sáng 19/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị nghiệp vụ đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để điều tra vụ án mạng.

Bắt kẻ chủ mưu vụ cướp tiệm vàng ở Bình Dương tại Campuchia

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:31
Tối 18/4, Công an Bình Dương cho biết, đơn vị vừa phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ nghi phạm chính trong vụ cướp tiệm vàng ở Bình Dương vào ngày 3/3.

Cần sớm có chế tài xử lý hình sự hành vi “thao túng” thị trường BĐS

Thứ 6, 19/04/2024 | 07:52
Hành vi thao túng, nhiễu loạn thị trường bất BĐS cũng nguy hiểm không kém đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên hiện vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể.

Xác minh clip người đàn ông hành hung nhiều người tại quán bi-da

Thứ 6, 19/04/2024 | 07:31
Cơ quan công an đang điều tra, xác minh vụ việc người đàn ông dùng dao hành hung, đấm, đá túi bụi nhiều người tại quán bi-da.

Hành trình 4 giờ truy bắt nghi phạm cướp tiệm vàng

Thứ 6, 19/04/2024 | 07:00
Lần theo những manh mối nhỏ nhất, từ đặc điểm nhận dạng của nghi phạm, cảnh sát đã khoanh vùng, chốt chặn các ngả đường, quyết không cho đối tượng tẩu thoát.
     
Nổi bật trong ngày

Bị chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng khi làm cộng tác viên cho Trang thương mại điện tử giả mạo

Thứ 5, 18/04/2024 | 21:14
Một nạn nhân trú tại Hà Nội bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang thương mại điện tử.

Lâm Đồng: Khởi tố 6 người vụ đánh nhầm khiến 2 thiếu niên phải nhập viện

Thứ 5, 18/04/2024 | 22:05
Ngày 18/4, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng trong vụ đánh nhầm 2 thiếu niên phải nhập viện.

Bắt 2 đối tượng người nước ngoài lừa bán vàng giả chiếm đoạt hơn 600 triệu

Thứ 5, 18/04/2024 | 19:22
Nắm bắt thông tin thị trường vàng tại Việt Nam có biến động, hai đối tượng người Liberi đã lên kế hoạch sử dụng vàng giả để đánh lừa người mua.

Cảnh báo thủ đoạn giả mạo nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách

Thứ 5, 18/04/2024 | 20:31
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ lừa đảo tinh vi giả mạo nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Mỹ phẩm làm đẹp được quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Thứ 5, 18/04/2024 | 19:13
Hiện nay, một số sản phẩm làm đẹp đang được nhiều nhiều đơn vị kinh doanh mỹ phẩm quảng cáo “quá” công dụng khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang.