Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn

Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn

Thứ 5, 27/07/2017 | 11:44
0
Trẻ trung, năng động, mặc trên người bộ quần áo xanh, Chu Thị Trang khiến nhiều người thấy lại được hình ảnh những nữ thanh niên xung phong (TNXP) nhiệt huyết trên mảnh đất một thời đỏ lửa.

Người dẫn về cuộc đời lịch sử của 13 chiến sỹ TNXP

Những ngày đầu tháng 7, mặc dù trời miền Trung nắng như đổ lửa nhưng hàng nghìn du khách thập phương vẫn nườm nượp đến dâng hương tại khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hàng cây xanh mới trồng chưa kịp tỏa bóng mát, nắng từ trên cao hắt xuống mặt đường bê tông đã khiến cho cái nóng càng thêm dữ dội, áo người nào cũng ướt đẫm mồ hôi vậy mà các đoàn khách vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến phiên vào lễ lăng mộ tập thể của 13 chiến sỹ TNXP.

Một giọng nói nhẹ nhàng, đậm chất xứ Nghệ vang lên khiến mọi người chú ý, đó là nữ thuyết minh Chu Thị Trang (SN 1992), quê thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Trang nhắc nhở mọi người để điện thoại ở chế độ rung, rồi từ từ chỉ tay về phía trung tâm, nơi ghi tên của 13 TNXP tuổi đời mới đôi mươi, căng tràn nhựa sống đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình của đất nước.

Xã hội - Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn

Với giọng nhẹ nhàng, đậm chất xứ Nghệ, Trang đã lôi cuốn du khách vào câu chuyện lịch sử của các TNXP.

“Rạng sáng 31/10/1968, máy bay Mỹ ném hơn 200 quả bom xuống Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An trong khi đang làm nhiệm vụ. 13/14 (11 nữ, 2 nam) chiến sỹ Đại đội 317 đã hy sinh. Chỉ một người duy nhất may mắn sống sót là nữ Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông… Hầu hết trong số họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ, có người đã cầm quyết định đi học, có người còn định cả ngày cưới...”, những lời nói của thuyết minh viên lúc bổng lúc trầm khiến cho các du khách không thể kiềm chế được dòng nước mắt tuôn trào, ai cũng thương xót cho các chiến sỹ TNXP với những ước mơ còn dang dở.

Trong số du khách đến với khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, không ít người chỉ mới biết qua sử sách, nhưng khi đứng quanh phần mộ nghe kể về cuộc đời của những chiến sỹ TNXP anh hùng, ai nấy cũng đều rưng rưng nước mắt. Và rồi, bằng tấm lòng thành kính, mỗi người kính cẩn dâng lên một nén tâm nhang trước anh linh 13 chiến sỹ TNXP.

“Gần 2 năm nay, mỗi lần tôi nói về câu chuyện của các TNXP, trong lòng lúc nào cũng cảm thấy bồi hồi. Có những ngày, Truông Bồn đón khoảng 1.000 lượt khách đến dâng hương, tôi nói không dưới chục lần nhưng chưa bao giờ thấy chán, bởi 13 chiến sỹ là 13 cuộc đời khác nhau, 13 câu chuyện khác nhau. Trong bom đạn ác liệt, họ đã viết nên tình đồng chí, tình yêu đôi lứa khiến cho ai nghe đến cũng đã thấy vỡ òa cảm xúc”, Trang chia sẻ.

Từ nhân viên kế toán chuyển sang thuyết minh viên

Năm 2015, Chu Thị Trang tốt nghiệp ngành Kế toán, trường đại học Công Đoàn (Hà Nội) và được nhận về khu di tích Truông Bồn làm việc. Đây cũng là lúc ban Quản lý Khu di tích còn sơ khai, số lượng nhân viên còn ít nên mọi người phải kiêm nhiều việc. Thấy Trang ăn nói linh hoạt, có năng khiếu thuyết minh, ông Chu Vĩnh Hiệp, Giám đốc ban Quản lý đã gọi lên phòng và động viên Trang vừa làm kế toán, vừa học để làm thuyết minh viên.

Xã hội - Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn (Hình 2).

Mặc dù học trái ngành, nhưng bằng nỗ lực Trang đã khiến nhiều du khách ấn tượng với phong thái làm việc chuyên nghiệp.

“Thực ra thời đi học tôi cũng có làm MC, dẫn một số chương trình trong và ngoài trường. Lúc đó chỉ là sở thích, mặc dù đam mê nhưng không có cơ hội được đào tạo bài bản, khi thấy bác Hiệp nói thế thì trong lòng cũng rất muốn, tuy nhiên chỉ sợ không đáp ứng được yêu cầu nên có từ chối. Bác Hiệp bảo không sao, vừa làm vừa học, nếu cố gắng thì việc gì cũng sẽ thành công. Nghe vậy, tôi mới quyết tâm thử một lần xem sao”, Trang cười nhớ lại cơ duyên chuyển sang thuyết minh viên.

Trang kể, là một người “ngoại đạo”, không được đào tạo về nghiệp vụ văn hóa, du lịch, thuyết minh, Trang bắt đầu mày mò, tìm hiểu từ việc nghe các đồng nghiệp nói, rồi về học theo. Lúc đầu chỉ là học thuộc lòng, nhưng sau đó khi đọc kỹ các câu chuyện về 13 chiến sỹ TNXP thì cảm xúc dồn đến khiến Trang khóc mãi không thôi. Từ đó, Trang nói bằng cảm xúc, bằng chính trái tim của mình. Niềm tự hào và tình yêu đất nước cứ thế được nhân lên, Trang truyền tải câu chuyện một cách tự nhiên, đi vào lòng người.

Xã hội - Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn (Hình 3).

Chu Thị Trang đang thuyết minh cho đoàn khách đến tri ân các anh hùng liệt sỹ.

“Nói nhiều một bài thuyết minh tất nhiên sẽ có lúc mệt mỏi, điều này sẽ ảnh hưởng đến các du khách, khiến mọi người không cảm thấy ý nghĩa và đáng sợ hơn là bản thân mình thấy nhàm chán. Tuy nhiên, mỗi đoàn khách đến luôn khác nhau, vì vậy tôi nắm bắt tâm lý của mỗi đoàn, phân loại các du khách và dựa vào đó để thuyết minh. Mục đích nhằm tạo cảm hứng cho chính mình và cũng khiến cho các du khách tiếp thu được tốt hơn”, Trang nói.

Trang cho biết, ví dụ như các em học sinh thì người thuyết minh cần phải làm nhịp cầu nối để thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận được hào khí anh hùng của các chiến sỹ. Còn với các cựu chiến binh, cựu TNXP, mẹ Việt Nam anh hùng,… những người đã đi qua một thời khói lửa, về đây với mục đích ôn lại kỷ niệm, tưởng nhớ đến những đồng đội đã khuất thì cần phải nhắc về một quá khứ huyền thoại của cả dân tộc cùng nhau cứu nước. Mỗi giọt nước mắt của du khách vì cảm phục, xúc động; mỗi cử chỉ tri ân của họ với các anh hùng liệt sỹ sau khi nghe các câu chuyện là thể hiện sự thành công của thuyết minh viên.

Xã hội - Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn (Hình 4).

Xinh đẹp và năng động, Trang khiến nhiều người thấy lại một nữ TNXP nhiệt huyết.

Nói về một kỷ niệm đáng nhớ nhất, Trang cho biết đó là khi gặp cô Trần Thị Thông, người duy nhất còn sống sót sau trận bom tàn khốc ngày 31/10/1968. “Được thuyết minh trước một nhân chứng lịch sử như cô Thông là điều khó khăn nhất trong quãng thời gian bước vào nghề, tôi sợ cảm xúc vỡ òa dẫn đến việc nói sai. Nhưng cô chỉ lặng lẽ đứng nghe, rồi rút khăn tay lau nước mắt, tất cả đồng đội của cô nằm đây, xương máu đã hòa vào đất trời, lúc đó trong lòng tôi dâng lên sự xót xa vô hạn. Sau khi thắp hương xong, cô Thông đến khen ngợi tôi và hỏi về cuộc sống ăn ở của các anh chị em ở ban Quản lý Khu di tích”, Trang nhớ lại.

Sau 2 năm theo nghề, với bao buồn vui, trăn trở, Trang rút ra bài học cho mình là muốn trở thành một thuyết minh viên giỏi thì cần phải chuyên nghiệp về cả phong cách ứng xử, giao tiếp, trình độ kiến thức phải sâu rộng, luôn tự nâng mình lên, làm mới mình.

“Đây là công việc tôi yêu thích, được góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, được làm nhịp cầu nối cho các du khách về với địa danh huyền thoại xây dựng bằng máu xương của những người chiến sỹ TNXP, khiến tôi luôn cảm thấy tự hào. Tôi chỉ tiếc kinh nghiệm còn quá ít, kiến thức chưa đủ, vì vậy luôn muốn được học thêm, được đào tạo bài bản để trở về phục vụ lâu dài cho Khu di tích”, Trang nói trước khi chia tay.

Xã hội - Nữ thuyết minh xinh đẹp ‘truyền lửa’ tại khu di tích Truông Bồn (Hình 5).

Trang chụp ảnh cùng một nhóm du khách nước ngoài.

Ông Chu Vĩnh Hiệp, Giám đốc ban Quản lý khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn cho biết, đội thuyết minh ở đây có 4 người và đều là những thanh niên trẻ tuổi, nhiệt huyết với công việc.

“Mỗi năm, Khu di tích đón tiếp hàng vạn du khách thập phương, vì vậy áp lực công việc rất lớn. Trong đó, rất đông những người đến dâng hương đều từng trải qua năm tháng chiến tranh, có những đoàn là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vì vậy nếu có sai sót thì sẽ khiến cho du khách phật lòng. Thế nhưng, các thuyết minh viên vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, chưa bao giờ để cho bất cứ ai cảm thấy buồn lòng, Trang là một trong số đó”, ông Hiệp nói.

Anh Ngọc