Nước hồ Ngàn Trươi ô nhiễm, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngân Hà

Nước hồ Ngàn Trươi ô nhiễm, chuyển đỏ đục từ 2019 đến nay đã xác định được nguyên nhân do lượng lớn mùn thực vật và sắt trong lòng hồ. Hiện tượng ô nhiễm nguồn nước tại dự án thủy lợi đa mục tiêu có số vốn đầu tư 9 nghìn tỷ đang khiến hàng nghìn hộ dân khốn đốn.

Ô nhiễm kéo dài

Ô nhiễm nguồn nước tại công trình thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng trên địa bàn huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) kéo dài từ trung tuần tháng 5/2019 đến nay. Người Đưa Tin Pháp Luật đã có rất nhiều bài viết đăng tải, phản ánh. Sự việc khiến hàng nghìn hộ dân vùng hạ du khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt, ăn uống.

Đặc biệt, ngoài người dân tại thị trấn Vũ Quang thì nước đập dâng Ngàn Trươi đổ về kênh đào Linh Cảm và sông La cũng gây nên hiện tượng nước đỏ đục cả dòng sông La vốn trong xanh, là nguồn nước ăn, sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân các xã: Đức Lạng, Đức Đồng, Hòa Lạc, Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ, Trường Sơn, Liên Minh, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Tùng Châu… (huyện Đức Thọ).

Màu đỏ đục bám chặt chạy dọc bờ đập dâng Ngàn Trươi.

Nắng nóng gay gắt, nguồn nước ô nhiễm, người dân tại đây đang kêu trời vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều vùng bà con phải chở can nhựa sang tận Nghệ An mua nước về dùng.

Nguyên nhân ô nhiễm nước hồ Ngàn Trươi trước đó đã ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố, là do khu vực đáy lòng hồ Ngàn Trươi có thành phần sắt sa khoáng, xác thực vật đang phân hủy.

Nước tại sông La vốn trong xanh nay chuyển đỏ đục.

Nhiều nghi vấn đặt ra giai đoạn 2016 – 2018, chủ đầu tư là Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 4) Bộ NN&PTNN triển khai không đảm bảo, để lại lượng lớn cây cối, mùn thực vật, quá trình ngâm nước lâu ngày thối rữa, phân hủy trở thành một lượng mùn khổng lồ lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi gây ô nhiễm.

Điều này ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban 4 từng thừa nhận với Người Đưa Tin Pháp luật là có, bởi không thể dọn sạch hoàn toàn lòng hồ và toàn bộ diện tích cây cối, nhà ở chuồng trại của 2 xã Hương Điền và Hương Quang cũng không được thu dọn.

Lượng lớn cây khô mục giữa lòng hồ Ngàn Trươi.

Lý giải điều này, ông Thịnh cho hay, ban đầu, dự toán của gói làm sạch hoàn toàn lòng hồ, đảm bảo sau khi tích nước đạt chỉ tiêu nước sinh hoạt lên đến 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do không có kinh phí nên được điều chỉnh xuống hơn 35 tỷ. Sau quá trình thu gom đơn vị thi công cũng không đốt được bởi thời điểm đó Hà Tĩnh đang nắng nóng, sợ xảy ra cháy rừng.

Phần nữa một phần diện tích đã chặt phơi cũng chưa đủ độ để đốt trong khi lịch tích nước vào tháng 2/2017 không thể lùi lại. Chính bởi vậy, Ban 4 đã cho tích nước vào hồ. Tuy nhiên, ngay sau đó, đã xảy ra hiện tượng ô nhiễm nên tiếp tục cho rút bớt nước và thu dọn bù thêm 66,83 ha.

Hầu như cây cối, nhà cửa, chuồng trại, nhà vệ sinh của 2 xã tái định cư không hề được thu dọn.

Cũng theo ông Thịnh, trong lòng hồ có 2 hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng và 1 phần là tận thu lòng hồ. Ban 4 chỉ thu dọn phần cây cối còn lại do UBND tỉnh Hà Tĩnh làm.

Người dân huyện Đức Thọ phải chở can sang tận Nghệ An mua nước về dùng vì nguồn nước sông La bị ô nhiễm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang được phê duyệt năm 2006. Công trình có tổng diện tích lưu vực 408km2; dung tích hồ chứa 932,7 triệu m3 nước, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ 3 cả nước và là nguồn nước đa mục tiêu: Phục vụ Tưới tiêu và sinh hoạt.

Tại Điều 2 quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang số 1335 ngày 2/7/2008 của bộ TN&MT cũng đã nêu rõ, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức thu dọn, vệ sinh khu vực lòng hồ đảm bảo nguồn nước sau khi tích nước có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi.

Theo tìm hiểu, giai đoạn từ 2004 - 2008, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (bộ TN&MT) và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc điều tra, thăm dò địa chất khu vực lòng hồ để làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Tại Công văn 1833 CV/ĐCKS-ĐC ngày 21/12/2004 của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thông báo khu vực lòng hồ Ngàn Trươi “chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao” và đề xuất cơ quan chức năng “cần thiết phải điều tra địa chất khoáng sản trên diện tích vùng ngập nước và vùng kế cận của hộ ở tỷ lệ 1:50.000 và lớn hơn”.

Văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh do ông Trần Minh Kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó ký, đề nghị không bộ TN&MT không không tiến hành điều tra địa chất khu vực lòng hồ ở tỷ lệ lớn hơn..

Tuy nhiên, ngày 19/8/2008 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ lại ban hành văn bản 2192 có nội dung: “Đề nghị bộ TN&MT không tiến hành điều tra địa chất khu vực lòng hồ ở tỷ lệ lớn hơn và có ý kiến để dự án sớm được phê duyệt và triển khai thực hiện”.

Văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu: Trên khu vực lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang phát hiện 1 điểm vàng sa khoáng Khe Tro, xã Hương Điền (huyện Vũ Quang) có chiều dài 2.000m, rộng 200-375m; phân tích hàm lượng vàng từ 0,36g/m3 – 0,67g/m3; tài nguyên dự báo cấp P2 = 53kg. Điểm vàng sa khoáng này nằm trong khu vực lòng hồ và đã bị dân đãi đào từ trước năm 1995. Ngoài ra, điểm vàng gốc cũng thuộc xã Hương Điền và khu vực phía Đông Bắc – Tây Nam khu vực gần lòng hồ phát hiện 3 vành phân tán vàng và 1 vành phân tán casiterit bạc thấp, không có triển vọng và không nằm trong vùng ngập lòng hồ.

Nước tại vị trí đập xả tràn đỏ đục, đặc quánh và có mùi rất hôi.

“Theo tài liệu điều tra mới nhất của ngành địa chất, trong khu vực lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang chỉ có điểm khoáng hóa vàng sa khoáng, UBND tỉnh đã có phương án cho khai thác tận thu trước khi triển khai xây dựng công trình; ngoài ra chưa tìm thấy các điểm khoáng hóa có giá trị khác”, công văn 2192 nhấn mạnh. Tuy nhiên, một cán bộ công tác thâm niên tại huyện Vũ Quang khẳng định, trong lòng hồ Ngàn Trươi có mỏ vàng và rất nhiều điểm nhỏ vỉa mỏ sắt nhỏ nằm rải rác không hình thành mỏ, đặc biệt nhiều nhất là ở xã Hương Điền.

Như vậy, cả bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh đều đã khẳng định vùng lòng hồ không có tài nguyên khoáng sản có giá trị hoặc đã có phương án tận thu trước khi thực hiện dự án, đủ điều kiện chặn dòng ngăn nước lên cốt 52m. Tuy nhiên, sau khi xảy ra hiện tượng ô nhiễm, trong tất cả các lần lấy mẫu nước hồ Ngàn Trươi đều cho kết quả có thông số sắt vượt ngưỡng.

Đập xả hồ Ngàn Trươi nước đỏ đục, vệt đỏ bám chặt thành đập

Trách nhiệm thuộc về ai để xảy ra ô nhiễm nguồn nước tại công trình đa mục tiêu đang là câu hỏi cần được làm rõ.

N.H