Tết ai cũng mong ngóng trở về sum vầy, nhưng dịch bệnh không buông tha cho bất kỳ ai. Một người ở lại sẽ tốt cho nhiều người.
Hôm 28/1, kỳ Xuân vận lớn nhất thế giới, sự kiện hàng triệu người Trung Quốc đổ xô về quê ăn Tết sau một năm bôn ba khắp nơi vì mưu sinh đã bắt đầu. Với nhiều người, đây là kỳ nghỉ duy nhất được gặp mặt gia đình trong một năm vừa qua và là sự kiện không thể bỏ lỡ.
Tuy nhiên, đây cũng là cơn đau đầu của nhà chức trách Trung Quốc khi lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ lây lan mất kiểm soát. Họ phải đối mặt với một vấn đề hóc búa: Làm thế nào để khuyến khích người dân ở lại tại địa phương sinh sống ăn Tết nhưng cũng không cản trở dịp đoàn viên lớn nhất của đất nước.
Theo New York Times, dự kiến năm nay, nhiều người trong số khoảng 300 triệu lao động di cư của Trung Quốc phải chuẩn bị tâm thế nghỉ lễ một mình, một phần làm theo các quy định hạn chế đi lại của chính quyền, nhưng trong số đó cũng có những người tự ý thức được rằng ở yên tại chỗ sẽ là điều tốt nhất lúc này.
Để xoa dịu tâm trạng của những người lao động xa quê, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các chính sách như tặng giỏ quà Tết, cung cấp phiếu mua hàng giảm giá mua sắm và các ưu đãi về tài chính, sức khỏe.
Tại Thượng Hải, giới chức có kế hoạch thanh toán tiền điện thoại và hóa đơn y tế cho những người không về quê. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh, Thiên Tân khuyến khích các công ty trả lương cho nhân viên làm thêm giờ cũng như có các cam kết trợ cấp cho doanh nghiệp có lao động ở lại qua Tết.
Ở nhiều nơi trên đất nước xuất hiện những biểu ngữ lớn mang các thông điệp như: "Khẩu trang hay máy thở? Chọn một trong hai", "Mang virus về nhà là bất hiếu", "Bạn hoàn toàn bất lương nếu lây bệnh cho cha mẹ".
Nhiều người Trung Quốc dù nhớ nhà vì cả năm chưa về thăm, nhưng tự nhủ rằng sẽ cố gắng làm việc trong dịp Tết này để đợi sau khi dịch bệnh chấm dứt mới trở về.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng đón Tết Nguyên đán và đây cũng là dịp mà rất nhiều người đi học, đi làm ăn xa, có dịp trở về thăm gia đình. Do có thêm các ca nhiễm mới khiến tình hình dịch bệnh khó lường hơn những ngày qua, đã có những lời kêu gọi mọi người ở vùng dịch hoặc nguy cơ dịch hạn chế đi lại để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát diện rộng.
Tinh thần này đã được rất nhiều tập thể, cá nhân trên cả nước hưởng ứng một cách nhiệt tình cùng quyết tâm chung tay chống dịch. Với tinh thần không để sinh viên vùng dịch bơ vơ khi không thể về quê ăn tết, đại học Kinh tế Quốc dân đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ký túc xá, ăn uống cho khoảng 2.500 đến 3.000 sinh viên trong trường hợp địa phương của các em bị phong tỏa, phải ở lại trường ăn Tết.
Để chung tay góp phần ngăn chặn dịch Covid-19, nhiều công ty ở phía Nam đã quyết định hỗ trợ tiền cũng như kêu gọi người lao động không về quê đón Tết. Một công ty ở Bình Dương cho biết sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng cho người lao động ở lại ăn Tết. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong dịp Tết để xoa dịu tâm trạng của người lao động.
Nhiều người đang đi học, đi làm xa cũng chấp nhận năm nay không đón Tết ở nhà. Có những người đã đặt vé tàu, xe và không nằm trong vùng dịch vẫn sẵn sàng hủy lịch trình, ở lại để ngăn dịch bệnh lan rộng. Chia sẻ với báo chí, Bùi Ngọc Hà (24 tuổi, quê Sơn La) đã hủy vé từ TP.HCM về quê Sơn La ăn Tết sau khi có thông tin tỉnh mình có một ca nghi nhiễm.
Có thể thấy, trong thời điểm này, ai cũng háo hức được trở về nhà sau một năm dài đằng đẵng với nhiều khó khăn để đón một cái Tết yên lành. Thế nhưng, đôi khi chỉ cần sự hy sinh nhỏ của vài cá nhân cũng đủ tháo bỏ được phần nào gánh nặng cho cả đất nước. Chúng ta hy sinh một cái Tết bên người thân để đổi lại một năm mới tươi sáng hơn có lẽ là cái giá xứng đáng, thay vì sẽ tiếp tục một năm u ám với bóng ma Covid-19.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.