Omicron làm dấy lên quan ngại về bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu

Omicron làm dấy lên quan ngại về bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Thứ 6, 03/12/2021 17:15

Các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo về việc Covid-19 sẽ tiếp tục phát triển và lây lan nếu nhiều nơi trên thế giới vẫn trong tình trạng thiếu vắc-xin.

Kể từ khi các nhà chức trách Nam Phi thông báo về sự xuất hiện của một biến thể SARS-CoV-2 mới có chứa số lượng lớn đột biến bất thường – biến thể mới đáng lo ngại mang tên gọi Omicron, thế giới đang căng thẳng theo dõi đường đi của biến thể này. Câu hỏi đặt ra là biến thể Omicron đã phát triển ở đâu? Như thế nào? Và vấn đề bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu nghiêm trọng đến đâu?

Senjuti Saha, nhà vi sinh học phân tử và giám đốc Quỹ Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em (CHRF) ở Dacca, Bangladesh cho biết: “Bất cứ nơi nào tôi đi, mọi người đều nói: Hãy cho chúng tôi biết thêm về Omicron”; "Có rất ít thông tin về những gì đang xảy ra, và điều đó đúng ngay cả đối với các nhà khoa học".

Thế giới - Omicron làm dấy lên quan ngại về bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu

Hình ảnh so sánh biến thể Dealta (trái) và biến thể Omicron (phải) được công bố bởi Bệnh viên Bambino Gesu. Ảnh: RT.

Các giả thuyết khoa học

Omicron rõ ràng không phát triển từ một trong những biến thể đáng lo ngại trước đó như Alpha hoặc Delta. Thay vào đó, nó dường như phát triển song song - và ẩn mình. Emma Hodcroft, một nhà vi-rút học tại Đại học Bern, cho biết Omicron rất khác với hàng triệu bộ gen của SARS-CoV-2 được công bố trước đó và rất khó để xác định họ hàng gần nhất với biến thể này. Bà cho rằng nó có thể đã sớm tách ra từ các chủng khác “vào khoảng giữa năm 2020”.

Điều đó đặt ra câu hỏi rằng đâu là nơi mà những biến thế “tiền nhiệm” của Omicron đã ẩn náu trong suốt quãng thời gian hơn một năm ấy. Các nhà khoa học cho rằng về cơ bản có ba giả thuyết chính: Thứ nhất, vi-rút đã lưu hành và phát triển trong một quần thể ít được giám sát; Thứ hai, nó phát triển từ một bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 mãn tính; Hoặc tiến hóa trong một loài không phải con người và gần đây lây nhiễm trở lại vào con người.

Christian Drosten, một nhà vi-rút học tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, ủng hộ giả thuyết thứ nhất. Ông nói: “Tôi cho rằng vi-rút không phát triển từ nước Nam Phi, nơi thường xuyên diễn ra giải trình tự, mà ở một nơi khác ở miền nam châu Phi trong đợt dịch mùa đông. Nhiều ca lây nhiễm đã diễn ra trong thời gian dài và tạo ra áp lực để loại vi-rút này tiến hóa”.

Tuy nhiên, ông Andrew Rambaut, làm việc tại Đại học Edinburgh, đặt ra vấn đề rằng làm thế nào mà vi-rút có thể ẩn náu trong một nhóm người quá lâu như vậy. Ông nói: “Tôi không chắc thực sự có bất cứ nơi nào trên thế giới đủ cô lập để loại vi-rút này lây truyền trong một khoảng thời gian dài mà không xuất hiện ở các nơi khác”. Thay vào đó, Rambaut và một số người khác cho rằng loại vi-rút này đã phát triển từ một bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 mãn tính, có thể là một người có phản ứng miễn dịch đã bị suy giảm bởi căn bệnh khác hoặc một loại thuốc.

Richard Lessells, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal, cho biết: “Tôi nghĩ rằng bằng chứng ủng hộ nó (giả thuyết thứ hai) đang trở nên mạnh mẽ hơn”. Ông trích dẫn trường hợp rằng một phụ nữ trẻ ở Nam Phi bị nhiễm HIV đã mang mầm bệnh SARS-CoV-2 trong hơn 6 tháng và vi-rút tích lũy nhiều thay đổi. 

Thế giới - Omicron làm dấy lên quan ngại về bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu (Hình 2).

Nam Phi đang đối phó với sự gia tăng lớn trong các trường hợp Covid-19 liên quan đến biến thể Omicron. Ảnh: Getty Images.

Một số người cho rằng vi-rút này đã ẩn náu trong các loài gặm nhấm hoặc động vật khác chứ không phải con người, từ đó nó trải qua những áp lực tiến hóa khác nhau và chọn lọc ra đột biến mới. Kristian Andersen, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Scripps Research cho biết: “Bộ gen (biến thể Omicron) thật kỳ lạ". Nhà sinh vật học tiến hóa Mike Worobey thuộc Đại học Arizona, ủng hộ giả thuyết Omicron bắt nguồn từ một người bị ức chế miễn dịch, nhưng ông lưu ý rằng 80% hươu đuôi trắng được lấy mẫu xét nghiệm ở Iowa (Mỹ) từ cuối tháng 11/2020 đến đầu tháng 1/2021 mang SARS-CoV-2. Ông Mike Worobey nói: “Tôi tự hỏi liệu các loài khác ngoài kia có thể bị nhiễm bệnh mãn tính hay không. Điều này có thể gây ra áp lực chọn lọc tạo thành vi-rút theo thời gian”.

Còn quá sớm để loại trừ bất kỳ giả thuyết nào về nguồn gốc của Omicron. Aris Katzourakis, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Oxford, bày tỏ nghi ngờ về giả thuyết từ động vật. “Tôi bắt đầu quan ngại về các ổ động vật nhiều hơn” nơi mà biến thể của vi-rút có thể ẩn náu.

Bất bình đẳng vắc-xin toàn cầu

Nhiều nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đã nhấn mạnh về khoảng cách tiêm chủng Covid-19 rất lớn giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới. 

Richard Hatchett, người đứng đầu Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI), đã phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào ngày 29/11 rằng tỉ lệ bao phủ vắc-xin thấp ở Nam Phi và Botswana đã “cung cấp một môi trường màu mỡ” cho biến thể tiến hóa, sự bất bình đẳng toàn cầu đã gây ra hậu quả. Tuy nhiên, theo Aris Katzourakis, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học Oxford, “thực sự không có cách nào để biết” về việc điều đó đúng hay không.

Vào hôm thứ Năm ngày 2/12, bà Ngozi Okonjo-Iweala, người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo việc phân phối không đồng đều vắc-xin Covid trên toàn thế giới có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế và cho biết rằng bà “rất lo ngại” về vấn đề này. 

Bà Ngozi Okonjo-Iweala chia sẻ với hãng tin CNBC rẳng: "Mức độ bất bình đẳng là khá cao". Bà lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch sẽ liên quan đến hai yếu tố: mức độ kích thích kinh tế bằng các biện pháp tiền tệ hoặc tài khóa và khả năng tiếp cận vắc-xin. 

Thế giới - Omicron làm dấy lên quan ngại về bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu (Hình 3).

Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO, phát biểu trong cuộc họp báo.

Các quốc gia giàu đã tích trữ số lượng vắc-xin Covid-19 nhất định, trong khi nhiều quốc gia thu nhập thấp phải vật lộn để có được những loại vắc-xin cần thiết. Dữ liệu được thu thập cho thấy trong khi tỉ lệ dân số Mỹ đã đảm bảo được 248% lượng vắc-xin sản xuất thì tỉ lệ này chỉ là 30% đối với Mali và 56% đối với Kenya. Theo dữ liệu của Our World in Data, chỉ 7% dân số châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ ngăn ngừa Covid-19. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 67% dân số và ở Mỹ là 58%.

Theo CNBC, các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo về việc Covid-19 sẽ tiếp tục phát triển và lây lan nếu nhiều nơi trên thế giới vẫn trong tình trạng thiếu vắc-xin.

Hà Thanh (Science.org, Nature, CNBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.