“Ông bầu show diễn cuối” cho những nghệ sĩ nghèo

“Ông bầu show diễn cuối” cho những nghệ sĩ nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Xuất thân nghèo khổ nên nghệ sỹ Thái Hùng luôn xót xa với những nghệ sĩ đã qua tuổi vàng son phải sống khổ cực.

Nhạc sĩ tài hoa, nhà quản lý của phòng trà MTV nổi tiếng từng trải qua những ngày tháng phải đi đánh giày, ăn đường, ngủ chợ.

Xã hội - “Ông bầu show diễn cuối” cho những nghệ sĩ nghèo

Nghệ sỹ Thái Hùng

Với gia tài hơn 60 bài hát, nếu đem so với nhiều nhạc sĩ gạo cội khác thì đó quả không nhiều. Thế nhưng với chừng ấy tác phẩm cũng đủ để mang lại cho anh hàng tá những giải thưởng, những thành tựu mà ít ai có được. Và cái được nhất theo anh đó chính là tình cảm và sự mến mộ của đông đảo khán giả. Tuy nhiên ít ai biết được rằng để đến với thành công trên đủ mọi cương vị hiện nay, từ MC đến nhạc sĩ, biên tập, giảng viên.. nhạc sĩ Thái Hùng cũng đã từng có những tháng ngày phải bám bụi hè phố, đánh giày, ăn đường, ngủ chợ...

Đường lập thân gian khổ

Nhìn Thái Hùng thành đạt của hiện tại, ít ai ngờ khi còn là cậu choai choai 15 tuổi, anh đã phải nhận những vết sẹo đầu tiên của cuộc đời. Gia đình đang yên ấm bỗng nhiên tan vỡ vì những lý do mà tuổi của cậu chưa đủ để hiểu cặn kẽ. Cha lên Sài Gòn xây dựng cuộc sống mới, một thời gian sau Thái Hùng cũng mò lên Sài Gòn với mong muốn tìm cha hàn gắn lại tổ ấm gia đình. Thế nhưng đến khi tìm được cha thì cậu mới cay đắng nhận ra có những mảnh vỡ đã rời ra thì mãi mãi không bao giờ liền lại được.

Bơ vơ giữa Sài Gòn không người thân, không nơi nương tựa, ban ngày Thái Hùng đi đánh giày kiếm tiền vá víu cho miếng cơm. Ban đêm kiếm sân khấu đi hát để thỏa mãn những đam mê đầu đời.

Ngày đó sân khấu của anh không phải là những phòng trà sang trọng lịch sự, mà là chính là những... đám ma theo kiểu Sài Gòn. Thời gian giữa những năm 80 đám ma ở Sài Gòn được tổ chức theo đủ kiểu. Có chỗ thì lặng lẽ, yên tĩnh với những giọng kinh cầu đều đều, mọi thứ u sầu nhẹ nhàng như bản Requiem của Mozart. Nhưng cũng có những chỗ sau khi tiến hành đủ mọi nghi thức tâm linh, người ta lại cho ca sĩ đến biểu diễn ca hát để tiễn biệt linh hồn người đã khuất, giúp họ sớm siêu thoát. Và đó chính là sân khấu cho Thái Hùng bước những bước đầu tiên trong con đường nghệ thuật của mình.

Đầu năm 1988, mẹ anh cũng từ quê lên Sài Gòn tìm con, từ đó 2 người cứ thế tựa vào nhau mà sống. Cùng năm đó anh bất ngờ thi đậu vào đoàn văn công quân khu 7. Hoạt động ở đây được một thời gian cho đến năm 1990 thì anh xin ra khỏi đoàn, chính thức bước vào con đường biễu diễn chuyên nghiệp.

Trăn trở thân phận nghệ sĩ nghèo

Đến đầu năm 2008 anh đã cho ra đời hơn 60 bài hát với hàng loạt những hit như: Anh vẫn chờ em, Nỗi đau vô thường (Đàm Vĩnh Hưng), Dạ khúc buồn, Hãy về với em (Phương Thanh)... Thành công của những ca khúc ấy được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng như: Giải nhạc sĩ được yêu thích nhất, Top 10 nhạc sĩ được yêu thích nhất của Làn Sóng Xanh trong nhiều năm... Tuy nhiên cũng thời điểm này anh bất đầu tạm dừng công việc sáng tác để dồn tâm sức cho một con đường mới là biên tập ca nhạc cho phòng trà MTV và công tác giảng dạy.

Tưởng chừng bằng ấy thứ đã quây anh kín lịch cả ngày. Vậy mà đến đầu năm 2011, anh bất ngờ tổ chức chương trình tình nghệ sĩ và những tấm lòng vàng, quy tụ hơn 30 diễn viên - ca sĩ hàng đầu Việt Nam, nhằm gây quỹ hỗ trợ cho những nghệ sỹ già neo đơn, gửi đến cho Ban ái Hữu Sân Khấu (Khu Dưỡng Lão Nghệ Sĩ) và Chùa Nghệ Sĩ (Gò Vấp, TP.HCM). Lúc đó nhiều người mới biết đến một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà anh đã theo đuổi từ lâu.

Anh tâm sự: "Trải qua 20 năm thăng trầm trên bước đường nghệ thuật. Xuất thân từ một nghệ sĩ lang thang đường phố nên mình vô cùng thấu hiểu, đồng cảm với nhiều mảnh đời nghệ sĩ hiện đang phải sống trong cảnh già neo đơn ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM. Mình thấy tiếc nuối cho những nghệ sỹ đã qua thời vàng son giờ phải sống thiếu thốn. Đến khi họ mất đi thì chuyện hậu sự (tang chế) cũng đìu hiu. Thậm chí có gia đình đến giờ tẩm liệm vẫn chưa có được cái quan tài cho người ra đi! Vì thế hơn 7 năm nay, mình đã cùng những nghệ sỹ Hồng Tơ, Thanh Tùng, Phúc Hậu... nhiệt tình tham gia lo chuyện hậu sự (tang chế) cho những gia đình nghệ sĩ khó khăn”.

Nghệ sĩ Thái Hùng cho biết: “Mình luôn tâm niệm một ngày nào đó sẽ có dịp góp một phần công sức cùng với Ban ái hữu sân khấu để tạo nên Quỹ Trợ tang nghệ sĩ, cũng như Quỹ hỗ trợ từ thiện, mang lại niềm vui cho những nghệ sĩ về chiều cũng như gia đình của họ".

Thái Hùng bảo: "Cái nghề này là vậy đấy, vui nhiều, buồn cũng nhiều. Có lúc thuận lòng người này nhưng cũng lại có lúc không thuận lòng nhiều người khác. Chỉ mong tới đây cái quỹ từ thiện với Quỹ trợ tang được nhiều anh em nghệ sĩ hưởng ứng hơn. Nó vừa là sự giúp đỡ về mặt vật chất thế nhưng quan trọng hơn là nhìn vào đó những ca sĩ nghệ sĩ đi sau biết rằng có được thành công của ngày hôm nay thì một phần không nhỏ cũng là nhờ những thành tựu mà những người đi trước đã tạo dựng".

Đối với các nghệ sĩ, cuộc sống của họ gắn liền với những show diễn và có thể nói cuộc đời cũng là một show diễn lớn. Nếu vậy, có thể coi nghệ sĩ Thái Hùng là "ông bầu" cho những show diễn cuối cùng của không ít các nghệ sĩ khi chia tay với cuộc đời.

Phạm Khoa