Động thái của Nga
Sau khi ông Joe Biden chính thức được gọi tên là tổng thống mới của nước Mỹ, những suy đoán về chính sách của ông chủ Nhà Trắng mới đã bắt đầu được thảo luận một cách kỹ càng hơn.
Trong khi giới phân tích chính sách đối ngoại Nga lưu ý những lý do tại sao chính quyền Joe Biden có thể xếp đấu trường Trung Đông tụt hạng sâu hơn trong danh sách các ưu tiên chính sách của Mỹ, thì Moscow coi thời điểm chuyển giao sóng gió trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump là cơ hội để củng cố các vị trí ở Syria.
Sự tương ứng giữa suy đoán của các nhà phân tích và chương trình nghị sự thực sự của Điện Kremlin gần như không gây ngạc nhiên.
Việc quân đội Nga quyết định thiết lập các vị trí xung quanh thị trấn Ain Issa, đông bắc Syria là một trong những biểu hiện cho thấy những tính toán của Moscow trong giai đoạn hỗn loạn hiện nay.
Động thái này trở nên khả thi nhờ thỏa thuận mà Nga đã thực hiện với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Mục đích của thỏa thuận là giảm các cuộc tấn công từ các khu vực lân cận do Thổ Nhĩ Kỳ và phe đối lập kiểm soát.
Tuy nhiên, rất ít người cho rằng, thỏa thuận này chỉ là một sự ngẫu hứng từ phía người Nga nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Trên thực tế, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay vẫn phối hợp đối đầu với SDF, ngay cả khi căng thẳng giữa hai nước leo thang sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Moscow cũng tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc giữa Ankara và Damascus về vấn đề người Kurd trên các nền tảng khác nhau, bao gồm cả thông qua Algeria.
Theo một nguồn tin am hiểu về các hoạt động quân sự của Nga ở Syria, Ankara và Moscow đang cố gắng hết sức để tránh kích động người Kurd và người Mỹ trong khu vực nhằm hạn chế khả năng xảy ra xung đột.
Thay vào đó, họ hành động theo kiểu "hỗn hợp", nguồn tin nói với Al-Monitor. Do đó, ngay sau nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây sức ép với người Kurd ở Ain Issa, Nga đã đề nghị SDF rời bỏ hoặc chuyển giao nơi đây dưới sự kiểm soát của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, cuối cùng, hai bên đã đồng ý rằng sẽ có sự hiện diện của lực lượng Nga trên các vùng lãnh thổ đó. Cách giải quyết tình hình này có vẻ dễ chịu đối với Ankara, vì nó mang lại đòn bẩy lớn hơn trong các cuộc đàm phán với Moscow, mặc dù việc đóng quân của các thành phần quân sự Nga ở Ain Issa có thể gây ra mâu thuẫn mới giữa hai bên, nguồn tin cho biết thêm.
Nhưng không chỉ có Moscow và Ankara đang tìm cách củng cố lập trường và mở rộng phạm vi lựa chọn trong đối thoại và đàm phán với chính quyền sắp tới của Mỹ, Tehran cũng đang đặt hy vọng vào khả năng lật ngược tình thế của chính quyền Biden và tìm kiếm một hình thức thỏa hiệp mới với Iran.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Nga, những người am hiểu tình hình ở Iran thể hiện sự không lạc quan về khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Họ mong đợi các cuộc đàm phán nghiêm túc và toàn diện giữa Washington và Tehran về nhiều vấn đề khác nhau. Nhưng, người Iran phải hiểu rằng bất kỳ nỗ lực nào trong việc đàm phán lại thỏa thuận năm 2015 đều có thể sẽ bao gồm các hạn chế cơ hội của Iran tham gia vào chính trường Syria.
Đồng minh gặp khó
Bất chấp tất cả những mâu thuẫn, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể tìm thấy điểm chung khả thi trong vấn đề Syria. Ankara được cho là nhận được sự hỗ trợ của Mỹ về hành động ở Idlib.
Đây cũng là một nhân tố chính mà người Mỹ dựa vào để thách thức các hành động của Nga ở Syria, một vai trò mà dưới thời Obama được giao cho Liên minh châu Âu.
Trong khi các đồng minh khác của Mỹ ở Trung Đông lại đang có những tính toán của riêng mình.
Thời gian qua, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập đã duy trì liên hệ với chính quyền Assad, nhưng tình hình vẫn bấp bênh. Theo một số nguồn tin của Al-Monitor, Saudi Arabia đang muốn tăng cường vai trò của mình ở Syria nhưng theo hướng không có lợi cho chính quyền Syria hiện tại.
Do không có quan điểm rõ ràng với chính sách của ông Trump đối với Syria, người Saudi cùng với các đại diện của UAE và Ai Cập đã nhiều lần đến thăm các vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát.
Bên cạnh những tin đồn liên quan đến việc Saudi Arabia được cho là sẽ quay lại ủng hộ SDF, có những dấu hiệu cho thấy Riyadh đang tăng cường hoạt động ở phía Đông Syria.
Những nỗ lực của Damascus và Moscow nhằm tăng cường quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Saudi Arabia và UAE thông qua việc sử dụng các cửa khẩu biên giới ở Jordan và Iraq cũng đang gặp phải trở ngại.
Nếu Mỹ thắt chặt việc thực thi các biện pháp trừng phạt theo quy định của Đạo luật Caesar, điều này có thể buộc các đồng minh của Syria phải suy nghĩ lại về các chiến thuật né tránh trừng phạt hiện tại.