Ông tổ trưởng dân phố một thuở khét tiếng giang hồ

Ông tổ trưởng dân phố một thuở khét tiếng giang hồ

Thứ 2, 04/03/2013 | 07:44
0
Nhìn dáng vẻ hoạt bát, năng động hay nói cười của ông Nguyễn Đức Quân, tổ trưởng tổ dân phố số 1, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, ít ai nghĩ rằng ông từng có vết đen trong lý lịch.

Chiếm "bưởng" vàng của giới giang hồ anh chị

Rời thủ đô Hà Nội, men theo quốc lộ 2, ngược theo tỉnh lộ 176 chúng tôi tìm đến tổ 1, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa nơi ông Nguyễn Đức Quân hiện đang sinh sống. Ông có dáng người cao gầy, đen sạm nhưng giọng nói khỏe, trầm, dễ nghe. Rót chén nước mời khách, ông vào chuyện...

Ông Quân sinh năm 1967, là con út trong gia đình có 6 anh em. Vốn thuần nông nên cuộc sống của gia đình ông khi đói, khi no. Năm 20 tuổi, ông lấy vợ, một thiếu nữ đẹp cùng quê. "Lấy vợ về, không có vốn làm ăn, vùng đất Chiêm Hóa khô cằn khiến cuộc sống của vợ chồng tôi hết sức khó khăn.

Xoay sở, cạy cục làm đủ mọi nghề, đủ mọi việc nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Đúng thời điểm ấy thì phong trào đào vàng ở Chiêm Hóa phát triển mạnh, mong muốn thay đổi cuộc đời, tôi cũng sắm đồ theo mọi người đi đào vàng...", ông Quân nhớ lại.

Xã hội - Ông tổ trưởng dân phố một thuở khét tiếng giang hồ

Nghĩ về quá khứ một thời lầm lỗi của mình, ông Nguyễn Đức Quân không giấu được sự hờn tủi, xót xa.

Tuy nhiên, khi vừa nhập cuộc, Quân mới hiểu ra rằng để tồn tại trong thế giới đào vàng quả không đơn giản. Ông kể, đó là một thế giới "cá lớn nuốt cá bé", nơi mà đầy rẫy sự đâm chém, cướp bóc và ma túy...

Để tồn tại trong giới đào vàng, ông phải trải qua biết bao trận đòn, biết bao lần bị cướp trắng. Tuổi trẻ, không cam chịu, ông tập hợp một số anh em tin cậy, thành lập một nhóm đào vàng với hơn chục người do ông làm chủ bưởng. Lì lợm, không ngại đánh chém nên chẳng mấy chốc nhóm của ông chiếm cho riêng mình một vùng vàng ở Chiêm Hóa. "Bãi đào vàng chúng tôi kiếm được rất nhiều vàng, có những lúc gom được cả tạ, lúc ấy ra đường mà gặp ai đội mũ cối, mặc quần áo ga, tay đeo đồng hồ xịn thì người ta nhận ra ngay đó là người trong nhóm chúng tôi.

Có tiền, lại sống cảnh xa gia đình, ở trong vùng rừng thiêng nước độc, buồn tẻ, cô đơn, tôi sa vào ma túy để giết thời gian. Vợ tôi buồn chán, bỏ lại ngôi nhà rộng rãi, đồ đạc đắt tiền bế con về quê ngoại ở. Một thời gian sau, khi tôi đã nghiện nặng thì bãi vàng bị dẹp. Bao nhiêu tiền kiếm được cũng tiêu tan, ngôi nhà và đồ đạc cũng theo "nàng tiên nâu" đội nón ra đi...", giọng ông trùng xuống.

Trắng tay, lúc này ông mới tỉnh ngộ và tìm về vợ con để mong được tha thứ. Người ta bảo phụ nữ thường có lòng vị tha quả không sai, người vợ thấy chồng "thân tàn ma dại" thì cũng mủi lòng. Tuy về sống với vợ con, nhưng ông vẫn thường lén lút dùng ma túy. Để có tiền, ông theo mọi người đi làm xây dựng, một thời gian sau thì ông đứng ra nhận làm cai thầu.

Thời làm cai thầu, tuy không kiếm được nhiều tiền như thời đào vàng nhưng Quân cũng lo được cuộc sống tốt cho vợ con, mua đất, xây nhà, sắm đồ đạc đắt tiền và thỏa mãn những cơn nghiện của mình. Tuy nhiên, vì dính vào ma túy, nên khi làm ăn thất bát, ông lại quay về nhà bán hết đồ đạc, bỏ mặc vợ con, miễn là mình được thỏa mãn cơn nghiện.

Vừa nghiện ma tuý lại vừa đam mê cờ bạc, gia sản bấy lâu anh gây dựng giờ cứ lần lượt đội nón ra đi. Chỉ đến khi còn trơ lại 3 gian nhà trống hoác đón gió lùa từ tứ phía và hàng ngày chủ nợ đến đòi tiền, ông mới giật mình. Vóc dáng ông chủ phong độ ngày nào chỉ còn là một thân hình còm cõi, da tím ngắt. Mẹ già từng ngày héo úa thất vọng vì con, vợ anh lầm lũi bên mấy sào ruộng khoán. Đứa con thơ nheo nhóc chỉ dám đứng nhìn cha từ xa mà không dám lại gần. Những cảnh ấy càng khiến cho Quân đau đớn chua xót...

Nhiều lần, khi đã no thuốc trở về nhà, thấy vợ con nheo nhóc, nhà cửa dột nát hơn cả nhà chị Dậu, Quân bật khóc, khóc rất nhiều, nhưng khi thèm thuốc anh lại quên hết. Bởi thoát khỏi ma tuý đâu phải chuyện đơn giản. Bao lần Quân tự trói tay, xích chân để cai nghiện tại nhà, tự lấy kéo đâm vào người cho qua cơn vật thuốc, song vài ngày sau, anh lại tái nghiện. Càng ngày, anh càng nghiện nặng hơn và hoàn toàn đánh mất lòng tin vì đã hơn 10 lần anh thề thốt với gia đình, dòng họ.

Tháng 5/1996, Quân quyết định lên thị trấn nộp đơn xin cai nghiện tự nguyện trước lời xì xầm của mọi người "tin làm sao được cái ngữ ấy". Chẳng thế, năm 1997, khi Quân cầm giấy xác nhận cai nghiện thành công về, mọi người vẫn không khỏi hoài nghi.

Chuyện anh Quân 8 năm bên bàn đèn thuốc phiện giờ cai được nghiện bỗng nhiên trở thành tiêu điểm gây sự chú ý cho không biết bao nhiêu người từ lãnh đạo huyện, xã, và bà con, cô bác xung quanh bởi trong họ vừa có ý nghĩ khâm phục lại vừa nghi ngại: "Được mấy hôm lại quay lại nghiện thôi mà". 

Khi tôi hỏi, trước sự nghi ngại của mọi người ở thời điểm đó, chắc ông rất chán nản? Ông chỉ cười xòa: "Mình đã làm mất lòng tin trước mọi người nhiều lần nên chuyện dư luận thì khó tránh khỏi, cái chính phải ở bản thân mình".

Xã hội - Ông tổ trưởng dân phố một thuở khét tiếng giang hồ (Hình 2).

Nụ cười của ông tổ trưởng tổ dân phố từng khét tiếng giang hồ.

Hồi sinh từ quá khứ lầm lỗi

Cai nghiện trở về, thấy vợ con nheo nhóc, ông làm đủ mọi nghề từ nấu rượu, chăn nuôi đến cai thầu xây dựng để chuộc lại những lỗi lầm mình đã gây ra. Với sự cố gắng hoàn lương của mình, dần dần ông đã lấy lại được lòng tin của mọi người. Chỉ sau 5 tháng cai nghiện thành công, Quân được bà con trong tổ dân phố tín nhiệm cử làm công an viên, một năm sau thì được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố.

"Khi đó quê tôi đang là điểm nóng về an ninh trật tự, tệ nạn nghiện hút, cờ bạc phát triển. Tôi đã tự nhủ mình phải thay đổi suy nghĩ của họ, giúp họ tránh xa các tệ nạn để trở thành người lương thiện. Cũng may là tôi đã từng có thời gian như họ nên cũng dễ tiếp cận và chia sẻ được với họ.

Nhiều người lầm lỗi khi được tôi thuyết phục, cho vay vốn, tạo công ăn việc làm đã đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời như anh Nguyễn Văn Thái, anh Vũ Văn Hương (người cùng thị trấn), tôi còn giúp không ít đối tượng mắc nghiện tự cai ở nhiều địa phương khác trong tỉnh...", mắt ông ánh lên niềm vui.

Tuy bận rộn với việc làng, việc xã song ông vẫn thu xếp thời gian bất kể sớm tối cùng vợ và con tập trung phát triển kinh tế gia đình. Kể về chuyện kinh tế gia đình, niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt vợ chồng ông. "Năm 2007, ngoài việc chăn nuôi, làm đồng ruộng, anh ấy còn mở cho tôi một quán bán hàng ăn. Một thời gian sau, hai vợ chồng mua thêm chiếc xe ô tô 8 chỗ để anh ấy chạy thuê. Đứa con trai lớn đã đi công an nghĩa vụ, còn đứa nhỏ thì đang học lớp 5. Hai cháu đều rất ngoan và nghe lời bố", vợ ông tâm sự.

Với quyết tâm hoàn lương và những việc đã làm được, năm 2001, Nguyễn Đức Quân đã vinh dự được kết nạp Đảng, nhiều năm liền được cử làm đại diện của tỉnh Tuyên Quang đi báo cáo điển hình cai nghiện ma túy tại hội nghị tổng kết về cai nghiện ma túy... Ông chia sẻ: "Được các đồng chí lãnh đạo, anh em đồng nghiệp và bà con cô bác tin tưởng, mến yêu tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao để mong sao cuộc sống bình yên mãi trải đều khắp làng trên xóm dưới".

 Nước mắt người đàn ông từng khét tiếng giang hồ             

Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, với ông Nguyễn Đức Quân, hình ảnh đáng sợ của một con nghiện vẫn không thôi ám ảnh. Giờ đây khi là một tổ trưởng dân phố được bà con tin cậy, ông chỉ mong đem ý nghĩa cuộc sống đến với mọi người, đặc biệt là những người đồng cảnh ngộ. Vì hơn ai hết, ông thấu hiểu sự tù túng, trôi nổi, vô định của những cuộc đời không mục đích. Nụ cười ông có được ngày hôm nay phải trải qua bao đắng cay, sau bao nước mắt nhọc nhằn của bản thân và gia đình. Ông vẫn tin, những người lầm lỗi sẽ có đường trở về nếu có quyết tâm và được người thân mở lối...

Nhật Tân

Con đường phục thiện của "đại ca" khét tiếng xứ Nghệ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Lại Thế Sơn từng tung hoành khắp đất Bắc rồi quay về Nghệ An xưng hùng, xưng bá khiến cho nhiều "đại ca" ở khắp nơi thời bấy giờ phải nể phục. Ai cũng nghĩ, cuộc đời Sơn sẽ mãi dấn thân vào những cuộc đâm thuê chém mướn, rượu và ma túy vì ra tù rồi Sơn lại vào tù…

Chuyện “đại ca” miền sơn cước hoàn lương thành tỷ phú

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Từng mệnh danh "đại ca" thống soái thế giới lâm tặc một thời, với súng, tiền sẵn và nhiều như... cỏ, cũng từng vào tù ra tội nhưng Trịnh Văn Yên (sinh năm 1965, ở thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) trước mặt tôi hôm nay thực sự trở về hai từ "hoàn lương" đúng nghĩa.

Người chết 15 năm trở về kể chuyện làm “đại ca”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Cứ nhắc đến nhóm của Hiệu, các chủ bãi vàng lại run như cầy sấy. Tuy nhiên, đại ca vang danh một thời cũng có ngày trở về không nguyên vẹn.

Đại ca “tầm gửi” giang hồ vương giả nhất Khánh Hòa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Hạnh "Nhật" (SN 1974) tên thật là Nguyễn Ngọc Thành Hạnh, quê ở huyện Diêm Khánh, tỉnh Khánh Hòa, thường trú tại 338/8 Lê Hồng Phong, phường Phước Long, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dù ít tuổi nhất Hạnh "Nhật" được xác định là trùm "tầm gửi", tàn bạo nhất.