PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước: Ghép phổi là vô cùng phức tạp !

Phong Linh - Đàm Linh

Tại Việt Nam, nhắc đến ghép phổi không thể không kể đến PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc trung tâm Tim mạch Lồng Ngực, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Ông là người đã thực hiện nhiều ca ghép phổi với kỹ thuật cực kỳ phức tạp và thành công ngoài mong đợi. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc gặp vị PGS đặc biệt này để nghe những câu chuyện chưa từng được tiết lộ.

.

Người thực hiện cả 5 ca ghép phổi của bệnh viện Việt Đức

Chúng tôi tìm gặp vị bác sĩ đã thực hiện cả 5 ca ghép phổi tại bệnh viện Việt Đức vào một ngày nắng như đổ lửa.

Đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu cùng cái bắt tay nhiệt thành, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - chuyên gia trong lĩnh vực ghép tim, phổi và phẫu thuật tim mạch phức tạp - say mê nói về các kỹ thuật ghép tạng mà ông cho rằng đó là sứ mệnh mình được giao để cống hiến cho nền y học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết: “Ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ngành ghép tạng, nhưng bước đầu, Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật này”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ quá trình ghép phổi.

Trong 8 ca ghép phổi tại Việt Nam, riêng bệnh viện Việt Đức đã ghép 5 ca và cả 5 ca này đều do “bàn tay vàng” của PGS. Ước thực hiện.

Theo PGS. Ước, nếu ghép tim khó 1 thì ghép phổi khó gấp 5, thậm chí gấp 10 lần vì rất phức tạp với hàng trăm quy trình, chỉ một khâu nhỏ bị lỗi sẽ làm hỏng toàn bộ ca phẫu thuật. Ngay từ nguồn cho để thực hiện ca ghép phổi cũng đã vô cùng phức tạp.

PGS. Ước chia sẻ: “Có hai nguồn lấy phổi để ghép là từ người cho bị chết não và từ người sống. Mỗi nguồn sẽ có những cái khó riêng của nó. Ghép phổi từ người cho còn sống chỉ phù hợp với trẻ em do thể tích phổi nhỏ, có thể lấy 2 thùy phổi từ 2 người thân để ghép. Việc cắt một phần nhỏ phổi không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ của người cho. Tuy nhiên, với người trưởng thành, không thể thực hiện ghép phổi từ người cho còn sống do thể tích phổi lớn, muốn ghép đủ cần phổi tương đối lớn, phải của 3-4 người cho. Về nguyên tắc, có thể ghép phổi theo cách này nhưng không ai làm thế, vì cắt một lượng phổi lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người cho. Với nguồn cho từ người sống chủ yếu từ người thân trong gia đình như bố mẹ cho con cái...”.

Một bệnh nhân được các bác sĩ cứu chữa thành công.

Còn với nguồn cho từ người bị chết não, PGS. Ước chia sẻ: “Lấy phổi của người chết não cần phải cân nhắc rất nhiều. Ở bệnh viện Việt Đức, chúng tôi có 5 ca chết não nhưng chỉ lấy được 1 trường hợp bởi các trường hợp còn lại không đủ tiêu chí. Người chết não 90% là lấy được tim còn phổi cần phải xem xét cẩn thận vì phụ thuộc vào bệnh lý phổi nền trước đây, cũng như cách chăm sóc của người bệnh trước khi ghép. Vì thế, có rất nhiều vấn đề phát sinh làm cho việc lấy phổi gặp nhiều khó khăn”.

Theo như chia sẻ của PGS. Ước, người cho còn sống hay chết não thì công tác chuẩn bị để lấy tạng cũng đều công phu nhằm đảm bảo phổi đủ an toàn.

Yếu tố quan trọng phải tính đến trong việc lấy tạng phổi là nhóm máu và miễn dịch đối với người cho, người nhận. Tiếp đến, phổi được cho cũng phải là phổi tốt. Và cuối cùng, người hiến phổi phải được đảm bảo là sau khi cắt phổi cho đi thì chức năng sống vẫn gần như là ổn định.

Việc chọn lựa lấy phổi rất kỳ công, người già quá không lấy được, người yếu quá cũng không lấy... Do đó, không phải ai cho cũng có thể lấy tạng được mà phải sàng lọc, chọn lựa, tính toán mọi đường đi nước bước một cách tỉ mỉ nhất.

Để thực hiện ca ghép phổi, đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn, đánh giá tình trạng phổi của người cho và người nhận rất chặt chẽ. Khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe cũng gặp vô vàn khó khăn, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.

Các bác sĩ trong ca mổ ghép phổi kết hợp sửa tim bẩm sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

“Thứ nhất, phổi là tạng nhiễm khuẩn ở cả người cho và người nhận. Trường hợp phải thở máy hoặc chấn thương, phổi rất nhiều vi khuẩn. Chính vì vậy, cần làm cho phổi thật sạch. Thứ hai, hậu phẫu rất vất vả do hệ thống mạch máu trực tiếp nuôi dưỡng phổi rất nhỏ có thể hình dung bé như cái tăm, không thể nối. Vì vậy, phổi sau ghép chỉ được cung cấp máu một phần từ động mạch phổi, nguồn máu không dồi dào như lá phổi nguyên bản. Đấy là hai điều khiến cho kỹ thuật ghép phổi càng thêm phức tạp”, PGS. Ước chia sẻ.

Thay đổi cả một kiếp người, một gia đình

“Một ca ghép phổi chúng tôi phải làm việc đến 10 tiếng. Khi ấy, cả kíp mổ rất căng thẳng nhưng mọi căng thẳng, mệt mỏi sẽ đều vỡ òa khi ca ghép thành công. Đó là động lực cho chúng tôi cố gắng hơn nữa. Sau mỗi ca ghép thành công, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu ở bệnh nhân, đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về. Cảm xúc khi đó khó nói hết thành lời, bởi mỗi ca ghép thành công như hoàn toàn thay đổi cả một kiếp người, một gia đình”, PGS. Ước tâm sự.

Thế nhưng, ông cho biết, không phải lúc nào ca mổ cũng diễn ra theo tuần tự như quy trình có sẵn.

“Có trường hợp, chúng tôi phải mổ cho bệnh nhân ghép trước khi mổ cho người hiến. Bởi, người bệnh không thể chờ đợi thêm nữa, nếu mổ chậm 1 tiếng là họ chết. Lúc ấy, tôi đành nghiến răng mang ra mổ. Mổ xong lắp máy vào cho bệnh nhân thở để chờ tạng phù hợp. Đã có những lúc chúng tôi phải làm việc như vậy, căn ke từng giây, từng phút giành giật lại sự sống cho bệnh nhân trước lưỡi hái tử thần”, bác sĩ Ước trải lòng.

Từng thành viên trong nhóm ghép tạng đều mang trong mình trách nhiệm cao, bởi một sai sót nhỏ cũng có thể sẽ dẫn tới hậu quả lớn và an nguy sinh mạng của hai con người, một người có tâm hiến tạng và một người bệnh nặng cần cứu chữa.

Chính vì vậy, sau mỗi ca mổ, bác sĩ Ước lại thức thâu đêm nghiên cứu lại quy trình ghép phổi để thiết kế ra một quy trình hoàn hảo, triệt tiêu nhược điểm.

Trước khi chia tay PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, chúng tôi hồ hởi nhận định: Với những điểm sáng như vậy, ngành ghép tạng Việt Nam đang có vị thế trên thế giới.

Thế nhưng, vị bác sĩ này lại khiêm tốn cho biết: “Chúng ta mới chỉ bước vào bản đồ ghép tạng thế giới. So với chính bản thân mình, Việt Nam đã có tiến bộ rõ rệt nhưng so với quốc tế còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

“Ghép tạng còn phụ thuộc vào yếu tố “thiên thời”, được hay không được nhiều khi do ý trời, có trường hợp may mắn, có trường hợp không. Có bệnh nhân gia đình nhiều mối quan hệ, có kinh tế nhưng không tìm được nguồn cho tạng phù hợp khiến bệnh nhân mỏi mòn chờ đến lúc chết. Thế nhưng, có người mới đăng ký buổi sáng, chiều đã có người cho. Đó là sự run rủi của số phận. Bác sĩ chúng tôi chỉ là cầu nối để hiện thực hóa những số phận may mắn đó mà thôi”.

P.L - Đ.L