Phẩm chất của ĐBQH, tính trung thực phải đặt lên hàng đầu

Phẩm chất của ĐBQH, tính trung thực phải đặt lên hàng đầu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Sau khi ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (TW MTTQVN) đề nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của bà Đặng Thị Hoàng Yến (ĐBQH tỉnh Long An, khóa XIII), nhiều người đã bày tỏ lo ngại về quy trình giới thiệu, thẩm tra tư cách các đại biểu vào Quốc hội hiện nay...

Cần xem xét kỹ phần xét lý lịch người ứng cử

Mặc dù việc xem xét tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn còn phải chờ đến kết luận cuối cùng của Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới đây. Nhưng sự kiện ngày 18/4, khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQVN đã tiến hành biểu quyết với số phiếu 100% đại biểu đồng ý với việc đề nghị UB TVQH bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Điều đó đã cho thấy tinh thần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) của Đảng và Nghị quyết của UB TVQH về bỏ phiếu tín nhiệm với những người không đủ tư cách do cơ quan Quốc hội bầu ra.

Xã hội - Phẩm chất của ĐBQH, tính trung thực phải đặt lên hàng đầu

Bà Đặng Thị Hoàng Yến đang là tâm điểm chú ý của dư luận xung quanh vấn đề tư cách ĐBQH của mình.

Nếu như bà Yến bị bãi nhiễm tư cách ĐBQH thì đây sẽ là trường hợp ĐBQH thứ 3 bị bãi nhiễm tư cách trong lịch sử Quốc hội. Đầu tiên là trường hợp của ông Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty Điện lực Tp Hồ Chí Minh. Ông Hoàng bị bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội và khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thứ hai là trường hợp của ông Mạc Kim Tôn, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình. ông Tôn bị bãi nhiệm vì lý do lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bất bình trong dư luận, không được sự tín nhiệm của cử tri.

Xin không tranh luận những câu chuyện đúng sai của những vị ĐBQH này, nhưng với nhiều cán bộ từng giữ trọng trách trong Quốc hội và những người nguyên là ĐBQH đã bắt đầu bày tỏ sự lo ngại về việc giới thiệu, thẩm tra tư cách các đại biểu được giới thiệu vào Quốc hội hiện nay.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên phó chủ tịch Quốc hội (khóa XII) nhận định: "Qua những thông tin mà tôi nắm được, cũng như kết quả xác minh của các cơ quan có trách nhiệm thì đại biểu Hoàng Yến có một số cái còn chưa gương mẫu, chưa trung thực. Còn đã đến mức miễn nhiệm hay chưa thì sắp tới chắc chắn UB TVQH sẽ xem xét, rồi báo cáo Quốc hội xem xét việc miễn nhiệm hay không".

Ông Đặng Văn Xướng, nguyên phó trưởng Đoàn ĐBQH Long An (khóa XII) cho rằng: "Chuyện của bà Hoàng Yến mấy ngày nay báo chí cũng đăng rất nhiều, cơ quan chức năng cũng đang xác minh sự việc để trình Quốc hội vào kỳ họp tới xem xét việc miễn nhiệm tư cách đại biểu của bà Yến. Theo tôi lúc này chưa nên quy trách nhiệm của ai, mà hãy chờ đến khi Quốc hội quyết định. Phải xuất phát từ tình hình thực tế, trong trường hợp của nhiều ứng cử viên ĐBQH người ta không ở trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước. Nếu ở trong cơ quan nhà nước thì có bộ phận chuyên về quản lý lý lịch cán bộ nên dễ kiểm soát, quản lý cán bộ. Trường hợp bà Yến thì cơ quan giới thiệu ra ứng cử chưa hiểu hết về lý lịch của bà nên mới có những sai sót như vậy".

Ông Xướng cũng cho hay: "Quy trình giới thiệu thì gồm có nơi cư trú hoặc nơi công tác, còn bà Yến lại là một trường hợp đặc biệt, vì trước đây bà ở đâu chúng tôi không biết, bà mới đến Long An được một thời gian. Khi ở Long An bà Yến ở trong một quần thể của doanh nghiệp bà ấy, nó mênh mông rộng lớn và người dân ở địa phương không hiểu được về bà. Còn nếu xác minh ở cơ quan công tác, thì bà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty, do đó nếu có việc bà khai thiếu trung thực thì những người cùng cơ quan có khi cũng xác nhận theo bản khai đó. Chúng ta nên xem xét sự việc một cách toàn diện, trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng ứng cử viên".

"Sau sự việc đáng tiếc này, theo tôi thấy thì quy định của mình hiện nay chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng, với những ứng cử viên của đại biểu Quốc hội. Trong quá trình dân chủ hóa của mình thì ngày càng tăng số đại biểu là người ngoài Đảng vào Quốc hội... Trong quy trình 5 bước hiệp thương không có phần nào là xác minh lý lịch của người ứng cử viên. Nhưng đã là đại biểu Quốc hội, dưới góc độ người dân thì không có sự phân biệt, họ không quan trọng là người trong Đảng hay ngoài Đảng, vì vào đó có địa vị pháp lý ngang nhau, đều là đại diện cho cử tri”, ông Xướng khẳng định.

Chưa từng có tiền lệ nên chưa có bài học

Đem sự việc về bà Đặng Thị Hoàng Yến quay trở lại Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, PV Nguoiduatin.vn được ông Đỗ Hữu Lâm, trưởng Đoàn ĐBQH khẳng định: "Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chưa có ý kiến gì, việc của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được UB TVQH xem xét, còn bản thân đoàn ĐBQH tỉnh không có quyền lãnh đạo đại biểu, đoàn không phải là cấp trên của đại biểu. Nhưng sự việc đáng tiếc của đại biểu Hoàng Yến dù sao cũng ảnh hưởng tới địa phương. Tất cả vẫn phải chờ Quốc hội quyết định vào kỳ họp tới".

Trao đổi thẳng thắn với PV Nguoiduatin.vn, ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (khóa XII) khẳng định: "Từ trước đến nay Quốc hội chưa từng xảy ra trường hợp nào như của bà Đặng Thị Hoàng Yến, cho nên tổ chức thực hiện cũng chưa rút ra được bài học. Qua việc này, chắc chắn Quốc hội sẽ xem xét lại những khâu trong quá trình thực hiện Luật Bầu cử ĐBQH, đặc biệt là vấn đề tự kê khai của ứng cử viên là phải thể hiện cụ thể, nghiêm túc”.

Theo ông Cuông: "Qua vấn đề này tôi nhận thấy việc thành lập Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu hiện nay vẫn còn nặng tính hình thức, chưa thể hiện được vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất trong việc thẩm tra, xác minh tư cách của các ĐBQH, đặc biệt là những đại biểu đang có vấn đề được nêu. Nếu như chưa đủ cơ sở để kết luận đủ tư cách thì Quốc hội tạm dừng lại việc công nhận tư cách của đại biểu đó để tiếp tục xác minh, xem xét để Quốc hội ra Nghị quyết bổ sung tư cách của đại biểu đó. Sự việc đáng tiếc của đại biểu Hoàng Yến đã làm mất uy tín của tổ chức bầu cử từ cấp cơ sở cho đến Quốc hội.

Qua vụ việc này chắc chắn Quốc hội sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, sẽ có xử lý, nhưng bài học rút ra là cần xem xét cụ thể các quy định pháp luật, nếu có sơ hở thì cần xem xét lại. Hơn nữa cần đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được phân công tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội làm tốt hơn bổn phận của mình, tránh tình trạng “lọt lưới” như trường hợp đáng tiếc của bà Hoàng Yến".

Trả lời câu hỏi của PV về phẩm chất quan trọng nhất của một ĐBQH-người được quần chúng nhân dân lựa chọn làm đại diện cho mình, ông Lê Văn Cuông khẳng định: "Trong các tư cách, phẩm chất đạo đức của ĐBQH, theo tôi thì tính trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Một người bình thường nếu gian dối cũng đáng bị lên án rồi, huống chi là người đại diện cho cử tri, đại diện của nhân dân mà lại thiếu trung thực thì trong quá trình hoạt động sẽ nói lên tiếng nói không đúng tiếng nói của cử tri, tiếng nói đó sẽ bị méo mó vấn đề, và nếu mang tính cá nhân thì rất nguy hiểm. Bản thân đại biểu không trung thực thì không đủ tư cách để làm người đại diện cho nhân dân, không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội".

"Nếu một người mà không trung thành, trung thực thì không thể là ĐBQH"

Xã hội - Phẩm chất của ĐBQH, tính trung thực phải đặt lên hàng đầu (Hình 2).
Ông Nguyễn Đức Kiên

"ĐBQH phải có uy tín với nhân dân, với cử tri, phải có tinh thần hết lòng vì sự nghiệp chung của nhân dân. Không những thế, đã là ĐBQH phải có trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh hiểu thấu đáo tâm tư nguyện vọng của nhân dân. ĐBQH còn phải là người thật sự gương mẫu, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, đạo đức phẩm chất trung thành với Đảng, Nhà nước, trung thực với nhân dân. Nếu một người mà không trung thành, trung thực thì không thể là ĐBQH. Do đó, trong quá trình lựa chọn người tổ chức hiệp thương theo quy định của Luật Bầu cử từ bên dưới phải nắm rất chắc những yêu cầu đòi hỏi đối với ĐBQH".

(Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên phó chủ tịch Quốc hội khóa XII)

Vương Trần - Quốc Triều