Phạm Tuyên – người nhạc sĩ của 'những bài ca không tuổi'

Phạm Tuyên – người nhạc sĩ của 'những bài ca không tuổi'

Thứ 2, 06/03/2017 | 16:10
0
Âm nhạc dường như đã đi vào máu thịt Phạm Tuyên, để rồi cho đến tận bây giờ, người nhạc sĩ đầy tâm huyết ấy vẫn luôn trăn trở với đời sống âm nhạc nước nhà.

Yêu và say mê với từng khuông nhạc, từng giai điệu bổng, trầm; người nhạc sĩ ấy bằng tâm hồn lãng mạn của mình đã mang đến cho người Viêt Nam nhiều thế hệ muôn vàn những cung bậc cảm xúc mà ít ai có thể làm được điều đó. Người nhạc sĩ tài danh ấy, không ai khác, chính là Phạm Tuyên!

Sinh ngày 12 tháng 1 năm 1930, quê ở xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, Hải Dương, Phạm Tuyên sớm mang trong mình tâm hồn nghệ thuật. ngay từ khi còn trẻ ông đã đảm nhiệm những công việc đậm chất nghệ thuật như: Cán bộ phụ trách Văn – Thể – Mỹ tại Khu Học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc), Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam và hiện nay là Chủ tịch danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội.

Rong ruổi trên khắp mọi miền Tổ quốc, dành tình yêu, tình thương đối với hết thảy mọi thứ ngang qua cuộc đời mình. Bằng sự hăng say, niềm nhiệt huyết, ông đã thổi hồn mình vào từng nốt nhạc, giai điệu…để truyền tải đến những người “yêu”, “say” văn nghệ. Nhờ vậy mà các ca khúc của Phạm Tuyên luôn chạm đến trái tim của người yêu âm nhạc nước nhà.

 

Từ những bài hát nhuốm màu thời gian “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, “Chiếc gậy Trường Sơn” phấn khởi, dạt dào xúc cảm đến những bài ca không tuổi “Như có Bác trong ngày đại thắng” nhí nhảnh, tươi vui đánh dấu một bước ngoặt lớn trong trang sử nước nhà; người nghe sẽ nhận ra điểm xuyên suốt trong các tác phẩm của ông đó là sự “giản dị” mà “chân thật”, “tự nhiên” như hơi thở, và “cần thiết” phải viết ra như cơm ăn, áo mặc hàng ngày.

Nhiều người coi Phạm Tuyên là “người viết sử bằng âm nhạc”, bởi trong hầu hết các ca khúc của ông, người ta đều thấy có bóng dáng của những sự kiện lớn trải dài trên khắp dải đất hình chữ S.

Chẳng người Việt Nam nào lại không hình dung ra chiến thắng huy hoàng của dân tộc đã được Phạm Tuyên “vẽ ra” 2 ngày trước giải phóng Sài Gòn khi nghe những lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng… Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!”.

Nhưng chính nhạc sĩ Phạm Tuyên lại tâm sự rằng: “Các nhà nhận định nói rằng tôi viết sử bằng âm nhạc, tôi bảo là không bao giờ tôi có ý nghĩ làm việc to tát ấy đâu. Đây chỉ là tình cảm của bản thân mình góp phần như một vũ khí. Vì ở Đài nên theo dõi từng bước quân giải phóng. Như ngày 28/4 nghe tin một phi công ném bom sân bay Tân Sân Nhất, mình nghĩ là nếu Tân Sân Nhất thì ngày mai ngày kia là đến Sài Gòn thôi cho nên tôi đã viết bài “Như có Bác”. Về sau có những bài hát cũng nhờ những thông tin mình nắm được từ cơ quan truyền thông lớn nhất của đất nước lúc ấy”.

Những ca khúc của Phạm Tuyên không chỉ là “tiếng lòng” của cá nhân mà dường như, nó còn là lời cảnh báo “rắn rỏi” mà “kiên định”, “đanh thép” của đồng bào Việt Nam tới kẻ gây nên cuộc chiến tranh phi nghĩa: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi”.

Đó còn là lời đáp trả đầy “tự tin” và luôn “sẵn sàng” đứng lên khi Tổ quốc cần: “Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa” (Hà Nội – Điện Biên Phủ). Những tác phẩm ấy giống như lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước vùng lên đấu tranh cương quyết hơn nữa, càng như lời khẳng định “chiến thắng” – tất yếu sẽ thuộc về chúng ta!

Và chân lý đó, đã được củng cố vững chắc khi “Đế quốc Mỹ đã cúi đầu”. Những bài hát ấy đã phần nào mang đến cho những người lính cụ Hồ cảm giác được bù đắp bởi những gì mất mát nơi chiến trường đầy “máu” và “nước mắt” ấy.

Bên cạnh những ca khúc theo chân chiến sĩ vượt Trường Sơn khói lửa những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Tiếng hát những đêm không ngủ”..., còn có những bài hát được Phạm Tuyên thắp sáng niềm vui, thổi vào cuộc sống mới một niềm tin mãnh liệt khi đất nước khoác lên mình chiếc áo thanh bình: “Từ một ngã tư đường phố”, “Thành phố 10 mùa hoa”, “Đảng đã cho ta một mùa xuân”....

Với những ca từ sâu sắc mà chân thật xuất phát tự đáy lòng, nhạc sĩ đã ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm khó phai mờ về lịch sử đấu tranh cách mạng với biết bao thế hệ người dân Việt. Sức sống của những bài ca ấy không còn nằm trong khuôn khổ của dải đất Việt Nam bé nhỏ, mà còn vượt ra khỏi biên giới nước nhà để lan toả ở nhiều nước như: Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc…

Âm nhạc dường như đã đi vào máu thịt ông, để rồi cho đến tận bây giờ, người nhạc sĩ đầy tâm huyết ấy vẫn luôn trăn trở với đời sống âm nhạc nước nhà. Ông luôn động viên và mong muốn lực lượng sáng tác trẻ sẽ phát huy được những chức năng cao quý của âm nhạc: đó là chức năng động viên, giáo dục và chức năng giải trí. Lấy đó như một thứ “vũ khí” lợi hại để lan tỏa sức ảnh hưởng của cái gọi là “Chân – Thiện – Mỹ” tới hết thảy người dân.

Phải biết quên đi những nỗi niềm riêng của mình để nhớ đến trách nhiệm đối với nhân dân, với đất nước”. Ấy là lời dặn dò đầy hy vọng của một con người đã từng đi qua biết bao năm tháng cam go của lịch sử nước nhà.

Hồng Thúy/NĐT