Phập phồng đọc... truyện dịch và độc chiêu 'gây tranh cãi'

Phập phồng đọc... truyện dịch và độc chiêu 'gây tranh cãi'

Thứ 5, 02/05/2013 | 14:10
0
Vừa qua, câu chuyện về cuốn sách "Những thứ họ mang" của tác giả Tim O'brien do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng dịch sang tiếng Việt đã có những đoạn rất tục tĩu mà không hề có biện pháp nói giảm, nói tránh, gây phản cảm cho người đọc.

Gây sốc về ngôn ngữ để độc giả phải tò mò?

"Những thứ họ mang" của tác giả Tim O'brien viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam được công ty sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn hoá phát hành vào tháng 4 năm 2011. Trong một số đoạn, xuất hiện những ngôn từ tục tĩu, không được đăng tải trên sách báo như: "Con mặt l ** d** bao giờ trả lời (Trong sách dịch nguyên văn, không sử dụng dấu *). Dù xuất bản được một thời gian nhưng gần đây dư luận mới lên tiếng phản đối về sự việc trên.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên gặp phải vấn đề này vì cách đây một thời gian tác phẩm của Mạc Ngôn với tên nguyên bản là "Vú to mông nẩy" được Trần Đình Hiến dịch nhưng không NXB nào dám in. Sau đó dịch giả cân nhắc đổi tên thành "Báu vật của đời" và được in ngay. Hay tác phẩm gây sốt đối với độc giả thế giới vừa qua khi liên tục leo lên vị trí đầu bảng của cuốn sách bán chạy nhất thế giới như: "50 sắc thái" với 3 tập: "Xám” - "Đen" và "Tự do" của tác giả E.L.Jame được nhà sách Alpha Books mua lại bản quyền. Nhưng khi đến tay độc giả Việt Nam đã gây ra một cuộc tranh cãi chưa từng có.

Nhiều người thì cho rằng, đây là cuốn sách xứng đáng để đọc vì phản ánh đúng bộ mặt thật của đời sống tình dục, giúp người đọc so sánh được đời sống tình dục của bản thân. Còn nhiều ý kiến thì lên tiếng phản bác khi nghi ngờ tính văn chương và yếu tố nhân văn trong tác phẩm này. Họ cho rằng không quá ngoa ngôn khi liệt những tác phẩm này: Là một "số âm" về văn chương, là tiểu thuyết tục tĩu, là sách khiêu dâm. Và còn rất nhiều tác phẩm cũng chung số phận như: "Rừng Na Uy", "Lolita... ít nhiều khiến độc giả và dư luận tranh cãi kịch liệt. Để xuất hiện một sản phẩm dịch thế này là trách nhiệm của tất cả các bên: Dịch giả,  biên tập, NXB còn về phía người đọc thì đứng giữa ranh giới mong manh, khó có thể phân biệt được đâu là hiện thực, đâu là văn hóa.

Xã hội - Phập phồng đọc... truyện dịch và độc chiêu 'gây tranh cãi'

Độc giả Nguyễn Huyền Ly chia sẻ: "Cuốn sách bản Tiếng Anh mình đọc cũng toàn từ ngữ vậy thôi. Nó phản ánh chân thật cảm giác của người lính trong chiến tranh. Nếu dịch theo những từ ngữ "quá trong sáng" thì người đọc sẽ không hiểu được trọn vẹn cảm giác hoảng loạn và sợ hãi của người lính. Mình nghĩ mọi người nên thoáng hơn một chút về từ ngữ bậy trong Văn học, không tác giả nào quá rảnh rỗi mà cho từ ngữ mất văn hoá vào cuốn sách để nhận lấy khiển trách, họ chỉ muốn cho người đọc cảm nhận được những gì mà ngôn ngữ "hợp với thuần phong mỹ tục" không thể diễn tả được".

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều ý kiến theo chiều ủng hộ dịch giả và cuốn sách, còn đa phần bạn đọc đều phản đối cách dịch sát nghĩa gây sốc của dịch giả hiện nay. Độc giả Minh Văn thuộc nhóm phản đối: "Nó phản ánh cả tầm văn hoá thấp của chính người phát ngôn. Thêm nữa, bản gốc cũng không có từ nào tương đương từ đ ** mà dịch đưa vào. Câu tiếng Việt nghe càng chói tai, tăng sự miệt thị với đối tượng và sự vô văn hoá của chủ thể nói. Ngoài ra, cách viết trên còn phản văn học khi sử dụng từ ngữ thô tục đưa lên trang giấy mà không có giới hạn độ tuổi người đọc. Chấp nhận và sử dụng nó là không nghĩ đến hậu quả cho những người khác và xã hội. Luôn có sự khác nhau giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết".

Xã hội - Phập phồng đọc... truyện dịch và độc chiêu 'gây tranh cãi' (Hình 2).

Tiến sĩ ngôn ngữ Phạm Thuý Hồng cho rằng dịch thuật nên linh động, uyển chuyển trong từng trường hợp.

Dám chịu trách nhiệm trước công luận

Đứng giữa nguyên tắc tôn trọng sự thật và tôn trọng văn hoá sẽ là một lựa chọn khó cho các nhà dịch sách sang tiếng Việt. Bởi nếu dịch đúng nguyên bản, tinh thần của tác giả thì bị cho là tục tĩu, kém văn hoá nhưng nếu dịch với ngôn từ sang trọng thì tất nhiên sẽ không còn đúng ngữ cảnh, độc giả không còn cảm nhận được cái hồn của câu chuyện. Vậy câu hỏi đặt ra là, nên tôn trọng sự thật hay tôn trọng văn hoá?

Ý kiến về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình: "Cuốn sách này tôi đã đọc từ rất lâu do tác giả Tim O'Brien ký tặng. Nhưng quả thực, tôi không nghĩ đến một câu tiếng Việt như Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Việc không ít bạn đọc phản đối câu dịch này là chuyện dễ hiểu. Cho dù câu tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng chính xác 100% và không thể có một cách dịch thứ hai nào nữa thì đông đảo bạn đọc cũng sẽ vẫn phản đối". Và lý do mà nhà thơ đưa ra đó là: "Lý do duy nhất là văn hóa của người Việt Nam không thể coi những câu văn như vậy là văn chương cho dù văn chương viết về cái xấu.

Câu chuyện văn hóa ở khía cạnh này là một câu chuyện không hề đơn giản. Có thể một ngày nào đó, bạn đọc Việt Nam sẽ chấp nhận được những câu văn như thế? Nhưng bây giờ thì chưa phải. Một số ý kiến cho rằng dịch phải trung thực với nguyên bản. Điều này đúng nhưng thế nào là đúng với nguyên bản là một câu chuyện mà chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác. Có bạn đọc bắt bẻ rằng trong câu tiếng Anh của Tim không có từ đ ** mà Trần Tiễn Cao Đăng lại dịch ra chữ đ **. Bắt bẻ này không có lý cho dù tôi cũng chẳng thích cho từ đó vào và nếu có từ đó trong câu tiếng Anh thì cũng không cần phải đưa vào ở trong trường hợp này". Và ông cũng nhấn mạnh về sự sáng tạo trong công việc dịch thuật tác phẩm văn chương nước ngoài sang tiếng Việt: "Ai cũng biết, dịch là một sáng tạo mới xuất phát từ một sáng tạo trước đó.

Thực ra, sự sáng tạo tiếng Việt trong bản dịch là để đảm bảo truyền đạt được chính xác nhất và truyền cảm nhất văn bản của nhà văn ở một ngôn ngữ khác và một nền văn hóa khác”. Trước ý kiến của nhà thơ, dịch giả của tác phẩm gây tranh cãi Trần Tiễn Cao Đăng phản hồi nhanh chóng: "Tôi rất tôn trọng và cũng chia sẻ một phần với suy nghĩ và quan điểm đánh giá của anh Nguyễn Quang Thiều mà theo tôi là một lối tiếp cận vấn đề cũng rất nhân văn và cẩn trọng, có trước có sau. Tôi không có cơ hội được trao đổi với Tim O'Brien khi dịch tác phẩm của ông. Nếu có, hẳn là tôi cũng sẽ có được thêm nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, ai cũng biết rõ rằng mỗi một dịch giả, luôn phải đối diện với văn bản, và chỉ có văn bản, ở trong một thời điểm nào đó có sức ép về thời gian rõ ràng, và anh ta phải làm việc với quan điểm cá nhân của mình, với cả những hạn chế của mình, một cách tốt nhất có thể mà thôi. Việc dịch thuật tốt nhất là không rơi vào một trong hai cực "hướng đích" (người đọc) hay "hướng nguồn" (tác giả); điều dịch giả cố gắng đạt tới là sự trung dung...".

Còn về phía đại diện của nhà sách Nhã Nam cũng đã lên tiếng: "Chúng tôi tôn trọng khi mạch phát triển của tâm lý nhân vật trở nên bất thường ở trong những văn cảnh đặc biệt căm phẫn hoặc tàn khốc. Chúng tôi hoan nghênh cách xử lý của nhiều nhà văn Việt Nam nổi tiếng và nhiều cơ sở xuất bản chính thống đã có cách xử lý riêng với tinh thần dám chịu trách nhiệm trước công luận. Ở trường hợp "Những thứ họ mang", trong quá trình biên tập chúng tôi đã hết sức cân nhắc câu văn gây tranh cãi, và đã giữ nguyên ý định của dịch giả sau khi nhận thấy rằng câu văn hợp với văn cảnh, thể hiện tâm trạng bi thương cùng cực của một người lính".                 

Uyển chuyển trong dịch thuật

Dịch thuật là một công việc đòi hỏi phải có sự uyển chuyển, khéo léo là ý kiến của tiến sĩ ngôn ngữ học Phạm Thuý Hồng- giảng viên khoa Ngôn ngữ học, đại học Khoa học Xã hội và nhân văn. "Có nhiều cách dịch như: Dịch sát, dịch thoát, dịch đúng ý. Tuỳ từng trường hợp, từng văn bản, ngữ cảnh thì người dịch sẽ linh hoạt trong cách dịch. Một tác phẩm dịch hay là vừa truyền tải được đúng ý đồ tác giả nhưng vẫn phù hợp với văn hoá bản địa. Còn các yếu tố tục hay không, quan trọng là dịch giả hiểu đúng ý tác giả. Và sách dịch phải phù hợp với đối tượng độc giả, nếu là sách dành cho trẻ con thì tuyệt nhiên không được có những ngôn từ bậy bạ, dù đó là nguyên văn của tác giả. Còn sách dịch cho người lớn thì tuỳ vào từng trường hợp"- Tiến sĩ Hồng chia sẻ.

Gia Lê

Truyền hình thực tế: Tài năng 'sáng' bị loại khó hiểu

Thứ 6, 26/04/2013 | 16:41
Có nhiều tiết mục tạp kỹ đặc sắc được yêu thích nhưng chỉ có một tiết mục bình thường lọt vào chung kết. Với kết quả này, Got Talent lại bị nghi ngờ có sự dàn dựng kết quả.

Bản dịch tiểu thuyết tục tĩu 'chưa từng có'

Chủ nhật, 21/04/2013 | 09:34
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Những thứ họ mang” của tác giả Tim O'Brien gây bức xúc và bực bội cho một số độc giả bởi cách dùng từ được xem là "chưa từng có".

Nữ sinh lên mạng chửi bố tục tĩu vì... tức

Thứ 2, 04/03/2013 | 14:21
Mới đây, một bạn nữ đang học THPT đã lên Facebook để xả nỗi bực tức với người bố của mình với những lời tục tĩu chỉ vì bị bố chửi là …“chó”.

Chủ tịch Hạ viện mất chức vì nhắn tin tục tĩu với trai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Chủ tịch Hạ viện Úc Peter Slipper đã bị nhân viên cũ kiện ra tòa án liên bang vì ông này “lợi dụng chức vụ để săn đuổi những mối quan hệ tình dục với các nam nhân viên”.