Phía sau quyết định kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam

Phía sau quyết định kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 4, 13/07/2022 10:34

Thời gian qua, công luận và các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra những nghi vấn về việc kinh doanh SGK của NXB Giáo dục Việt Nam.

Sau hàng loạt sai phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh và SGK, ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT)  Nguyễn Kim Sơn vừa ra  quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN. Trong đó có những sai phạm nghiêm trọng khi chỉ đạo NXB tổ chức sản xuất,  kinh doanh, phát hành  sách giáo khoa (SGK) mới.

Cơ quan CSĐT Công an Tp.Hà Nội đang xác minh thông tin tố giác ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong việc mua sắm giấy in sách giáo khoa phục vụ năm học 2022 – 2023. Có một điều chắc chắn là việc kỷ luật với mức cảnh cáo mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phê chuẩn là một quyết định lấy lại lòng tin của cộng đồng xã hội.

Ngay từ khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đi vào cuộc sống, với phương châm “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” và mục đích chính là chống độc quyền kinh doanh SGK, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên, phụ huynh và học sinh được lựa chọn, những cuốn SGK được biên soạn tốt nhất, phù hợp nhất với việc dạy và học ở từng cơ sở giáo dục. Thực tế cho thấy năm đầu tiên triển khai chương trình, NXBGDVN đã thành lập bốn nhóm tác giả để biên soạn bốn bộ sách khác nhau (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục). Bên cạnh đó, còn có SGK xã hội hóa do NXB ĐHSP,  NXBSP Tp.Hồ Chí Minh, NXB ĐHSP Huế, NXB ĐHSP Vinh thực hiện.

Giáo dục - Phía sau quyết định kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vướng rất nhiều lùm xùm thời gian qua

Năm 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên, các bậc phụ huynh, học sinh vui mừng được tiếp cận 5 bộ SGK lớp 1 (riêng sách Tiếng Anh là 8 bộ) và, về nguyên tắc, họ được lựa chọn một bộ sách phù hợp. Có thể coi đây là thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn SGK.

Đến đầu năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh cả nước ngỡ ngàng, không hiểu vì lý do gì mà hai bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục biến mất. Các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh đã lựa chọn hai bộ sách trên vô cùng hoang mang.

Một câu hỏi đặt ra là hai bộ SGK bị NXBGDVN cho biến mất khỏi thị trường là do chất lượng sách, nội dung sách được biên soạn không đảm bảo Chương trình GDPT 2018 hay vì lý do nội bộ nào khác trong NXB GD VN? Điều đáng lưu ý là những tác giả tham gia viết hai bộ sách trên lại là những chuyên gia kỳ cựu trong giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học.

Đây là sự kiện hy hữu đáng buồn gây ồn ào trong dư luận thời gian qua.

Giáo dục - Phía sau quyết định kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam (Hình 2).

Sách giáo khoa có vai trò không nhỏ trong quá trình giảng dạy

Điểm thứ hai, ngay trong hai năm học đầu tiên (2020-2021 và 2021-2022), phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục đã phát hiện và phản ánh về các lỗi trong một số SGK lớp 1, lớp 6. Trước phản ánh của cộng đồng mạng và các cơ quan ngôn luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo các NXB phải sửa chữa những lỗi mà công luận nêu. Trong khi một NXB khác đã kịp thời và công khai trên báo chí việc sửa chữa những lỗi mà công luận nêu thì NXBGDVN lại lẳng lặng sửa chữa lỗi theo kiểu đối phó, tượng trưng và không công khai trên báo chí.

Có thể nhắc tới những lỗi sai cụ thể gây ồn ào trong công luận một thời gian dài như sau: SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ “P” với tư cách là phụ âm đầu, không dạy học sinh cách viết hoa, đưa ngữ liệu văn học đang dạy ở lớp 8 theo Chương trình GDPT 2000 xuống dạy ở lớp 1 (truyện “Tôi đi học” của Thanh Tịnh) và vô số lỗi khác…

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 có nhiều bài đọc, nhiều hình ảnh minh họa thiếu tính giáo dục, nhiều bài đưa ra những câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời vượt quá Chương trình, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ tự nhiên của trẻ. SGK Ngữ văn 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không bám sát Chương trình, dạy học sinh cấp Trung học cơ sở theo chủ điểm như dạy tiếng Việt cho  học sinh tiểu học; ngữ liệu đưa vào SGK không phải là những tác phẩm tiêu biểu của  thể loại văn học cần giảng dạy (như bài thơ “Bắt nạt”); đưa thể loại văn học dạy ở các lớp trên xuống dạy cho lớp 6. Đặc biệt, SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 mắc những lỗi cơ bản về kiến thức cũng đã được các cơ quan ngôn luận chỉ ra.

Đó là chưa kể đến những lình xình liên quan đến bản quyền, chất lượng SGK Giáo dục thể chất lớp  và lớp  của tác giả Nguyễn Thị Diệu Linh (thực chất là của ông Nguyễn Đăng Khôi – Phó Trưởng ban phụ trách Ban biên tập sách Sinh học) có những sai sót trong quá trình biên soạn và in ấn xuất bản. Dư luận mong mỏi Bộ GD&ĐT xem xét tiêu chí lựa chọn các tổng chủ biên.

Giáo dục - Phía sau quyết định kỷ luật lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam (Hình 3).

Công luận và các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra những nghi vấn về thủ thuật kinh doanh SGK của NXBGDVN

Thời gian qua, công luận và các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt ra những nghi vấn về thủ thuật kinh doanh SGK của NXBGDVN. Dưới sự lãnh đạo của ông Chủ tịch HĐ thành viên Nguyễn Đức Thái, chỉ riêng 2 doanh nghiệp trực thuộc NXB GD VN trong năm 2021 đã phải chi ra cả trăm tỷ đồng để “phát triển thị trường” SGK. Dư luận băn khoăn rằng, liệu những khoản chi này có phải là những bông “hoa hồng” như Việt Á? Đó có phải là một trong những nguyên nhân làm đội giá SGK không?

Một vấn đề nữa liên quan đến chất lượng thẩm định SGK. đó là việc NXB GD VN đã mời không ít lãnh đạo và thành viên các hội đồng quốc gia thẩm định SGK viết sách tham khảo, sách bài tập “ăn theo” SGK, thậm chí giúp NXB GD VN thẩm định nội bộ bản thảo SGK trước khi đưa ra hội đồng thẩm định quốc gia.

Đặc biệt, việc thu hồi và tiêu hủy hàng trăm ngàn cuốn SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 với những sai phạm nghiêm trọng về kiến thức là không có thực đã khiến thầy trò trong cả nước học bộ sách này nói chung và cuốn sách nói riêng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. 

Thiết nghĩ, để đảm bảo có “học thật, thi thật, nhân tài thật” như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngoài việc đưa ra một quyết định kỷ luật với cá nhân ông Nguyễn Đức Thái, Bộ GD&ĐT cần xem xét tiêu chí lựa chọn các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả SGK, nhằm thay thế những cá nhân, ê kíp viết SGK thiếu kiến thức và tâm huyết, tạo thành lỗi hệ thống như công luận đã chỉ rõ, đồng thời kịp thời cho sửa chữa những lỗi về kiến thức, về ý nghĩa giáo dục, đặc biệt là những nội dung sai quy định của Chương trình GDPT 2018 mà Bộ GD&ĐT đã ban hành kèm theo tại Điều 9 Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT.

Khánh Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.