Con ngoan hiền sát hại cha, bi kịch đau lòng sau chén rượu cay
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh T., khoảng 18h30 ngày 21/5, ông Phan Văn C. (73 tuổi, ngụ xã H., huyện C.) có biểu hiện say rượu. Vừa về đến sân nhà, ông này lớn tiếng chửi mắng vợ con. Bị chồng mắng chửi, vợ ông C. tức tối đáp lời. Thấy vậy, ông C. dọa đánh vợ. Nghe tiếng cha mẹ cãi vã, Phan Thanh Nhàn (35 tuổi) từ trong nhà bước ra sân, dùng dao đâm ông C.. Bị con trai tấn công, người đàn ông 73 tuổi gục chết tại chỗ. Sau khi sát hại cha ruột, Nhàn gọi điện thoại báo cơ quan công an. Sau đó, Nhàn bị khởi tố điều tra về tội Giết người.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Phan Thanh Nhàn về tội Giết người theo quy định tại điểm đ (giết cha của mình) khoản 1 Điều 123 BLHS.
Ngày 29/5/2020, TAND tỉnh T. mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Nhân. Đại diện VKS, kiểm sát viên Lê Thu Nga. Luật sư Hồ Hoài Anh, đoàn luật sư tỉnh T. bào chữa cho bị cáo Nhàn theo chỉ định của tòa án. Đại diện gia đình bị hại.
VKS: Bị cáo đã phạm tội tày trời
Theo lời bị cáo khai nhận tại cơ quan điều tra, chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, vì quá bức xúc nên bị cáo đã xuống tay với cha đẻ của mình. Bị cáo cho rằng trong nhiều năm qua, gia đình bị cáo luôn phải sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” do cha bị cáo nát rượu, thường xuyên chửi bới vợ con, thậm chí “động chân, động tay” với mẹ bị cáo. Điều đó khiến bị cáo và người thân vô cùng bức xúc.
Qua quá trình xác minh, cơ quan điều tra xác định đúng là nạn nhân nát rượu, thường xuyên bạo hành vợ con. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu nạn nhân cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bị cáo được quyền kết liễu mạng sống của cha mình. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân đều bị xử lý nghiêm minh. Trong vụ án này, bị cáo là con trai của nạn nhân nhưng lại không giữ tròn đạo hiếu mà hành xử côn đồ. Hậu quả của hành vi vô cùng nghiêm trọng khiến nạn nhân chết, gây dư luận xấu trong nhân dân.
Sau khi xem xét những tình tiết giảm nhẹ hình phạt của bị cáo tự thú, thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải, nạn nhân là người có lỗi…, VKS đề nghị xử phạt bị cáo 12 năm tù về tội Giết người.
Bị cáo: Bị cáo không chối tội
Thưa quý tòa, ngay sau khi cha bị cáo ngã xuống, bị cáo đã hiểu mình vừa gây ra tội lỗi tày đình. Ý thức được hậu quả của hành vi mình vừa gây ra, bị cáo đã chủ động gọi điện cho công an xã để tự thú. Đúng là bị cáo chưa làm tròn bổn phận làm con khi hành xử với cha đẻ của mình như vậy. Nhưng với tư cách là trụ cột trong nhà, bị cáo không thể nín nhịn được hơn nữa khi liên tục chứng kiến cảnh cha nát rượu về nhà kiếm cớ gây gổ với mẹ. Cũng vì gia cảnh bần hàn, cha mẹ tuổi đã cao nên bị cáo không dám lấy vợ, chăm chỉ làm ăn để báo hiếu. Nhưng cha bị cáo lại không thương vợ con, tối ngày bầu bạn với rượu. Nếu chỉ uống say rồi ngủ thì cũng không sao, đằng này hễ có hơi men trong người là cha bị cáo lại chửi con, đánh vợ khiến gia đình bị cáo luôn căng thẳng. Bị cáo đi làm đã mệt mỏi, khi về nhà, muốn được yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng lại luôn phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa. Hôm đó thấy cha lớn tiếng dọa giết mẹ, vì quá bức xúc, bị cáo đã không thể kiềm chế được hành vi…
Giờ cha bị cáo chết rồi, dù bị cáo có phải trả giá bằng cả tính mạng thì bị cáo cũng chấp nhận. Chỉ thương mẹ già côi cút, không còn ai để dựa dẫm, bầu bạn sớm hôm…
Đại diện gia đình bị hại: Tôi đã mất chồng, giờ đừng khiến tôi mất con
Kính thưa HĐXX, tôi đến đây với tư cách là đại diện cho gia đình bị hại nhưng tôi cũng là người sinh ra bị cáo. Nhìn con đứng ở kia, lòng tôi đau như dao cắt. Tôi hiểu việc con mình làm là sai, là phạm pháp nhưng cũng hiểu rằng nó làm vậy vì quá thương mình. Câu nói “con giun xéo mãi cũng quằn”, thật đúng với trường hợp của mẹ con tôi. Bao nhiêu năm qua, cả cái xã này không ai lạ gì tính nát rượu, vũ phu của chồng tôi. Không phải vì Nhàn là con tôi mà tôi bênh nó, làng trên, xóm dưới đều biết con tôi hiền như thế nào, tốt bụng ra sao. Tuy chỉ chạy xe ôm, thu nhập bấp bênh nhưng khi thấy người nghèo hơn, nó vẫn sẵn sàng giảm giá. Những người già nghèo khổ trong xóm thường xuyên được Nhàn giúp đỡ bằng cách chở đi khám bệnh, lấy thuốc miễn phí. Chính quyền địa phương, họ hàng, bạn bè đều biết rõ điều này và sẵn sàng làm chứng cho tôi.
Tôi đã mất chồng, nay không thể mất thêm con trai. Nó là chỗ dựa duy nhất của tôi. Mong quý tòa hãy giảm nhẹ hình phạt cho con tôi, để mẹ con sớm đoàn tụ.
Luật sư bào chữa: Hãy cho thân chủ của tôi 1 cơ hội
Thưa quý tòa, những gì vợ bị hại vừa phát biểu cũng chính là quan điểm bào chữa của tôi trong phiên tòa này. Khi nhận bào chữa cho bị cáo, tôi đã tìm hiểu rất kỹ nguồn cơn dẫn tới vụ án. Do vậy, tôi rất đồng tình với mức án đề nghị của VKS. Theo tôi, mức án này đã đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo.
HĐXX: Bản án đủ sức răn đe
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội của bị cáo, gia đình bị hại và diễn biến tại phiên tòa hôm này, HĐXX nhận thấy cáo buộc của VKS là có cơ sở.
Trong vụ án này, bị hại cũng là người có lỗi trước khi thường xuyên nát rượu, bạo hành vợ con, khiến gia đình lục đục. Tuy nhiên, hành vi tước đoạt mạng sống của ông C. của bị cáo là phạm pháp, cần phải trừng trị nghiêm để răn đe.
Xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, tự thú, thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn hối hận, lại được đại diện gia đình bị hại có đơn bãi nại…, căn cứ điểm r, s khoản 1 Điều 51 BLHS; điểm đ khoản 1 Điều 123 BLHS, phạt bị cáo Phan Thanh Nhàn 12 năm tù về tội Giết người. Do gia đình người bị hại không yêu cầu bồi thường nên tòa không xem xét.
Bị cáo, đại diện gia đình bị hại có 15 năm ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương