Phố vắng hoang vu từ lúc em...về

Nguyễn Ngọc Tiến

Hà Nội ngày cá tháng Tư. Phố vắng hơn vì chống dịch, cách ly toàn xã hội, “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào...”. Phố vắng vì Mi mô em từ đâu đến, vắng vì em đã bỏ phố về quê. Phố vắng đâu có gì đáng sợ vì Hà Nội đã nhiều lần vắng và còn hoang vu.

Lần đầu tiên phố Hà Nội vắng lặng hoang vu xảy ra cách đây lâu lắm rồi, đó là vào thời nhà Trần. Khi đó vó ngựa truy phong của quân Nguyên đánh chiếm kinh đô Thăng Long. Để đánh bại đội quân mạnh nhất thế giới khi đó nhà Trần đã thực hiện kế “thanh dã”, bắt dân, bắt hậu, cung tần sơ tán về các vùng quê. Thăng Long vườn không nhà trống, không tiếng chó sủa, không tiếng gà gáy, hoang vu đến rợn người, trên phố chỉ có tiếng rên rỉ của mấy tên sứ giả bị trói bằng thừng tre. Vó ngựa dừng bước trong thành nhưng không có dân để bắt phải nộp cỏ, nên ngựa gầy vì thiếu ăn, lính đói vì lương cạn và chỉ chờ có thế, quân Trần tổ chức phản công và chiến thắng. Hoang vu chủ động đã giúp nhà Trần đánh bại vó ngựa Nguyên Mông hùng mạnh xâm chiếm từ Âu sang Á.Hà Nội đã quá nhiều lần phố vắng dân, đó là các năm 1888 bị dịch tả, đó là năm 1902, 1903 bị dịch hạch, đó là năm 1910, 1914 bị dịch tả và nhiều dịch bệnh sau này. Chính quyền khi đó có nhiều biện pháp mạnh để hạn chế dịch lây lan và chữa trị nhưng chưa một lần cách ly xã hội hay phong thành, có lẽ họ sợ hậu quả của giải pháp còn lớn hơn dịch.

Dưới lớp băng tuyết vẫn có dòng hải lưu, cá vẫn bơi lội. Dù cách ly xã hội nhưng không thể bắt cuộc sống đứng yên, theo qui luật tự vận động, cuộc sống vẫn tiếp diễn, có thể công khai, kín đáo, âm thầm hay lén lút. Đằng sau các cánh cửa vẫn là rượu ngon, thịt cá hay chỉ là cơm rau và cũng có thể 1 gói mỳ chia 2. Nhưng kẻ vô gia cư núp dưới chân cầu thì ăn gì khi các quán ăn đóng cửa?Trong những ngày dịch dã mới thấy khát vọng sống của con người vô cũng mãnh liệt. Gần đây, ở một phường phía tây bắc Hà Nội có câu chuyện, một người sống một mình vào chăm cha bị bệnh ở bệnh viện BM. Thân phụ của người này ra viện trước khi có người ở viện dương tính với cô vy. Rồi ông cụ về quê và cho đến nay đã qua 14 ngày dù sức khỏe yếu song ông không có biểu hiện gì. Nhưng theo lời kêu gọi của chính quyền, người này đã khai báo và tự cách ly. Vì không thể ra ngoài nên hàng ngày, 1 người bạn mua thức ăn mang đến, chị cẩn thận đeo khẩu trang y tế, thế nhưng dân chúng xung quanh la lối “vào nhà nó mang bệnh cho dân khắp vùng này à”. Chị đáp: “Để nó chết vì đói à?”, họ lí sự: “Là tao lo cho mày nên mới nói thế”. Chị đáp lại “Từ đầu dịch, em thất nghiệp, chị lo cho em thì cho em vay mấy triệu không lấy lãi nhé?”. Họ im lặng. Bảo vệ mạng sống trong dịch bệnh là vô cùng quan trọng nhưng con người cũng sẽ chết hoặc ngắc ngoải nếu đói ăn và dân gian đã đúc kết “bần cùng sinh đạo tặc”.

Sự sống là quý giá nhất đối với con người nhưng sống như thế nào lại mới đáng bàn. Trọng vở kịch “Chim Hải Âu” của Trê-khốp có câu thoại “Ông ta sống đến 60 nhưng thực chất ông ta đã chết từ năm 30 tuổi”, ám chỉ người sống không có lý tưởng, không khát vọng, sống nhàn nhạt. Nhưng ở cõi đời này lại rất nhiều người nghĩ đơn giản, họ cần sống và chết khi phải chết. Với họ “Sống ở trên đời không gì mới/Thì chết ở trên đời cũng chẳng mới gì hơn”.

Trong dịch bệnh nguy cấp, con nguời lo sợ, hoang mang là tâm lý thường thấy, có thể vì họ thiếu thông tin, chưa hiểu biết và do cả thói ích kỷ. Việc mấy người ở phường nọ lo sợ không phải là do tin giả hay do báo chí giật tít câu view mà do chính con người. Khi ai đó nói đừng hoang mang hoặc nhắc nhiều đến cụm từ này tức là đã gián tiếp thừa nhận có sự sợ hãi.

Phố vắng thôi, đừng làm phố vắng hoang mang.

N.N.T