Phóng viên chiến trường duy nhất lọt vào thành cổ Quảng Trị

Phóng viên chiến trường duy nhất lọt vào thành cổ Quảng Trị

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Khoảnh khắc bấm máy được ví như những làn đạn đại bác và người phóng viên chiến trường ấy đã làm nên được những kiệt tác bằng hình ảnh mà không một ngôn ngữ, trang viết nào phản ánh trung thực và sống động hơn.

Anh lính pháo binh mê chụp ảnh

Một ngày mưa bay lất phất, trong con hẻm yên ắng của phố Sài Gòn, tôi được diện kiến nghệ sĩ nhiếp ảnh, nguyên phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính nổi tiếng trong những trận đánh ở mặt trận đường 9 Nam Lào và Thành Cổ Quảng Trị. Tên của ông được gắn với những bức ảnh từng gây tiếng vang lớn không chỉ ở Việt Nam và cả thế giới. Đó là những khoảnh khắc vượt qua mưa bom, bão đạn, đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết để bấm máy về cuộc chiến khốc liệt nhất ở Thành Cổ.

Những bức ảnh của Đoàn Công Tính không chỉ là sự ghi nhận chân thực hành động quả cảm, tràn đầy lý tưởng cách mạng của những con người bình dị trong những khoảnh khắc khốc liệt mà còn toát lên nét hào hùng lạc quan, tin yêu cuộc sống. Hơn 40 năm sau những ngày tháng ở Thành Cổ Quảng Trị, Đoàn Công Tính vẫn chưa bao giờ nguôi cảm xúc về thời khắc tác nghiệp trên chiến trường ác liệt ấy.

Sự kiện - Phóng viên chiến trường duy nhất lọt vào thành cổ Quảng Trị

Phóng viên Đoàn Công Tính vượt sông Sê Băng Hiêng tác nghiệp bên nước bạn Lào tháng 3 năm 1971

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về ảnh chiến tranh Việt Nam. Nhưng có lẽ giải thưởng lớn lao và có giá trị nhất đối với sự nghiệp cầm máy của ông là đã ghi lại được tinh thần chiến đấu ngoan cường, quật khởi của nhân dân Thành Cổ - một trong những mặt trận ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam góp phần quan trọng vào việc khẳng định chiến trắng của ta trên bàn đám phán.

Nghề phóng viên ảnh đến với Đoàn Công Tính như một định mệnh. Năm 20 tuổi, như bao chàng trai cô gái khác, Đoàn Công Tính bước chân vào bộ đội. Ông được biên chế vào bộ đội pháo binh. Trong đơn vị có người anh em sở hữu một chiếc máy ảnh rất đẹp, vậy là vừa nhìn thấy ông đã mê ngay. Ông thường lân la đến gần bạn chỉ để... ngửi mùi da của bao đựng máy.

Ông quyết định bằng mọi giá sẽ mua được cái máy ảnh làm của riêng mình. Ông viết thư về gia đình vận động người thân hỗ trợ và cuối cùng đã mua được chiếc máy ảnh trị giá 30 đồng, số tiền này lúc đó bằng nửa tháng lương hạ sĩ quan của ông. Những ngày tháng tập luyện trên thao trường, Đoàn Công Tính luôn mơ về một ngày sẽ được cầm máy ra mặt trận.

Trong thời gian này, ông đang là cộng tác viên của báo Quân đội nhân dân. Song song với niềm đam mê máy ảnh là ước mơ được trở thành phóng viên chiến trường. Nguyện vọng của Đoàn Công Tính rồi cũng trở thành hiện thực, ông được báo Quân đội nhân dân nhận vào làm phóng viên tác nghiệp ở trục đường 9 Nam Lào và Thành Cổ Quảng Trị.

Vào đầu những năm 1970, chiến sự ngày càng ác liệt, hòa chung không khí sục sôi chiến đấu, Đoàn Công Tính nhận nhiệm vụ vác ba lô lên đường theo các đơn vị bộ đội chủ lực tiến công vào Thành Cổ. Những thước phim đầu tiên ông chụp còn nóng hổi đã nhanh chóng chuyển về Tòa soạn phục vụ kịp thời nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Đối với phóng viên chiến trường ngoài sự dũng cảm, can trường bằng mọi giá phải chụp cho được diễn biến trận đánh của bộ đội ta thì yếu tố quan trọng nữa là kĩ thuật bấm máy.

Nghệ sĩ Đoàn Công Tính cho biết, trước khi bấm máy phải chọn tầm ngắm thích hợp nhất, thuận lợi nhất và phải chụp làm sao lấy được toàn cảnh cuộc chiến. Trong ảnh phải có khói súng, có xác người và có ngoại cảnh chiến đấu thật sinh động. Chính vì yêu cầu bắt buộc vậy nên người phóng viên chiến trường luôn phải đối mặt với sự hy sinh cao. Trong khi bộ đội tìm mục tiêu để diệt, tìm máy bay để bắn còn người phóng viên phải tìm làn đạn bay để chụp.

Những ngày hành quân theo đơn vị bộ binh quân Giải phóng nhằm thẳng hướng đường 9 Nam – Lào, dù vất vả, hiểm nguy nhưng anh em phóng viên luôn được các anh bộ đội dìu đắt, động viên chân tình. Có đi mới biết được trong sự ác liệt của chiến tranh vẫn có những hình ảnh thật đẹp, thật hùng vĩ và thấm đậm nghĩa tình của đất nước và con người.

Sự kiện - Phóng viên chiến trường duy nhất lọt vào thành cổ Quảng Trị (Hình 2).

Trận chiến căn cứ Đầu Mầu do Đoàn Công Tính chụp đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế

Phóng viên duy nhất lọt vào thành cổ Quảng Trị

Nhằm phá nát Thành Cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố, rải chất độc hóa học kéo thành hàng dài trên bầu trời, tỏa dần ra trùm xuống Thành Cổ một thứ khói vàng nhạt chết người.

Khoảng vài trăm phóng viên các báo, đài có mặt tại trận đều muốn biết chiến sĩ ta sống ra sao trong cảnh khói ngút trời đó nhưng con đường vào Thành Cổ không hề dễ. Lời khuyên từ bộ chỉ huy Mặt trận là không nên để phóng viên vào Thành Cổ. Nhưng chẳng lẽ lại ở ngoài nhìn vào trong thì làm sao chịu nổi, có điều gì thôi thúc khiến Đoàn Công Tính phải bằng mọi giá vào bên trong. Sau một hồi lân la, mò mẫm hướng đi nhưng chỉ đụng toàn hố bom và những tàn tích còn nóng bỏng của cuộc chiến, ông vẫn không thể tìm đường vào. Gặp các chiến sĩ đang án ngữ bên ngoài họ khuyên ông nên lui ra nhưng ông nhất mực không chịu.

Ông bảo: “Tôi là phóng viên chiến trường từng chụp rất nhiều hình ảnh về các trận đánh chẳng lẽ đến đây phải dừng chân. Ngay bây giờ, tôi phải có hình ảnh về Thành Cổ. Cả nước muốn nhìn thấy các chiến sĩ ta họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52”. Thấy quyết tâm ngút trời của ông, hai nữ du kích quyết định dẫn đường. Đường đi phải vượt qua sông Thạnh Hãn trong đêm vừa khó khăn, nguy hiểm, có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng.

Cuối cùng, ống kính Đoàn Công Tính cũng bấm được những hình ảnh sống động, chân thực về Thành Cổ ngày 16/8/1972. Dinh tỉnh trưởng nát tan tành và Thành Cổ sụp lở chỉ còn vài chóp gạch ngổn ngang nhô lên. Mùi khói súng, khói thuốc khét lẹt bay mù trời. Duy có nụ cười của người chiến sĩ Thành Cổ là còn nguyên vẹn và rạng rỡ.

Khi ông đưa ông kính lên thì các anh em nói: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa nhưng Thành Cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước”. Lời nói thiêng liêng như lời di chúc của những người lính bảo vệ Thành Cổ ấy đã khiến Đoàn Công Tính như thấy thêm trách nhiệm cao cả của mình.

Suốt cuộc đời cầm máy của mình, những giây phút là nhân chứng sống ghi lại hình ảnh mặt trận Thành Cổ mãi mãi để lại ấn tượng khắc cốt ghi tâm trong lòng nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính.

Di chúc “phỏng theo chiến sỹ Thành Cổ”

Trước khi rời khỏi Thành Cổ mang tài liệu phim về Hà Nội, ông đã viết một lời “di chúc” phỏng theo lời các chiến sĩ: “ Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ 10 cuốn phim này về giao cho Tòa soạn báo Quân đội nhân dân. Đây là những hình ảnh của những người con quê hương Thành Cổ Quảng Trị”. Nhưng may mắn đã mỉm cười với Đoàn Công Tính, ông đã trở về an toàn với những thước phim quý giá nhất, sống động và hào hùng nhất về cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ của những người lính anh hùng. Hồi ức những ngày ác liệt đó, ông bảo, ông từng bị bom vùi, bị đạn bay ngang người và thậm chí biết trước cái chết ngay trước mặt nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lùi bước, nhụt chí.

Hoa Nguyên