Phụ nữ không thể chiến thắng?

Tháng 7/2019, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Mỹ đánh bại Hà Lan để bảo vệ ngôi vô địch World Cup. Đó được coi là một thành tích không thể tuyệt vời hơn đối với một đất nước mà bóng đá vốn chỉ là môn thể thao thứ yếu, không thể so sánh với bóng rổ hay bóng chày. Tuy nhiên, mọi chiến thắng không chỉ là màu hồng…

Đây là danh hiệu World Cup thứ tư của đội tuyển nữ nước Mỹ và là lần thứ hai liên tiếp họ giữ vững danh hiệu đội bóng xuất sắc nhất hành tinh. Trong khi đó, đội tuyển bóng đá nam đã không thể vượt qua vòng loại World Cup năm 2018 tại Nga.

Dù đạt được thành tích đáng nể như vậy nhưng niềm vui của các cô gái thuộc đội tuyển bóng đá nữ nước Mỹ không trọn vẹn. Họ chỉ có thể ăn mừng chốc lát trên sân khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Còn khi trở về nhà, họ sẽ bước vào một cuộc chiến khác - cuộc chiến pháp lý để yêu cầu được trả lương và đối xử bình đẳng từ Liên đoàn Bóng đá Mỹ.

Phụ nữ và thể thao vốn chưa bao giờ là hai từ được tung hô trên truyền thông. Nhắc đến thể thao là nhắc đến đàn ông và nhắc đến bóng đá, đó là môn thể thao của phái mạnh. Chính vì lẽ đó, những chiến thắng của phụ nữ không mấy khi được ca ngợi hay chào đón một cách xứng đáng. Dù ngay cả một quốc gia nổi tiếng văn minh và đề cao giá trị bình đẳng như Mỹ, sự phân biệt đối xử giới tính vẫn đang âm ỉ trong nhiều khía cạnh cuộc sống.

Vào tháng 3/2019, 28 thành viên của đội nữ Mỹ vô địch World Cup 2015 đã đệ đơn kiện Liên đoàn Bóng đá Mỹ với cáo buộc phân biệt giới tính khi so sánh với cách mà cơ quan này quản lý đội bóng đá nam. Đơn kiện không chỉ trích dẫn việc trả lương không tương xứng mà còn là điều kiện thi đấu, đào tạo, đi lại, cách quảng bá, hỗ trợ, phát triển, không tương xứng với đội tuyển nam, trong khi thành tích của đội tuyển nữ lại cao hơn rất nhiều.

Một so sánh đưa ra bởi Liên Hợp Quốc mới đây cho thấy, ngôi sao Lionel Messi có mức lương và tiền thưởng hàng năm lên đến 84 triệu USD. Con số này gấp đôi với mức lương hàng năm của tất cả các cầu thủ ở bảy giải đấu bóng đá nữ hàng đầu thế giới cộng lại.

Lý giải về điều này, người ta cho rằng bóng đá nam có nguồn lợi nhuận cao hơn và người xem đông đảo hơn nên dẫn đến việc các cầu thủ nam sẽ có mức lương thưởng hậu hĩnh hơn. Tuy nhiên, những nhà đấu tranh chống phân biệt giới tính nói rằng đó chỉ là một cái cớ để biện minh cho việc trả nhiều tiền hơn cho đàn ông.

Điều quan trọng ở đây là các cầu thủ nữ không chỉ kêu gọi được trả lương bình đẳng, mà điều họ muốn hơn cả là được đối xử bình đẳng, ít ra là tương xứng với thành tích họ mang về cho quê nhà.

Trong các cuộc thi đấu từ thể thao đến trí tuệ, như một sự mặc định ngầm, phụ nữ không thể giỏi hơn và cũng không được đề cao như đàn ông, dù họ có xuất sắc nhường nào. Khi đàn ông thắng cuộc, họ nhận được sự ngưỡng mộ, hân hoan, nhưng khi phụ nữ là người nắm vị trí số một, thứ họ nhận về là sự dè bỉu, đố kỵ.

Khi Nguyễn Thị Thu Hằng từ trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình giành chức quán quân tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 cách đây vài ngày, thứ mà cô bé 17 tuổi nhận về cũng là điều tương tự. Chỉ vì ăn mừng bằng cách giơ tay lên trời một cách quá vô tư khi giành chiến thắng mà Nguyễn Thị Thu Hằng bị chỉ trích là biểu cảm quá lố, vô duyên, đồng thời bị cho là người tự phụ thái quá.

Nhiều người cho rằng, đang có một sự phân biệt giới tính ở đây, khi rõ ràng quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm ngoái Trần Thế Trung khi vượt qua câu hỏi cuối cùng cũng ăn mừng theo cách tương tự nhưng không hề có mũi dùi chỉ trích nào nhằm về phía em.

Còn với Nguyễn Thị Thu Hằng, cô bé chỉ thể hiện cảm xúc đầy tự nhiên của một đứa trẻ khi nỗ lực để giành chiến thắng - một cách thể hiện niềm vui đơn giản cũng đột nhiên bị đem ra phê phán theo cách không thể hiểu nổi.

Không phải là một cô gái mít ướt, yếu tâm lý khi đứng tại một sân chơi lớn, Nguyễn Thị Thu Hằng đã thể hiện mình là một cô bé đầy tự tin, cá tính, máu lửa, nhiệt huyết, cùng tinh thần chiến đấu hết mình. Đứng lọt thỏm giữa ba chàng trai khác cũng không kém phần tài năng, em đã thể hiện được bản lĩnh để giành chiếc vòng nguyệt quế vinh quang. Đó là giá trị rất đáng khích lệ đối với người phụ nữ hiện đại, nhưng thứ em nhận về lại là sự chê bai.

Điều kỳ lạ là khi chúng ta ra rả điệp khúc tôn trọng, đề cao phụ nữ nhưng lại không cho phép họ mạnh mẽ trước đàn ông, bắt họ bất kể tình huống nào cũng phải e thẹn, liễu yếu đào tơ mới chấp nhận. Còn dư luận cũng luôn là một kẻ hai mặt. Em quá mạnh mẽ thì chê em tự phụ, nhưng nếu em có khóc ngay lúc này cũng sẽ bị coi là yếu đuối.

Chúng ta là ai mà có quyền phán xét một con người như vậy? Nguyễn Thị Thu Hằng không phải đi thi hoa hậu để ai đó đòi hỏi em phải cư xử một cách thân thiện hay tạo dáng cười duyên. Cuộc chơi này do em làm chủ và chiến thắng của em là một điều đáng tôn vinh, khích lệ. Những người chỉ trích em mới thực sự là những con người nhỏ nhen, hẹp hòi. Họ không biết rằng, chính sự ích kỷ đó mới khiến cho những nhân tài ngày càng thui chột và một xã hội sẽ không thể phát triển khi thói quen kì thị giới tính vẫn còn đó.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

[E] Quán quân Olympia: “Đất nước mình có rất nhiều nhân tài!”

Thứ 4, 23/09/2020 | 15:44
Tân Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20 đã thẳng thắn chia sẻ như vậy khi đứng trước những ý kiến trái chiều của dư luận về việc Việt Nam đang “để mất chất xám” sau mỗi chung kết năm của chương trình.

Điều chưa tiết lộ về 10X Quảng Trị "lội ngược dòng", vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Thứ 4, 29/08/2018 | 14:40
Lê Thanh Tân Nhật, học sinh lớp 12A1 trường THPT Thị xã Quảng Trị vừa xuất sắc giành được vòng nguyệt quế của cuộc thi quý 4 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 và nắm giữ tấm vé vào thi chung kết năm. Em cũng là thí sinh mang cầu truyền hình lần thứ ba về cho tỉnh nhà.