Quản lý dạy thêm, học thêm khó khả thi

Quản lý dạy thêm, học thêm khó khả thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
– Để quản lí việc dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ GD – ĐT đã có thông tư 17 quy định việc dạy thêm học thêm cụ thể đối với từng cấp học. Theo đó, kể từ ngày 17 2012, hàng loạt quy định mới về DTHT sẽ chính thức được áp dụng.

Hàng loạt quy định mới về DTHT sẽ chính thức được áp dụng như: cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học; cấm giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…

Tình trạng dạy thêm học thêm sau khi có quy định liệu có giảm hay gia tăng bằng những hình thức khác trước? Phóng viên đã có cuộc khảo sát một số trường trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trao đổi với Nguoiduatin.vn, một vị hiệu trưởng (Xin được dấu tên), ở địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết : “Phải khẳng định trường chúng tôi không tổ chức dạy thêm, học thêm có chăng là quản lý học sinh thêm ngoài giờ, cho những gia đình muốn gửi con. Việc này thực hiện không đồng loạt với học sinh chỉ có gia đình nào có nhu cầu trường mới cho gửi vào sau giờ học các buổi chiều và ngày thứ 7”.

Bà hiệu trưởng này tiếp lời, trong việc quản lí các cháu sau giờ học thì chúng tôi chia theo nhóm, nếu cháu nào muốn học tiếng Anh, hát, tin học thì tùy vào gia đình và các cháu lựa chọn để đăng kí. Chúng tôi khẳng định lại một lần nữa không có chuyện ép học sinh học thêm mà cháu nào thích học thì tự nguyện đăng kí học. Nhà trường cũng không phát ra mẫu đơn này, nhà trường chỉ nói với phụ huynh là nếu ai muốn gửi con thì phải làm đơn nộp cho nhà trường.

Tại một số nơi như quận Hà Đông, vẫn xuất hiện nhiều trung tâm dạy thêm học thêm vào các buổi tối, điển hình như ở ngõ 06 phố Ngô Quyền luôn có một lớp dạy thêm thường xuyên, hay ở khu vực quận Thanh Xuân vẫn xuất hiện nhiều lớp học thêm (Các lớp học thêm được mở tại nhà của giáo viên).

Xã hội - Quản lý dạy thêm, học thêm khó khả thi

Vẫn xuất hiện nhiều điểm dạy thêm học thêm (Ảnh: Phan Chính)

Nguyên nhân trước hết là do quan niệm coi trọng bằng cấp và sự lo lắng của cha mẹ đã gây áp lực lên việc học hành của con cái. Bên cạnh đó, một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi, bằng nhiều hình thức "ép" học sinh học thêm; việc quản lý dạy thêm, học thêm còn lỏng lẻo.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm bằng việc xây dựng văn bản pháp quy. Ngoài thực hiện thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, Hà Nội dự kiến bổ sung một số điểm mới để phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cho rằng nhiều điều quy định tại Thông tư 17 khó khả thi. Theo thông tư này, giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa nhưng nếu họ đến một trung tâm nào đó dạy thêm lại gặp học sinh do mình đứng lớp đến học thì lẽ nào không được giảng dạy? Giáo viên chỉ được dạy thêm tại các trung tâm hoặc trường học nhưng hiện cơ sở vật chất ở các trường không đủ điều kiện để tổ chức dạy thêm.

“Hiện nay, các trường đều tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém không thu tiền. Khi tổ chức dạy thêm tại trường, những học sinh này lại đến học. Như vậy, đã có sự chồng lấn giữa phụ đạo và dạy thêm tại trường” - ông Thạch phân tích.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một và trường học hiện nay nhất là các trường tiểu học tổ chức quản lí học sinh ngoài giờ giúp phụ huynh, nhưng đó là một hình thức trá hình, trong quá trình quản lí học sinh ngoài giờ nhà trường tổ chức dạy thêm.

Thực tế hiện nay, dù một số giáo viên, phụ huynh học sinh biết việc dạy thêm, học thêm là vô bổ nhưng giáo viên, tiếp tục tổ chức dạy thêm và cha mẹ học sinh, vẫn cho con học thêm.

Để quản lý được việc dạy thêm học thêm là điều không dễ. Tuy nhiên nếu giải quyết được việc thi vào đại học một cách hợp lý và cải thiện được thu nhập cho giáo viên, tình trạng tiêu cực dạy thêm học thêm tràn lan sẽ tự mất đi. Muốn vậy, cần có những chính sách phù hợp, sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp cho giáo viên để đảm bảo giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa.

Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng mục đích của Thông tư 17 là nhằm hạn chế giáo viên cắt xén kiến thức trong chương trình chính khóa để dạy thêm cho học sinh chứ không hạn chế việc dạy thêm. Vì thế, ngoài những quy định của thông tư này, các sở GD-ĐT cần quy định giáo viên đứng bục giảng bao nhiêu năm thì mới được dạy thêm. “Không thể chấp nhận giáo viên mới ra trường mà lại dạy thêm” - ông Quý nêu rõ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trong đó có những quy định mới và cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc dạy thêm học thêm chính đáng. Ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không lành mạnh, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình dạy thêm học thêm ở một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nổi cộm vấn đề dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường quản lý, có biện pháp quyết liệt.

Nguyên An