Quản lý sử dụng vật liệu nổ: Cần hiểu kỹ về 'tiếng nổ văn hóa'

Quản lý sử dụng vật liệu nổ: Cần hiểu kỹ về 'tiếng nổ văn hóa'

Thứ 6, 02/06/2017 | 19:57
0
“Chúng tôi tha thiết đề nghị QH để lại một khoảng trong việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vì mục đích văn hóa. Tiếng nổ có vấn đề gì ghê gớm đâu", ĐBQH Giàng A Chu nói.

Chiều 2/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Xã hội - Quản lý sử dụng vật liệu nổ: Cần hiểu kỹ về 'tiếng nổ văn hóa'

 ĐBQH Giàng A Chu. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng, sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là vấn đề rất phức tạp trên thực tế. Dự thảo luật đã quy định rất chặt chẽ nên ĐBQH nhất trí với nhiều nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tiếp thu. Tuy nhiên, vị ĐBQH đề nghị Quốc hội xem xét một số nội dung.

“Sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 32 và Điều 42, ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra chưa nghiên cứu sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ vào mục đích văn hóa mà mới chỉ sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ khi cần thiết.

Vừa qua, nhân dân, cử tri ở nhiều địa phương chưa tán thành quy định này. Chúng tôi đề nghị ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, đề nghị QH nghiêm túc xem xét”, ĐBQH Giàng A Chu nói.

ĐBQH nêu lý do, thực tế, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, còn sử dụng tiếng nổ, vũ khí thô sơ trong phong tục tập quán. Chẳng hạn như khi có người chết, đặc biệt là người có uy tín, chức sắc, hoặc có đám hiếu, sự việc lớn người ta dùng tiếng súng để báo. Hoặc khi có lãnh đạo uy tín của Nhà nước đến viếng, họ cũng dùng tiếng súng để báo.

Nếu quy định như trong dự thảo luật, trưởng bản, già làng… yêu cầu dùng tiếng súng báo cho đám tang, đám hiếu như thế này, sau đám tang đó tất cả những người dùng tiếng súng, tiếng nổ này là vi phạm hết. “Vậy chúng ta có nên quy định như vậy không?”, ĐBQH Giàng A Chu nói.

“Chúng tôi tha thiết đề nghị QH để lại một khoảng trong việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vì mục đích văn hóa. Tiếng nổ có vấn đề gì ghê gớm đâu. Việc có một khẩu súng kíp trong nhà không hoàn toàn gây nguy hiểm cho xã hội và người khác. Nếu không quy định điều này trong luật, thì tất cả anh em sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ vào mục đích văn hóa đều vi phạm pháp luật thì có nên không?”, ĐBQH nói.

Vị ĐBQH đoàn Yên Bái cũng cho rằng, nếu sử dụng vũ khi thô sơ, vật liệu nổ vào mục đích văn hóa cũng phải đảm bảo quy định như tại Điều 29, Điều 30… Khi sử dụng vào mục đích văn hóa cũng phải đảm bảo an toàn và khi sử dụng xong phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

“Tôi nói ý này là ý của cử tri, tôi tha thiết đề nghị QH xem xét quyết định cho phù hợp”, ĐBQH Giàng A Chu nhấn mạnh.

Ngay sau đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) đã giơ biển tranh luận. ĐBQH Thanh Hồng nói: “Xin trao đổi lại về ý kiến “tiếng nổ văn hóa”. Chúng tôi là cơ quan thẩm tra dự án luật này, về tiếng nổ văn hóa đã được trao đổi rất kỹ. Thực ra, Việt Nam có 54 dân tộc với nhiều phong tục tập quán, trong đó có nhiều phong tục cần bảo tồn phát huy phát triển nhưng một số phong tục cũng cần thay đổi. Tất nhiên, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến một nhóm người dân. Nhưng chúng ta phải chấp nhận vì lợi ích lớn hơn, phải tính toán lợi ích bé hơn”.

Ví dụ cách đây khoảng 20 năm, tiếng pháo nổ là dấu hiệu báo hiệu mùa xuân, biểu trưng cho may mắn năm mới. Nhưng sau đó có Chỉ thị cấm việc đốt pháo. Lúc đầu có nhiều ý kiến nhưng qua thực hiện, Chỉ thị này đã phát huy và đóng góp rất lớn vào an ninh trật tự xã hội.

“Tôi xin chia sẻ với ý kiến ĐBQH đã phát biểu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị QH, Chính phủ quan tâm vận động bà con chấp nhận thự hiện quy định mới của luật đồng thời tạo ra những hoạt động, cách thức nào đấy phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc”, ĐBQH Thanh Hồng đề nghị.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự thống nhất với dự thảo luật và báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật trình tại kỳ họp này đã tiếp thu điều chỉnh các ý kiến đóng góp của các ĐBQH. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, đồng thời khắc phục được những hạn chế, vướng mắc thiếu sót của Pháp lệnh số 16 về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Sau buổi chiều làm việc, Quốc hội ghi nhận 24 ý kiến phát biểu tại hội trường, 5 ý kiến tranh luận, 5 ĐBQH chưa được phát biểu do thời gian có hạn nên sẽ gửi lại đoàn thư ký để tiếp tục tiếp thu chỉnh lý.

Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm thay mặt ban soạn thảo bày tỏ cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm đóng góp vào dự án luật. “Trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý, ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn và cơ quan hữu quan tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua vào ngày 20/6 theo chương trình”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Dương Thu

Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.