Quyền được thi trượt

Có lẽ quyền của trẻ em cần được phải bổ sung khẩn cấp thêm đặc quyền mới, đó là... quyền thi trượt. Và chẳng cần phải chờ đến quy định bằng luật, chẳng cần phải tranh cãi, chỉ cần mở rộng trái tim, tình yêu và tư duy cởi mở, những phụ huynh và giáo viên hẳn nhiên đã trao cho con em mình thêm một đoạn đời thần tiên vốn đang bị đánh cắp bởi áp lực thành tích và yêu cầu bất khả chiến bại một cách nghiệt ngã.

Cứ mỗi dịp trước các kỳ thi quan trọng như thi đại học hay thi vào lớp 10, những tiếng thở than, trách móc đòn roi và nước mắt lại vỡ òa đâu đó trong những cuộc gặp mở, tại gia đình, hay trên các diễn đàn kín của những cô cậu học trò trước nỗi lo thi rớt.

Những lời kêu cứu ám ảnh trên mạng xã hội như “Con xin bố mẹ cho con được thi rớt”, “Cố hết sức rồi mà trượt thì biết làm sao”… tưởng như một trò đùa nhưng thực tế đang phơi bày một sự thật xót xa nhiều trẻ đang phải đối mặt: Mất quyền thi trượt.

Có cô bé âm thầm tính kế “dạt nhà” trong trường hợp thi trượt để né “cơn thịnh nộ” của bố. Có cậu trò trở nên khép kín, ít giao lưu cả năm trước kỳ thi vì sợ không đỗ đại học làm xấu hổ gia đình như lời bố mẹ cảnh báo. Có những đứa trẻ chuẩn bị sẵn tâm lý phòng vệ để đương đầu với những lời trách móc, chì chiết, mắng chửi, dè bỉu của cha mẹ, người thân, thậm chí là hàng xóm..

Cũng có nhiều trẻ yếu đuối tìm đến cái chết để giải tỏa khối lo nặng nghìn cân đè nén trong đầu, dù kỳ thi chưa tới.

Chuyện các phòng khám tâm thần tại các thành phố lớn trở nên quá tải trong dịp diễn ra các kỳ thi lớn cho thấy áp lực, sự bế tắc của những đứa trẻ đang trong độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, song lại phải gánh trên vai “danh dự của gia đình” hay ‘tự hào của bố mẹ”.

.....

Và những vụ quyên sinh như H. ở Lâm Đồng, Th. ở Hà Tĩnh hay H. ở Nam Định vì không nhận được giấy báo trúng tuyển đại học xảy ra ở mỗi kỳ thi là minh chứng đau xót và không thể rõ hơn cho thực tế trẻ em đang trắng trợn bị tước đi quyền được sai. Thi trượt đồng nghĩa là mất tất.

Sai và được sửa sai là bước đi không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi con người. Một người thành công phải qua bao lần thất bại. Ấy vậy nhưng sự kỳ vọng quá đà của người lớn lại áp lực, thúc ép đốt cháy giai đoạn và buộc những đứa trẻ phải lột xác thành các siêu nhân bất bại siêu tưởng. Một sự vô lý đến không cùng.

.....

Áp lực thi cử với lũ trẻ đành rằng không chỉ đến từ gia đình. Nhiều thầy cô giáo vẫn còn giữ thói quen bêu riếu, miệt thị, chỉ trích, trách móc về sự thất bại của học trò trước lớp. Tuy nhiên, yếu tố tác động lớn nhất đến trẻ vẫn từ gia đình. Một lời động viên, chia sẻ, khích lệ từ bố mẹ có thể khiến trẻ đứng vững trước mọi thử thách đầu đời. Ấy vậy nhưng thử hỏi có bao nhiêu cha mẹ đã không thể hiện nỗi buồn khi trẻ thất bại? Có bao nhiêu cha mẹ có con thi rớt vững tin rằng, thất bại trong thi cử chẳng liên quan tới sự thành công sau này của đứa trẻ? Ai hiểu rằng, nhiều khi thất bại chính là mẹ của thành công.

Thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều vĩ nhân từng chật vật trong thi cử, học hành. Thiên tài Albert Einstein, Winston Churchill hay Tổng thống Abraham Lincoln là những điển hình. Thi rớt, học hành rất chật vật khi đi học, nhưng cuối cùng họ vẫn làm nên những điều vĩ đại.

....

Tỷ phú giàu có nức tiếng Trung Quốc Jack Ma cũng là một điển hình khác. Không những không có thành tích học xuất sắc, tỷ phú Jack Ma còn ghi vào “bảng đen” của trường tiểu học vì liên tiếp thi rớt trong các kỳ thi quan trọng. Ông không thể vào học trường cấp 2 vì trượt một bài thi quan trọng hồi tiểu học 2 lần. Đến kỳ thi đại học, người đàn ông giàu có hàng đầu thế giới này vẫn tiếp tục trượt thêm 2 lần nữa.

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã chứng minh rằng chẳng có thất bại nào (bất kể tần suất, mức độ) có thể ngăn người ta đạt được ước mơ . Như ông từng nói, "Nếu không bỏ cuộc, bạn sẽ vẫn có cơ hội. Bỏ cuộc chính là thất bại lớn nhất".

Có một nghịch lý rằng, thế giới phẳng ngày càng rộng mở nhưng cách đánh giá về học trò, con cái dường như lại càng bó hẹp. Nhiều thầy cô, gia đình hoàn toàn đánh giá và thậm chí yêu thương đứa trẻ dựa hết vào các điểm số, các kỳ thi.

Đã thi là buộc phải có người đỗ, kẻ rớt. Hãy cố gắng làm bài tốt nhất có thể nhưng hãy nhớ, con được quyền thi rớt. Hãy nói với trẻ như vậy bởi đây chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công và hạnh phúc của những đứa trẻ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Sợ trượt đại học, nhiều thí sinh đăng ký 20 nguyện vọng

Thứ 5, 02/07/2020 | 10:10
Theo thống kê của một số trường THPT, trung bình mỗi học sinh đăng ký từ 5 đến 7 nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2020. Tuy nhiên, có một số thí sinh đăng ký trên 20 nguyện vọng.

Trường đại học “nâng khống” điểm để thí sinh trượt oan: Sự bất lực của hiệu trưởng

Thứ 4, 21/08/2019 | 08:00
Khi mùa tuyển sinh dần khép lại, nhiều trường đại học đột ngột nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh, với lý do không đủ sinh viên để mở lớp. Câu chuyện dở khóc dở cười cho thấy năng lực tự chủ của một số trường đại học đang có vấn đề.