"Rách nát" như vỉa hè Hà Nội

Nguyễn Văn Báo
Thứ 4, 20/12/2017 | 06:37
0
Một số chuyên gia và người dân Hà Nội cho rằng, việc vỉa hè được lát đá tự nhiên độ bền 70 năm vừa không phù hợp lại gây lãng phí.

Loạn gạch, đá lát vỉa hè

Ghi nhận thực tế của PV trên nhiều tuyến đường phố Thủ đô cho thấy, có nơi 1 hè phố nhưng tồn tại 4 đến 5 loại vật liệu gạch, đá lát nền, thậm chí nhiều hơn. Đơn cử như đường Nguyễn Chí Thanh, nơi được mệnh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam, theo quan sát của PV, thì có đến 5 loại gạch, đá được sử dụng để lát vỉa hè theo cả kích cỡ và màu sắc.

Xã hội - 'Rách nát' như vỉa hè Hà Nội

Hà Nội đang tồn tại tình trạng 1 vỉa hè được lát bằng nhiều loại vật liệu khác nhau.

Đoạn giao cắt từ Kim Mã đến Đê La Thành, chỉ dài chưa đầy 1km có đến 3 loại vật liệu, trong đó có đoạn được lát bằng gạch block, gạch terrazo, đoạn được lát bằng gạch chữ I. Đoạn Nguyễn Chí Thanh từ Đê La Thành giao cắt với đường Láng thì đa phần được lát bằng gạch terrazo, có điểm lát bằng đá xi măng kích cỡ to nhỏ và màu sắc khác nhau. Tương tự  là đường Nguyễn Khánh Toàn phần nhiều hè phố được lát bằng gạch block, nhưng nhiều chỗ được lát bằng gạch chữ I với kích thước nhỏ.

Điển hình của sự chắp vá là vỉa hè quanh Hồ Gươm. Ở đây, vỉa hè đường Lý Thái Tổ được lát hình lục giác, song khu vực đường Đinh Tiên Hoàng được lát bằng đá xanh. Nguyên nhân của sự "lổn nhổn" này là do dự án lát đá xanh quanh Hồ Gươm có giá trị 40 tỷ đồng đã phải dừng lại từ năm 2010, sau khi vấp phải sự phản đối từ chuyên gia và người dân.

Cũng theo ghi nhận, trên những đoạn vỉa hè được lát bằng vật liệu gạch block, gạch terrazo, đoạn được lát bằng gạch chữ I, dù được lát từ khá lâu nhưng vỉa hè không có dấu hiệu bị vỡ mà chỉ xảy ra hiện tượng xô lệch. Còn tại những nơi vỉa hè được lát bằng đá vôi cỡ lớn, hay một số tuyến phố vừa được lát đá tự nhiên thì có hiện tượng nứt vỡ.

Trên phố Tôn Đức Thắng nơi vừa được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên độ bền 70 năm nhưng vừa bị chỉ đạo dừng lại nhiều người dân tỏ ra không hài lòng. Họ cho biết, trước đây hè phố này được lát bằng gạch block khá sạch sẽ, không bị vỡ, không bị sụt lún nhưng không hiểu vì sao vài tuần trước đây công nhân vẫn đến cạy gạch lên để lát đá tự nhiên.

Cô Mai, một người dân sinh sống trên phố Tôn Đức Thắng vừa chỉ vào đoạn vỉa hè trước nhà vừa bức xúc: “Hè phố được lát đá tự nhiên khiến mỗi khi mưa đều rất bẩn. Hơn nữa mạch giữa các viên đá không đều xuất hiện cong vênh, theo đánh giá của tôi thì lát đá này không thể bằng lát gạch block cũ”. Tương tự, chị Kim Anh, một người dân sống tại phố Tôn Đức Thắng cũng bức xúc phản ánh, đoạn vỉa hè trước nhà chị đã có 3 người bị trượt chân ngã vì đá tự nhiên.

Ngoài ra, theo đánh giá của một số người dân thì những loại vật liệu cũ như gạch block, gạch chữ I, gạch terrazo sẽ phù hợp hơn để lát vỉa hè bởi không gây trơn trượt lại vừa mang lại cảm giác sạch sẽ.

Vừa tốn kém vừa không hợp lý

Trao đổi với PV, KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng: Hiện nay, quy hoạch sử dụng lòng, lề đường của TP.Hà Nội chưa rõ. Nhiều nơi xuất hiện tượng làm vỉa hè xong lại đào lên lấp xuống để làm cáp ngầm, điện ngầm gây lãng phí ngân sách.

Xã hội - 'Rách nát' như vỉa hè Hà Nội (Hình 2).

Vỉa hè "nát tươm" sau khi được lát bằng đá tự nhiên.

Vị này cho rằng, Hà Nội cần tính toán kỹ nếu làm đại trà, phải đồng bộ hạ điện, nước, cáp viễn thông.  Đồng thời, giao việc lát đá vỉa hè quy về một mối thì việc lát đá vỉa hè mới mang lại hiệu quả.

Theo nguyên Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc lát đá tự nhiên là rất tốn kém vì thế nếu lát chỉ nên chọn lọc làm ở 1 số tuyến phố trung tâm TP có nhiều khách du lịch. Về chất lượng đá, ông Luyện cho rằng đá tự nhiên là loại vật liệu không thấm nước, cho nên khi mưa thì sẽ bẩn và trơn, trong khi dùng những vật liệu khác như: Bê tông, xi măng thì có thể thấm được nước người đi bộ trên vỉa hè sẽ không bị trơn trượt, lấm bẩn như khi vỉa hè lát đá.

TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng: Hiện nay, trên thế giới không dùng đá tự nhiên để lát đường nữa mà chỉ làm ở những nơi trang nghiêm như quảng trường và khu phố chính. 

Theo TS. Phạm Sanh, ở Việt Nam bất cứ đá nào cũng rất cứng nhưng nhiều chỗ bị hư hỏng là do sai lầm ở khâu thiết kế. “Nhiều nơi làm vỉa hè, chủ quan đưa ra 1 thiết kế mẫu nhưng chưa kiểm tra trên phần mềm và kết cấu chịu lực hay không. Viên đá nếu vật liệu mềm đàn hồi không sao, nhưng bên dưới thật cứng là lớp bê tông thật dày điều này dễ làm đá vỉa hè dễ giòn và gãy. Chính hiểu lầm này rất dễ hỏng. Mặt giá cả không thể kiểm soát được, nếu kiểm soát được phải là người có tâm, phải đấu thầu đàng hoàng”, TS. Phạm Sanh bày tỏ quan điểm.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo tạm dừng dự án lát đá vỉa hè "thọ 70 năm"

Thứ 6, 08/12/2017 | 07:45
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm tại những dự án có sai sót.
Cùng tác giả

Hà Nội: Chủ tịch xã liên tiếng sau khi bị "tố" dọa giết người chống tiêu cực

Thứ 5, 26/04/2018 | 19:23
Ông Nguyễn Trung Chi - Chủ tịch UBND xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) bị một người dân tố cáo dọa giết người đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, ông Chi lại khẳng định thông tin tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín của ông.

Hà Nội: Xe bồn va chạm xe máy, 2 người tử vong

Thứ 4, 25/04/2018 | 13:26
Vụ tai nạn giữa một xe bồn và xe máy vừa ra vào khoảng 11h30 trưa 25/4, trên đường Quốc Lộ 1A hướng Hà Nội đi Phủ Lý, đoạn thuộc xã Minh Cường (Thường Tín – Hà Nội) làm 2 người tử vong tại chỗ.

Dân Hà Nội ùn ùn xếp hàng chụp ảnh chân dung thuê bao di động

Chủ nhật, 22/04/2018 | 17:52
Tận dụng ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người dân Thủ đô đã kéo đến điểm giao dịch của các nhà mạng để hoàn thiện thông tin cá nhân, bổ sung ảnh chân dung.

Bộ trưởng bộ Tài chính nói về dự luật Thuế tài sản: "Vạn sự khởi đầu nan"

Thứ 6, 20/04/2018 | 16:54
Trả lời về dự thảo luật Thuế Tài sản, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Vạn sự khởi đầu nan. Mọi thứ mới trong quá trình nghiên cứu, thậm chí có thể còn phải sửa cả tên luật".

Diệt tảo lam ở Hồ Gươm bằng phương pháp thủ công

Thứ 6, 20/04/2018 | 09:03
Các công nhân đang tiến hành vớt thủ công vi khuẩn lam (tảo lam) phát triển bùng nổ ở Hồ Gươm làm cho mặt nước hồ ở nhiều vị trí ven bờ chuyển màu xanh khác lạ.