Rót 100 ngàn tỷ cho Vinalines có mạo hiểm?

Rót 100 ngàn tỷ cho Vinalines có mạo hiểm?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Trong tình trạng hoạt động ì ạch, tàu bị bỏ không... một số ý kiến e ngại việc chi thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng cho Vinalines chẳng khác nào “đá ném ao bèo”.

Theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ GTVT, cơ quan này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đầu tư thêm 100 ngàn tỷ đồng cho đội tàu của Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Xã hội - Rót 100 ngàn tỷ cho Vinalines có mạo hiểm?

Tàu sông Gianh trị giá 400 tỷ đồng giờ như một gã khổng lồ bất động, thủy thủ hằng ngày chỉ biết đánh bài giải trí.

Tuy nhiên, với những nghịch lí đang tồn tại trong ngành vận tải biển nói chung và Vinalines nói riêng khiến dư luận lo lắng, việc rót tiền này khó mang lại hiệu quả.

Theo các chuyên gia hàng hải, từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải mà các hãng tàu biển nước ngoài chạy tuyến xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi hầu hết các thị trường đều tăng mạnh.

Riêng các công ty thành viên của Vinalines lại liên tục báo lỗ. Nguyên nhân là doanh nghiệp Việt Nam phải chịu cảnh giá cước trái chiều với thế giới bởi đội tàu của Vinalines chỉ chạy những tuyến ngắn, tàu “gia”, tải trọng nhỏ. Đặc biệt, xu hướng thế giới là chạy container thì đội tàu trong nước chỉ chạy hàng rời.

Trong tình trạng hoạt động ì ạch, tàu bị bỏ không, thậm chí bị bắt giữ ở nước ngoài, một số người e ngại việc tiếp tục chi hàng trăm ngàn tỉ cho Vinalines sẽ chẳng khác nào “”đá ném ao bèo”.

Một trong những con “tàu chết” phải kể đến là tàu Sông Gianh đang đội mưa nắng và nằm bất động suốt mấy năm qua ở khu vực huyện Nhà Bè, TP. HCM.

Dù có giá trị 400 tỷ đồng nhưng giờ đây, con tàu chỉ như một gã khổng lồ vô dụng án ngữ trên lòng sông. Trên tàu hiện còn 5 người và công việc chính của họ ngày ngày là trông coi, nấu ăn và đánh bài giải trí.

Thay vì gọi con tàu theo tên thường lệ, các thủy thủ tếu táo gọi bằng một cái tên khác là “chùa” Sông Gianh. Tuy nhiên, đây chưa phải là con tàu trăm tỉ duy nhất bị bỏ quên ở trong nước của Vinalines.

Một thủy thủ trên tàu Vinashin Atlantic (thuộc Vinashinlines) buồn rầu chia sẻ: “Tàu nằm một chỗ, chúng tôi cũng buộc phải chịu chung số phận với nó. Thu nhập hàng tháng hiện không đủ để nuôi vợ con. Chúng tôi chờ đợi mấy năm nay, vẫn không thấy dấu hiệu khả quan nào”.

Nhiều người băn khoăn, rót hàng trăm nghìn tỷ vào những con tàu giống như một đống phế liệu là phương án đầu tư mạo hiểm hay tính toán chiến lược, giúp Vinalines vực dậy trong thời gian tới.

Yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Phan Thông, tổng thư kí Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ rằng, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước giang tay cứu giúp là chuyện đáng hoan nghênh, ghi nhận. Bản thân chúng tôi, những người trong ngành đều cảm thấy vui nếu dự án này được thực hiện.

Tuy nhiên, cần có một kế hoạch đầu tư cụ thể để triển khai. Trong đó, yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Việc tàu sông Gianh bị bỏ quên từ lâu phải xem xét nguyên nhân do đâu. Do hỏng hóc không được sửa hay không có hàng. Phải đánh giá toàn diện trước khi quyết định đầu tư. Bởi nếu chi tiền khủng, không mang lại hiệu quả thì đã lãng phí lại càng lãng phí lhơn”.

Đừng quá khắt khe với vận tải biển

Ông Đỗ Xuân Quỳnh, chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam dự báo: “Sự đầu tư mạnh tay của Bộ GTVT sẽ mang lại những thay đổi trong tương lai gần của ngành hàng hải. Trong tình hình hiện nay, Vinalines cần có một cú huých mạnh mẽ để thoát khỏi những ngày u ám.

Theo tôi, dư luận đừng quá khắt khe với vận tải biển. Sự thua lỗ là do nhiều yếu tố khách quan, thị truờng vận tải container đang theo xu hướng giảm giá.

Thương mại thế giới giảm sút khiến tình trạng dư thừa trọng tải ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt đối với những tàu có trọng tải lớn. Ngay cả khi giá cước được điều chỉnh, đối tượng được hưởng lợi chủ yếu là các chủ tàu ngoại chứ không phỉ là các hãng vận tải biển Việt Nam”.

Vận tải biển Việt Nam rất tiềm năng

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Vấn đề không phải là rót 100.000 tỷ hay là bao nhiêu. Nếu Vinalines làm tốt, con số đầu tư còn phải nhiều hơn.

Nhưng vấn đề trước mắt của họ là phải xây dựng một bộ máy lãnh đạo thật sự có kinh nghiệm, đạo đức, kiến thức. Hầu hết bộ máy của Vinalines hiện chưa đủ những điều kiện nêu trên để đảm nhiệm công việc.

Sứ mệnh của Vinalines là rất quan trọng. Đó là cơ quan vận chuyển hàng hải lớn nhất của Việt Nam-một quốc gia duyên hải có tiềm năng lớn về dịch vụ vận tải biển với hơn 3000 km đường bờ biển. Đáng lẽ, Việt Nam phải là một trong những trục trung chuyển hàng hải của quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa làm được, dù có đến phân nửa hàng hóa, tàu bè trên khắp thế giới chạy ngang qua biển Đông của mình”.

100.000 tỷ đồng chưa thấm vào đâu!

Một chuyên gia về lĩnh vực hàng hải cho biết: “Việt Nam đang thất thu về dịch vụ chuyên chở hàng hải xuất khẩu ra nước ngoài. Việc đầu tư cho lĩnh vực vận tải biển ở ta là cần thiết. Nếu chúng ta làm tốt việc quản lí, Vinalines nói riêng và ngành hàng hải Việt Nam nói chung sẽ là mũi nhọn kinh tế của đất nước.

Đáng tiếc là chúng ta chưa làm được, thậm chí mắc sai lầm và để thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng gây nhiều bức xúc. So với các nước trên thế giới có ngành dịch vụ hàng hải phát triển thì con số 100.000 tỷ đồng mà Bộ GTVT đưa ra chưa thấm vào đâu!”.

Rất cần những dự án có tầm chiến lược

Ông Lê Thẩm Dương - trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Dự án này có cái nhìn mang tính lâu dài. So với bối cảnh hiện tại, có thể không phù hợp nhưng nếu cứ nhìn bằng cảm quan mà bàn lùi thì làm sao đất nước có sự phát triển. Trong khi đó, kinh tế biển tương lai sẽ là ngành mũi nhọn.

Lộ trình phát triển của đất nước rất cần đến những dự án như thế này. Hiệu quả của dự án không thể cứ gắn vào Vinalines mà phải nhìn vào cả một lĩnh vực lớn là vận tải hàng hóa. Có những dự án tưởng như vô lý so với thời điểm kinh tế hiện tại nhưng lại hoàn toàn phù hợp với tương lai.

Ví dụ, dự án đường điện cách đây nhiều năm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thời điểm triển khai dự án đó có nhiều người phản đối. Nhưng thử hỏi, nếu ngày đó không có thì bây giờ làm sao chúng ta có đủ điện để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt Bắc-Nam. Tính chiến lược của dự án là ở chỗ đó”.

Kinh doanh đôi khi cũng phải mạo hiểm

Một chuyên gia kinh tế bình luận: “Với một dự án lớn có giá trị cỡ 100.000 tỷ đồng thì chắc chắc đã có sự phân tích, tính toán chu đáo. Con số đó đã được nhìn nhận ở trạng thái động. Theo tôi tầm nhìn của dự án này rất tốt.

Còn để khẳng định sự thành công hay thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố “giám sát thi công”. Nếu nghĩ rằng, kinh tế đang khó khăn, chi thêm tiền sẽ gây lạm phát thì đó là cách nghĩ phiến diện, bàn lùi, không có chí tiến thủ. Trong kinh doanh, đôi lúc cũng cần đến sự mạo hiểm, thậm chí thất bại, như thế mới có cơ hội nếm trải những bài học đắt giá để thành công”.

Đào Bích