Rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột bị tàn phá

Rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột bị tàn phá

Thứ 3, 30/07/2013 | 10:12
0
Có mặt tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột thuộc lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (gọi tắt là Công ty Trầm Hương) bị xâm hại nghiêm trọng 3 tháng trước, chúng tôi thấy nhiều khoảnh rừng phòng hộ tại khu vực này đã bị chặt trắng, các đối tượng chưa kịp vận chuyển lâm sản khỏi hiện trường.

Gần đó, trên địa phận xã Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), một vùng rừng rộng lớn tiếp giáp với địa phận Khánh Hòa đã bị người dân tàn phá để lấy đất sản xuất.

Triệt hạ rừng

 Việt Nam Xanh - Rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột bị tàn phá
Một góc rừng tại tiểu khu 105 (thuộc lâm phận của Công ty Trầm Hương) giáp ranh với xã Cư San bị chặt trắng.

Ngày 20-7, chúng tôi tìm đến khu vực đầu nguồn suối Bột, khu vực giáp ranh với xã Cư San - nơi rừng phòng hộ do Công ty Trầm Hương quản lý đã bị chặt phá. Để đến được đây, thay vì đi đường rừng từ Khánh Hòa lên phải mất 2 ngày đường, chúng tôi quyết định theo Quốc lộ 26 ngược lên tỉnh Đắk Lắk. Dọc 2 bên đường vào xã, xen lẫn giữa những đồi bắp, đồi keo của người dân là những khoảnh rừng khiêm tốn.

Gửi xe ở nhà một người dân thôn Suối Chò, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ đến khu vực đầu nguồn suối Bột. Dọc theo con đường mòn dài khoảng 2km đến khu vực giáp ranh, phóng tầm mắt ra xa, một vùng rộng lớn thuộc địa phận xã Cư San mà trước đây là rừng giàu (người dân địa phương cho biết) thì nay đã không còn rừng, thay thế vào đó là những đồi bắp, keo của người dân.

Tại khu vực giáp ranh với lâm phận của Công ty Trầm Hương, rừng phía xã Cư San cũng mới bị chặt trắng cách đây vài tháng. Lâm sản đã được vận chuyển đi hết, chỉ còn trơ lại một số gốc cây lớn, thân và cành cây nhỏ ít giá trị. Một số quả đồi đã bắt đầu được trồng keo. Bên con đường mòn từ thôn Sông Chò sang tiểu khu 105 (địa phận huyện Khánh Vĩnh), hàng nghìn cây keo giống đã được vận chuyển vào. Phía trên đồi giáp ranh với Khánh Vĩnh, một số người dân đang đào hố trồng keo.

Ông D.T.V - người dân xã Cư San, dẫn đường cho chúng tôi nói: “Chúng tôi từ miền Bắc vào đây lập nghiệp đã 12 năm. Trước năm 2010, rừng ở khu vực Cư San còn nhiều lắm, rừng từ thôn Suối Chò đến ranh giới với Khánh Hòa phải dày 3 - 4km. Nhưng chỉ sau 3 năm, vùng rừng giáp ranh này đã bị chặt trắng hàng trăm héc-ta, không chỉ rừng thuộc địa phận xã Cư San mà cả phía tỉnh Khánh Hòa cũng bị người dân chặt phá”.

Theo lời kể của ông V., trước đây, để có đất sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc vào đã mua lại của người dân bản địa; một số khác tiến hành xâm lấn rừng. Vì vậy, 2 năm trở lại đây, rừng bị tàn phá nhanh chóng với hàng trăm héc-ta.

Ông V. nhận định: “Nếu chỉ một vài hộ dân chặt phá rừng để lấy đất sản xuất thì cùng lắm cũng vài héc-ta. Rõ ràng, việc phá rừng này phải do một nhóm tổ chức mới có thể chặt phá cùng lúc một diện tích lớn như vậy”.

Trao đổi với một số người dân xã Cư San, chúng tôi được biết, mấy năm gần đây, tại địa phương này, các đối tượng phá rừng không chỉ lấy đi lâm sản, mà phần đất trống sẽ lấy trồng keo hoặc bán lại cho người dân có nhu cầu đất sản xuất.

Đến tiểu khu 105 (lâm phận của Công ty Trầm Hương), trước mắt chúng tôi, rừng bị chặt trắng. Ông Đàm Văn Chiến - nhân viên Trạm Quản lý và bảo vệ rừng (QL-BVR) Khánh Bình đang bảo vệ hiện trường cho hay: “Ngày 18-4, khi tuần tra kiểm soát đến tiểu khu 105, khu vực rừng giáp ranh với xã Cư San, chúng tôi đã phát hiện và báo cáo Công ty về việc hàng chục héc-ta rừng tại đây bị chặt phá trái phép. Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công ty và các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hiện trường. Đoàn đã xác định có 25,3ha rừng phòng hộ đã bị chặt phá, trong đó có 19ha rừng thuộc trạng thái IIIA3 (rừng giàu), khối lượng lâm sản thiệt hại khoảng 300m3/ha và 6,3ha rừng thuộc trạng thái IIB (rừng non tái sinh), khối lượng lâm sản bị thiệt hại khoảng 90m3/ha”.

Cũng theo ông Chiến, tại khu vực này, người dân xã Cư San đã nhiều lần xâm lấn sang lâm phận của Công ty Trầm Hương để triệt hạ rừng, lấy đất sản xuất. Năm 2010, lực lượng QL-BVR của Công ty đã kịp thời phát hiện, trục xuất 10 hộ người Ê Đê, H’Mông đến đây chặt phá rừng lấy đất sản xuất...

 Việt Nam Xanh - Rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột bị tàn phá (Hình 2).
Rừng thuộc địa phận xã Cư San (huyện M’Đrăk, Đắk Lắk) cũng bị người dân tàn phá để lấy đất sản xuất.

Sẽ lập trạm quản lý tại tiểu khu 105

Ông Nguyễn Văn Lực - trưởng phòng Kỹ thuật và QL-BVR Công ty Trầm Hương cho biết: “Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương đang được giao QL-BVR, đất rừng rộng lớn với gần 40.000ha trên địa bàn 5 xã cánh Bắc huyện Khánh Vĩnh, trong đó có hơn 4.000ha rừng trồng và hơn 35.000ha rừng tự nhiên. Rừng Công ty quản lý giáp ranh với các địa phương khác dài hơn 106km, riêng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk hơn 46km. Điều này làm cho việc quản lý, bảo vệ gặp khó khăn. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì việc tuần tra, kiểm soát đến các khu vực giáp ranh 20 ngày/lần. Trong thời điểm tháng 3, 4 vừa qua, Khánh Vĩnh là địa phương luôn được dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V; chúng tôi đã tập trung lực lượng để phòng, chống cháy rừng. Vì vậy, thời gian tuần tra đến tiểu khu 105 đã phải giãn ra nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc”.


 Việt Nam Xanh - Rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột bị tàn phá (Hình 3).

Được biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Trầm Hương đã hợp đồng thêm lao động là người dân xã Cư San, tăng cường lực lượng từ Công ty lên đóng chốt tại khu vực này để bảo vệ, ngăn chặn các đối tượng vận chuyển lâm sản đã bị chặt phá ra khỏi hiện trường; đồng thời BVR tại các khu vực lân cận có nguy cơ bị xâm lấn cao (tuyến giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk).

Nhận định đây là điểm nóng về phá rừng, chủ yếu do người dân Đắk Lắk xâm lấn sang, nếu không được bảo vệ tốt thì chắc chắn những vụ việc tương tự sẽ tái diễn, vừa qua, Công ty Trầm Hương đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh cho phép xây dựng Trạm QL-BVR tại tiểu khu 105 và đã được chấp thuận. Hiện nay, Công ty đã chọn được địa điểm và đang tiến hành các thủ tục để xây dựng. Việc xây dựng trạm, duy trì lực lượng QL-BVR tại tiểu khu 105 được xem là giải pháp khả quan hơn cả, bởi không chỉ giúp Công ty quản lý tốt điểm nóng phá rừng giáp ranh với xã Cư San, mà việc tuần tra, kiểm soát theo 46km rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ thuận lợi hơn.

Việt Nam Xanh - Rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột bị tàn phá (Hình 4).

Hàng nghìn cây keo giống đã được người dân xã Cư San vận chuyển vào trồng tại khu vực giáp với lâm phận của Công ty Trầm Hương.

Vấn đề đặt ra hiện nay là việc tận thu thế nào đối với hàng nghìn mét khối gỗ tại tiểu khu 105 do các đối tượng phá rừng để lại. Nếu số gỗ này không được tận thu thì sẽ gây lãng phí lớn, thế nhưng để vận chuyển được số lượng gỗ này ra khỏi hiện trường cũng hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lực nói: “Việc tận thu lâm sản bị chặt phá tại đây đang là vấn đề nan giải, bởi nếu mở đường từ Khánh Hòa lên khu vực này dài đến hơn 30km, còn mở đường từ xã Cư San cũng phải 7km, kinh phí đầu tư mở đường sẽ rất lớn. Điều chúng tôi e ngại hơn cả là việc mở đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Thực tế hiện nay, rừng dọc theo các tuyến đường mới mở luôn là miếng mồi béo bở cho lâm tặc”.

Ông Trần Minh Thu - phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa: Đây là vụ phá rừng trái phép rất nghiêm trọng, vượt mức xử phạt hành chính, phải xử lý theo khoản 3 Điều 189 của Bộ Luật Hình sự. Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp để điều tra, quản lý hiện trường; đồng thời tiến hành giám định thiệt hại rừng để làm căn cứ khởi tố vụ án. Sau đó, Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh khởi tố vụ án theo thẩm quyền, đồng thời chuyển hồ sơ sang Công an huyện Khánh Vĩnh để điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, Chi cục đã có văn bản báo cáo vụ việc cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo đơn vị chủ rừng lập phương án thu hồi số lâm sản tại hiện trường, tránh lãnh phí tài sản Nhà nước.

Theo Báo Khánh Hòa

Một chủ tịch xã có dấu hiệu 'bảo kê' phá rừng

Thứ 4, 24/07/2013 | 08:34
Ngày 23-7, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Bí thư huyện Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết: Huyện ủy vừa giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy kiểm tra dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý rừng và “bảo kê” người khác phá rừng của ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã Sơn Định.

Thủy điện phá rừng: 'Chặt một cây ngoài mốc giới, bắt ngay!'

Thứ 2, 01/07/2013 | 09:14
Lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh có diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện nhiều nhất nước đều khẳng định, không có chuyện phá rừng làm thủy điện, rừng chuyển đổi là rừng nghèo, không có mấy gỗ.

Bảo vệ san hô bằng cách không phá rừng

Thứ 6, 07/06/2013 | 15:54
Bảo vệ rừng cũng sẽ có tác dụng bảo vệ các rặng san hô dưới biển, do việc làm này sẽ hạn chế khối lượng chất trầm tích đổ vào biển.

6 phản biện của bầu Đức về cáo buộc chiếm đất, phá rừng

Thứ 7, 18/05/2013 | 09:01
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức sốc nặng trước cáo buộc của Global Witness và chỉ ra 6 điểm hoài nghi tổ chức này.

Thủy điện phá rừng: Vụ trưởng bảo không, báo cáo nói có

Chủ nhật, 30/06/2013 | 10:59
Khi trả lời báo chí Vụ trưởng Vụ Sử dụng rừng khẳng định khó có chuyện lợi dụng các dự án thủy điện để chặt phá rừng, thì báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Chính phủ lại đề cập có tình trạng “vùng lòng hồ, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, rừng bị phá không kiểm soát được”.

Khởi tố hình sự vụ phá rừng làm đường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Hạt kiểm lâm Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng xảy ra tại địa bàn thôn 3, xã Trà Ka huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam giáp ranh với xã Trà Xinh huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi.