Rưng rưng những câu chuyện thấm đẫm tình người trong lũ dữ

Rưng rưng những câu chuyện thấm đẫm tình người trong lũ dữ

Thứ 4, 21/12/2016 | 14:49
0
Mưa lũ ập về khiến hàng triệu con người nơi dải đất miền Trung khốn khó trăm bề. Trong cơn bĩ cực, những con người lam lũ ấy vẫn nắm chặt tay nhau, đi lên từ dòng nước lũ đục ngầu.

Vượt lũ cứu người

Tìm về thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), căn nhà nhỏ của cụ Lê Thị Thôi (còn gọi là cụ Ấm, SN 1921), nằm cô quạnh giữa một vùng trũng. Đợt lũ vừa qua, nhà cụ ngập nặng và suýt chút nữa tai ương đã cướp đi tính mạng của cụ nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của người dân trong thôn.

Nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy, ông Đinh Ngọc Tân (72 tuổi, con cụ Ấm) vẫn chưa hết hãi hùng: “Nhà tui trước mặt là khe nước, bên phải là sông Vu Gia nên chỉ cần lũ về là ngập hết. 4h sáng ngày 16/12, lũ về ồ ạt. Tui gọi điện cầu cứu con cháu nhưng không ai bắt máy. Trong nhà có cái gác xép nhưng thực tình tui cũng hơn 70 tuổi lại khập khễnh nên không sao đưa mẹ lên được gác được. Mẹ con đứng nhìn dòng lũ mà run người. Giữa lúc hoảng loạn ấy thì tui nghe tiếng kêu từ ngoài sân vọng vào: “Đi! Đi. Đi bà ơi”.

Nhìn vội ra sân khi trời chưa sáng tỏ, ông Tân thấy anh Phùng Văn Tiễn (Thôn Đội trưởng) cùng anh Phan công Tuấn (Công an viên thôn La Châu) mình ướt sũng, đang cố tì chiếc ghe vào sân nhà.

Xã hội - Rưng rưng những câu chuyện thấm đẫm tình người trong lũ dữ

 Căn nhà cụ Ấm nằm lẩn khuất dưới vùng trũng, rất khó khăn để đi vào.

“Nước lúc đó rất lớn lại chảy xiết. Cụ Ấm chỉ kịp choàng tấm ni-lon lên người rồi ngồi lên ghe chạy lũ. Chèo được một đoạn thì ghe chao đảo mạnh, buộc anh em phải xuống đẩy. Nước lũ ngập ngang ngực của tôi. Lạnh ngắt! Hai anh em vừa chống, vừa đẩy ghe đi, trầy lên trật xuống theo con đường đất đưa cụ Ấm ra”, anh Tiễn chia sẻ.

Cũng theo lời anh Tiễn, từ rạng sáng 16/12, vì nhà cũng ở vùng trũng nên khi nước mấp mé nhà mình là anh biết hàng chục hộ dân trong thôn đang bị lũ đe dọa. Từ 4h sáng hôm đó, anh Tiễn cùng anh Tuấn đã vội vàng chống ghe đi khắp thôn cứu hộ. Trước khi tới nhà cụ Ấm, hàng chục cụ già, trẻ em nhỏ được 2 anh đưa lên vùng Gò Cao, phía trên thôn tránh lũ. Riêng với nhà cụ Ấm, cả 2 mất rất nhiều thời gian và vất vả nhất.

“Năm nay, mình cũng vừa cưới vợ xong. Từ sớm tinh mơ thấy mình vội vàng dậy chèo ghe đi giúp bà con, vợ không nói gì nhưng mình biết vợ lo lắng lắm. Ba má mình già rồi cũng la miết. Nhưng, ông bà cũng hiểu chòm xóm với nhau cứ phải bao bọc nhau nên dặn cẩn thận nha con”, anh Tiễn cười nói.

Xã hội - Rưng rưng những câu chuyện thấm đẫm tình người trong lũ dữ (Hình 2).

 Anh Phùng Văn Tiễn (phải) kể lại giây phút vượt mưa lũ ứng cứu nhiều người dân ở thôn La Châu (xã Hòa Tiến).

Cách thôn La Châu không xa, thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) những ngày qua cũng bị dòng lũ cô lập. Mọi tuyến đường đều tê liệt trong nước, người dân hầu như chịu cảnh đói rét trong lũ. Một số người dùng ghe để di chuyển. Nhiều tuyến nguy hiểm luôn có lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm soát.

Khoảng 8h sáng ngày 16/12, nhận nhiệm vụ, anh Bùi Hồng, Công an xã Hòa Tiến chèo ghe đến khu vực cầu Suối Đá (thôn La Bông, xã Hòa Tiến) làm nhiệm vụ. Đây là khu vực dòng chảy xiết, nhiều người dân vì chủ quan hay chèo ghe qua khu vực này cực kỳ nguy hiểm. Vừa đến nơi, anh Hồng nghe tiếng la hét thất thanh từ dưới vực cầu. Nhìn xuống dưới, vị công an xã hốt hoảng khi thấy “thoi thóp” một chiếc ghe bị úp ngược. Ở đầu ghe có 2 bóng người trồi lên trụt xuống. Dưới cơn mưa tầm tã, 2 bóng người như sắp bị dòng nước nhấn chìm. Tình thế vô cùng nguy cấp!

Giữa khoảnh khắc cái chết cận kề ấy, anh Hồng chèo ghe lao đến thì dòng nước xiết hất tung một người ra xa, người còn lại kịp bám vào một bụi tre gần đó. Cố lao theo dòng lũ, anh Hồng cứu được cả 2 người dân nói trên, đó là ông Phạm Thơ (SN 1967) và cụ Nguyễn Bán (SN 1934, cùng trú địa phương). Cả 2 đang trên đường chạy lũ thì gặp nạn.

“Biết dòng nước xiết ấy có thể cuốn phăng mình đi bất cứ lúc nào. Nhưng người dân trong làng đều là người thân của mình cả, nên ở thời khắc nguy hiểm đó, tôi không kịp toan tính mà chỉ biết hành động thật nhanh, nỗ lực cứu người cho bằng được. May mắn mọi người đều bình an. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy run run...”, anh Hồng trải lòng.

Những giấc mơ còn dang dở

Những ngày này, người dân phường Điện An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) lần lượt về căn nhà cấp 4 của ông Đỗ Như Huệ (47 tuổi), trú phố Ngọc Tứ, phường Điện An thắp nén hương tiễn biệt con trai ông - anh Đỗ Hoàng V. (25 tuổi) vừa mới mất vì mưa lũ. Căn nhà lụp xụp xơ xác sau lũ trông càng tang thương não nề hơn bởi tiếng khóc xé lòng của người dân địa phương. V. ra đi trong lúc chèo ghe chở những người bạn cùng xóm về nhà. Và có lẽ người day dứt hơn cả là bạn của V. - anh Hà Phước Hưng (trú địa phương).

Cắn chặt môi, Hưng lắp bắp kể: Sáng 16/12, vợ Hưng chuyển dạ sắp sinh. Lúc đó lũ lên nhanh, Hưng không biết bơi, ghe thuyền cũng chả hiểu gì. Cầu cứu điện thoại khắp nơi, ai cũng bận bịu vì mưa lũ. May mắn, khi gọi V., thì trong ít phút chàng thanh niên đã choàng áo mưa chèo ghe chạy đến.

Xã hội - Rưng rưng những câu chuyện thấm đẫm tình người trong lũ dữ (Hình 3).

 Dòng nước lũ đã cướp đi nhiều sinh lạng, bỏ lại đó những giấc mơ còn dang dở.

Đêm hôm đó, sau khi vợ sinh xong, Hưng lại không biết bấu víu vào đâu nên đành gọi V., nhờ chèo ghe đến đến đón mình. Trên ghe lúc này còn có 2 người khác đang được V., giúp đỡ. Do một người không biết bơi nên V. nhường chiếc áo phao duy nhất cho người ấy.

“Khi ghe đi được 500 mét thì bỗng dưng chao lắc mạnh rồi ngập nước. V., vẫn dạn tay cầm chèo rồi hét: “Tụi bay bình tĩnh, ngồi xuống tát nước ra!”. Nhưng tụi tui cuống quá. Nước vào nhanh làm ghe chìm xuống nên mọi người phải nhảy ra. Người được V. nhường áo phao bị trôi ra xa nhưng vẫn nổi nên cứu được, còn V. thì không nhìn thấy đâu nữa”, anh Hưng nghẹn ngào.

Nghe Hưng kể, ông Huệ bật khóc tức tưởi. Theo lời người cha này, V. rất bất hạnh. Từ nhỏ đã mồ côi mẹ. Lớn lên chàng trai này rất chịu khó làm ăn. Mới đây thôi, anh vừa ra quân về nhà đi phụ hồ, giúp đỡ cha già.

“Nó bảo tui là đi làm rồi dành dụm ít tiền cùng anh trai mở xưởng cơ khí làm ăn, cho tui bớt cực! Ai ngờ bây chừ nó lại ra đi đột ngột như vậy”, nói đến đây ông Huệ òa khóc vì người con trai quá cố.

Cũng trên dải đất miền Trung khốn khó, một người cha tóc bạc gục ngất bên linh cửu con trai vừa mới bị lũ dữ cướp đi sinh mạng. Ông là Nguyễn Đình Dinh (52 tuổi), trú xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Con trai là anh Nguyễn Đình T. (25 tuổi) đã mãi mãi ra đi vì cố cứu một người dân trong lũ.

Ông Dinh kể, con trai ông là một cán bộ Công an TP.Hội An. Mưa lũ ập đến quá nhanh chia cắt toàn xã nên anh T. không thể đến đơn vị cùng đồng đội. Ở nhà anh cùng gia đình, địa phương ứng phó, chống chọi với lũ.

Chiều 15/12, anh T. cùng người anh họ chèo ghe đi thăm một người thân thì chiếc ghe bị lũ nhấn chìm. Thấy người anh chới với trong dòng nước lũ, T. bơi đến cứu. Vật lộn với dòng lũ cứu được người anh họ thì anh đuối sức. Dòng lũ xiết đã cuốn anh đi.

“Giấc mơ của nó còn dang dở. Nó kể sắp được lãnh đạo cho đi học! Sao cay nghiệt vậy con ơi…”, ông Dinh gục khóc.

Nhâm Thân