'Săn' đặc sản ngày Tết

'Săn' đặc sản ngày Tết

Thứ 2, 11/02/2013 | 12:17
0
Theo các thương lái, trước Tết gần 2 tháng người dân Hà thành, các thành phố lớn đã rục rịch "săn" đặc sản làm quà biếu và làm món ăn đặc sắc cho ngày Tết. Khác với mọi năm, năm nay nhiều người "sính" các món đặc sản vùng Đông Nam Á và đặt hàng ở Điện Biên, Lai Châu... Hàng đặt được các thương lái "đánh" về với mức chi phí khá cao nhưng vẫn "cháy" hàng.

Đặt hàng từ Lào, Campuchia

Ngay từ cuối tháng 11 âm lịch, nhiều bà nội trợ đã rục rịch "săn" các món đặc sản vùng miền và đặt cỗ Tết. Với nhiều gia đình, ngày thường ăn gì cũng được nhưng Tết là dịp cả nhà sum vầy nên trong mâm cỗ món nào cũng phải là... đặc sản. Để có được những món ngon, nhiều bà nội trợ đã "săn" tìm đặc sản bằng mọi cách như: Đặt hàng qua mạng, nhờ người quen đi nước ngoài xách tay mang về, lên miền núi tự mua... Và, đặc biệt hơn cả, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn kết hợp đi du lịch sang Lào đặt cỗ. Nhiều người không đi du lịch thì thuê thương lái đặt hàng từ Lào, Campuchia... mang về.

Lạ & Cười - 'Săn' đặc sản ngày Tết

Dưa hấu vuông trở thành món đặc sản "độc, lạ" trong ngày Tết.

Chị Nguyễn Thị Mai (ở Điện Biên), người chuyên "đánh" hàng đặc sản của vùng Tây Bắc về Hà Nội bán, cho biết, mặc dù năm nay là năm khủng hoảng kinh tế nhưng nhu cầu đặt hàng Tết cũng không giảm so với mọi năm. Những năm trước đây, người dân Hà Nội "sính" những món đặc sản miền núi như: Thịt gác bếp Tây Bắc của người Thái đen; thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ); gạo nếp quýt, nếp hương (Sơn La); măng vầu, măng lưỡi lợn Tuyên Quang... Các món đặc sản bình dân của miền Trung, miền Nam như: Tôm chua Huế; củ cải chua ngọt miền Tây; mắm cái (mắm nêm); bánh tổ (TP.HCM); bánh tét; mứt dừa Bến Tre; dừa sáp Trà Vinh; cá sặt đồng bằng Sông Cửu Long... cũng rất được ưa chuộng. Để có được những món đặc sản này trong ngày Tết, nhiều bà nội trợ phải nhờ người quen sống ở các vùng miền đặt hàng hộ, rồi chuyển theo đường tàu hỏa, ô tô, thậm chí là máy bay về nhà. Tuy nhiên, Tết Quý Tỵ năm nay, nhiều người lại "sính" các món ăn truyền thống của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như: Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Chị Mai cho biết, thịt trâu gác bếp, món đặc sản của Điện Biên giờ không được chuộng như món thịt bò khô, thịt nai khô của Lào, Campuchia. Hiện chị đang "thầu" đơn đặt hàng 1 tạ thịt nai khô "ngoại", cung cấp cho một cửa hàng chuyên bán hàng Tết ở phố Mã Mây (Hà Nội). Thịt nai rừng Campuchia có giá từ 750.000 đồng/kg; loại hảo hạng là 1-1,2 triệu đồng/kg. Các món bánh tét, cơm lam của Campuchia cũng rất hút khách. Chị Mai còn cho biết, nhiều người đặt mua thịt lợn rừng từ Campuchia và gạo nếp của Lào; cá nướng Tứ Xuyên (Trung Quốc)... Theo chị Mai, món lạp truyền thống của người Lào, Tết này, được nhiều người đặt hàng. Thành phần của món này được làm từ thịt bò, thịt hươu, hay thịt heo băm nhỏ trộn với các gia vị của Lào, ăn vào cảm nhận vị chua, ngọt. "Xôi nếp là món ăn truyền thống của người Lào. Họ ăn cùng với thịt bò khô hoặc thịt nai khô. Đây là món ăn độc đáo của người Lào mà nhiều người Hà Nội muốn dùng thử trong dịp Tết này", chị Mai bật mí.

Bên cạnh việc đặt hàng của các thương lái "đánh" về từ Campuchia, Lào, Thái Lan... thì nhiều người dân Hà Nội vẫn lựa chọn các loại đặc sản vùng miền trong nước.

Lạ & Cười - 'Săn' đặc sản ngày Tết (Hình 2).

Bưởi hồ lô rất hút khách.

Đủ món đặc sản vùng, miền

Chị Nguyễn Thị Thuý (đường Giải Phóng, Hà Nội) là người có kinh nghiệm mua đặc sản Tết, cho biết: "Mỗi người có một sở thích riêng, có người chỉ mua những món ăn truyền thống ngày Tết của quê mình, nhưng có người lại muốn mua đặc sản của các vùng, miền nhằm làm phong phú thêm hương vị cho bàn tiệc ngày Tết. Muốn mua đặc sản của các vùng miền Bắc, Trung, Nam hay của các tỉnh, thành, người tiêu dùng có thể đến các cửa hàng đặc sản trên đường Tuệ Tĩnh, Thổ Quan, Hàng Bông... (Hà Nội). Theo chị Thuý, phần lớn các cửa hàng chuyên bán đặc sản đều có hai loại bảng giá, bảng giá đang bán và bảng dự kiến, bởi vào những ngày giáp Tết sản phẩm có thể tăng giá từ 20-30% do giá nguyên liệu tăng cao".

Tại TP.HCM có một địa chỉ bán đặc sản "độc" qua trang web buoiholo.com. Đó là loại dưa hấu Hoàng Kim hồ lô (loại "dưa hấu VIP") giá 5 - 6 triệu đồng/cặp, trọng lượng từ 2,5 - 3kg/quả, trên dưa có chữ "Tài - Lộc". Dưa hấu cùng loại nhưng không có chữ "Tài - Lộc" giá 4 triệu đồng/cặp. Dưa hấu thỏi vàng, trọng lượng khoảng 2,5kg/quả, giá 5 - 5,5 triệu đồng/quả. Bưởi hồ lô Tài - Lộc giá 1,6 triệu đồng/cặp, có chữ "Tài - Lộc" in nổi, chữ khác màu nền của da trái bưởi, trọng lượng 1,5kg/quả. Dưa hấu hồ lô âm - dương giá 4 triệu đồng/cặp, có chữ "Tài - Lộc" in nổi, trọng lượng trên 2kg/qủa. Dưa hấu vuông, vỏ vàng ruột đỏ...

Theo thông tin trên trang web, cửa hàng nhận đặt cọc trước 50% giá trị đơn hàng, thanh toán 100% ngay khi giao hàng. Nếu hàng mang đến các tỉnh, chủ hàng sẽ thu phí giao nhận, phí vận chuyển theo quy định của nhà xe. Khách hàng nội thành TP.Hồ Chí Minh đặt trên 5 cặp sẽ được giao hàng tại nhà miễn phí; mua dưới 5 cặp sẽ tính phí 50.000 đồng/lượt. Ghi nhận của PV cho thấy, mặc dù loại bưởi này đã xuất hiện từ năm ngoái nhưng Tết năm nay vẫn được nhiều người lựa chọn.

Nhiều loại trái cây, hoa kiểng có hình dáng lạ để trưng bày trong dịp Tết tiếp tục xuất hiện trong năm nay nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người tiêu dùng, nhưng giá cả cũng "đắt như vàng". Trong khi những mặt hàng "độc" có giá cao ngất ngưởng thì qua khảo sát của PV, giá bán các loại món ăn đặc sản thường cũng khá cao. Chẳng hạn, nếu như bánh chưng truyền thống loại thường được bán với giá khoảng 45.000 đồng/cái, thì bánh chưng miền Bắc gói từ nếp cái hoa vàng nổi tiếng cùng thịt heo nọng, lá dong "đẹp" cho ra hương thơm ngon hạng nhất có giá khoảng 60.000 đồng/cái. Chả cốm, giò gà Hà Nội bán từ khoảng 150.000 - 220.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại măng tươi còn nguyên vỏ chưa qua sơ chế hay các loại măng khô như măng lưỡi lợn, măng le từ Buôn Ma Thuột, Sơn La... vốn được đánh giá là dày, thơm, dai và ngọt hơn măng thường cũng đang "chạy hàng" dù giá không rẻ, từ 122.000 đồng/kg trở lên. Muốn thưởng thức đặc sản miền Tây Nam Bộ là nước mắm rươi, làm nước chấm trong món bánh tráng cuốn rau sống, thịt luộc hay dùng kho cá, kho thịt thì phải đặt hàng từ trước cả tháng. Món ăn có mắm rươi mang hương vị rất đặc trưng không lẫn vào đâu được, nên giá của loại đặc sản này cũng khá đắt.

Tiện lợi đặt hàng qua mạng

Muốn có đặc sản của vùng, miền để ăn Tết, các bà nội trợ chỉ cần lên mạng click chuột. Năm nay, xu hướng đặt hàng đặc sản quê trên mạng bớt "hút" khách, phần lớn những người lựa chọn cách mua hàng này là dân văn phòng, vì quá bận với công việc. Chị Tú Anh (nhân viên kế toán) cho biết: Thời gian giáp Tết, công việc bận "tối mắt tối mũi", chị không có nhiều thời gian để mua sắm Tết. Cứ gần Tết là lên mạng "đặt cỗ". Vì tại đây, bất kỳ đặc sản nào cũng có, lại không mất công đi chọn.

Dạo quanh các chợ trên mạng như: muare, sieuthitainha, vatgia các bà nội trợ có thể dễ dàng đặt mua được những món đồ phục vụ cho ngày Tết. Điều dễ nhận thấy nhất là các gian hàng đặc sản quê luôn hút khách. Tại các gian hàng đặc sản truyền thống có đầy đủ món ăn của từng vùng: Bắc, Trung, Nam. Chỉ cần nhấp chuột là những hình ảnh, giá cả của món đặc sản được rao bán rất hấp dẫn. Dạo qua chợ "muare" những thông tin về đặc sản miền Tây và miền Nam, rất phong phú khó có thể kể hết như tôm khô Cà Mau, bánh phồng tôm An Giang, bánh tráng Củ Chi, bánh tét miền Nam.

Trên các chợ điện tử, mặt hàng hạt dưa, bưởi Diễn, cam Canh, măng rừng, mộc nhĩ rừng, thịt lợn lửng, thịt trâu, thịt bò gác bếp, rượu cần, cơm lam... được rất nhiều người order (đặt hàng). Nhân viên của chợ sieuthitainha cho hay, chợ dành riêng một gian hàng cho các loại đặc sản vùng, miền. Hiện tại, lượng đặt hàng qua mạng khá lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp, số lượng đơn hàng đã lên tới con số 300 với khoảng 3.000 giỏ quà là các loại đặc sản khô. Phần lớn người đặt hàng đều "sành đặc sản" nên các sản phẩm càng lạ, càng "độc" thì càng được nhiều người đặt mua. Có lẽ, vì thế mà đặc sản quê "cháy" hàng dịp Tết.   

Đặc sản rắn được “đánh” từ Campuchia

Là thương lái chuyên "đánh" hàng ở Campuchia về nên hầu như món đặc sản nào chị Mai cũng biết. Theo chị Mai, người Campuchia thờ rồng và không bao giờ ăn thịt rắn nhưng với mật độ dày các loại rắn tại đây, những người Việt sang Campuchia đã biến loại bò sát này thành đặc sản. Rắn khô được chế biến rất cầu kỳ đến nỗi nhìn sơ qua cũng có thể nhầm lẫn với các loại cá khô nào đó. Món đặc sản này, lần đầu tiên được chị Mai "đánh" hàng về bán trong nước.

Ngân Giang

Những thú chơi Tết ngàn đô của đại gia Việt

Chủ nhật, 10/02/2013 | 13:40
Để thể hiện đẳng cấp “siêu giàu” của mình, tầng lớp đại gia thường chọn những kiểu đón Tết “độc” với chi phí hàng ngàn đô la.

Tết trong tù của một cựu giám đốc

Chủ nhật, 10/02/2013 | 09:08
Nhìn qua khung cửa buồng giam, có lúc người tù thấy pháo hoa sáng rực phía trời xa. Khi đó, ông biết năm mới đến.

Chuyện con trai “Công tử Bạc Liêu” đón Tết ra sao?

Chủ nhật, 10/02/2013 | 09:08
“Từ khi con gái bị bệnh, gia cảnh bắt đầu đi xuống, bán nhà ở trọ hơn 17 năm qua. Giờ đây được tỉnh cấp cho cái nhà sau hai cái Tết đợi chờ chúng tôi hạnh phúc lắm”, bà Nguyễn Thị Nga- con dâu của "Công tử Bạc Liêu" chia sẻ với chúng tôi.

Đại sứ Đan Mạch chia sẻ cảm xúc về Tết Việt

Chủ nhật, 10/02/2013 | 08:15
“Tôi đã ăn hai cái Tết ở Việt Nam, đó là những trải nghiệm tuyệt vời. Tết là dịp để đoàn tụ và đánh giá thành quả của một năm trôi qua, đó quả thực là quãng thời gian đáng nhớ”.

Ngày Tết và những điều kiêng kỵ ở 3 miền

Chủ nhật, 10/02/2013 | 09:15
Cùng với nhiều phong tục khác nhau, dịp Tết Nguyên đán ở cả ba miền nước ta đều có những điều kiêng kỵ để xua đi những điều không may mắn.