Xe bán tải có vũ trang vốn được coi là những mẫu “xe tăng” hữu hiệu cho những đội quân “nghèo”. Trên khắp các cuộc xung đột ở châu Phi và Trung Á, các nhóm quân nổi dậy phát hiện ra rằng một chiếc bán tải đơn giản của Toyota có thể trở thành thứ vũ khí đáng gờm khi được trang bị súng máy, pháo hoặc bệ phóng rocket.
Với tính cơ động, tốc độ và linh hoạt, chúng có những ưu thế hơn hẳn khi đối đầu với một đối thủ lớn hơn như xe tăng, nhưng lại rẻ hơn rất nhiều nếu so với việc mua và bảo trì một chiếc xe bọc thép.
Lo ngại loại vũ khí cải tiến này đang trở thành mối đe dọa ở Trung Á, Nga đang triển khai một đối trọng “mới mà cũ” với những đặc tính tương tự: Xe tải vũ trang.
“Các căn cứ quân sự của Nga ở Trung Á sẽ được củng cố sức mạnh bằng xe tải trang bị súng”, tờ Izvestia của Nga cho biết. Chúng là những chiếc xe đặc biệt được phát triển trên khung gầm của xe quân sự Ural và KamAZ, được thừa kế tính năng chống đạn kiên cố.
Trên xe được thiết lập một dàn vũ khí ấn tượng bao gồm súng máy, súng phóng lựu tự động và thậm chí cả hệ thống tên lửa chống tăng.
Theo Izvestia, việc khủng bố IS sử dụng những loại vũ khí cải tiến ở Iraq - trong đó có các nhóm xe bán tải vũ trang - đã khiến quân đội Iraq bất ngờ và thường chịu tổn thất, dẫu cho họ được trang bị đầy đủ xe tăng M1 do Mỹ sản xuất và các vũ khí hạng nặng khác.
Trên thực tế, ngay cả quân đội Nga cũng không chuẩn bị tốt trước thứ vũ khí tưởng thô sơ mà lại hữu hiệu như vậy.
“Ý tưởng trang bị cho quân đội của các mẫu xe tải bọc thép đã có từ lâu”, một chuyên gia quân sự Nga nói với Izvestia.
“Các mẫu xe quân sự bọc thép không mạnh hơn nhiều so với xe tải bọc thép”, chuyên gia này cho biết. “Đồng thời, chúng nặng nề và đắt hơn nhiều. Trong khi về hỏa lực, xe tải thậm chí còn vượt mặt cả xe bọc thép hạng nhẹ khi bạn có thể thiết lập một số súng máy, súng phóng lựu tự động, pháo phòng không hoặc hệ thống tên lửa chống tăng”.
Xe tải vũ trang cũng có những lợi thế khác so với xe bọc thép. “Chúng di chuyển nhanh hơn rất nhiều ở địa hình gồ ghề hoặc bám đất, vốn được cho là không thể vượt qua được”, Izvestia chỉ ra.
Ở các thảo nguyên và sa mạc của Trung Á, các phương tiện có bánh xe hầu hết đều có lợi thế hơn. Một thế mạnh khác nữa là giá thành sản xuất rẻ, dự trữ nhiên liệu gấp đôi.
“Lý do Nga trang bị các mẫu xe tải vũ trang là bởi sân sau của Nga ở Trung Á đang trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Sự cần thiết phải duy trì ảnh hưởng ở Trung Á đang trở nên đặc biệt cấp bách trong bối cảnh Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan”, tạp chí Izvestia lưu ý.
Đây cũng không phải là những mẫu xe tải vũ trang đầu tiên của Nga. Trong Chiến tranh Afghanistan, quân đội Liên Xô đã cố gắng đẩy lùi các cuộc phục kích bằng cách lắp pháo phòng không nòng đôi 23mm trên xe tải.
Với tốc độ bắn cao và khả năng nâng cao góc để bắn mục tiêu, những chiếc xe tải trang bị súng máy đã tăng thêm độ nguy hiểm cho các đội tiến quân.
Xe tải vũ trang cũng từng được Mỹ sử dụng trong các cuộc chiến tranh quá khứ. Mệt mỏi với các cuộc phục kích, các đơn vị hậu cần đã nảy ra ý tưởng vũ trang đoàn hộ tống của chính họ.
Họ sử dụng những thanh gỗ và thép để làm tấm giáp tự chế. Về vũ khí, họ trang bị cho xe tải 2,5 và 5 tấn các súng máy cỡ nòng 7,62 mm và thậm chí cả pháo 40 mm.
Trong Chiến tranh Iraq, giáp tự chế và súng máy cũng biến những chiếc xe tải 5 tấn thành những đoàn tàu hộ tống ngẫu hứng có thể chống lại hỏa lực từ vũ khí nhỏ.
Xe tải vũ trang cũng cần phải mang theo phụ tùng, lốp xe phụ và bộ kỹ thuật đủ điều kiện để hộ tống đoàn xe. Tuy nhiên, chúng cũng chỉ nên trang bị vũ khí một cách gọn nhẹ và phù hợp nhất để tránh trở nên nặng nề.