Kẻ thủ ác chắc hẳn sẽ không có cơ hội sát hại nữ sinh nếu như em không ở một mình nơi vắng vẻ ít người qua lại. Chúng cũng sẽ không nảy sinh ý đồ cướp nếu như không thấy nữ sinh đang cầm chiếc điện thoại.
Cuối cùng những kẻ thủ ác liên quan tới vụ án giết người, cướp tài sản của nữ sinh viên Học viện Ngân hàng ở huyện Thường Tín, Hà nội đã được lật tẩy. Tại cơ quan cảnh sát điều tra, chúng khai chỉ vì một chiếc điện thoại nên đã ra tay sát hại nữ sinh. Sau khi giết chết cô gái và đẩy xác xuống sông, ngoài chiếc điện thoại chúng còn lấy luôn chiếc xe đạp điện mang bán được hơn 3 triệu đồng, rồi mua ma túy sử dụng và chia nhau.
Chỉ vì một chiếc điện thoại và chiếc xe giá trị không nhiều, những kẻ thủ ác sẵn sàng tước đi mạng sống của một thiếu nữ trẻ chưa đến tuổi đôi mươi. Những kẻ tàn nhẫn này tất nhiên sẽ phải nhận sự trừng trị thích đáng của pháp luật. Nhưng những mất mát của nữ sinh và gia đình thực quá lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao để tránh được những vụ án tương tự?
Tại bang Missouri, Mỹ, một lớp học tự vệ với hàng chục học viên đã tồn tại suốt 20 năm. Ảnh minh họa
Kẻ thủ ác chắc hẳn sẽ không có cơ hội sát hại nữ sinh nếu như em không ở một mình nơi vắng vẻ ít người qua lại. Chúng cũng sẽ không nảy sinh ý đồ cướp nếu như không thấy nữ sinh đang cầm chiếc điện thoại có thể “quy ra” ma túy.
Và nếu nữ sinh từng được trang bị kỹ năng để đối phó với những tình huống khẩn cấp này chẳng hạn sẵn sàng đưa cho kẻ ác điện thoại có lẽ mọi sự đã khác.
Không ai biết kẻ mình gặp ngoài đường là người nghiện ma túy, hay đang lên cơn vật thuốc hay không. Cũng khó nhận biết đâu là kẻ thiếu tiền, sẵn sàng đánh đổi mạng người chỉ để thỏa mãn những nhu cầu nhỏ nhưng kỹ năng tự vệ là điều có thể học, có thể chuẩn bị sẵn để ứng phó với mọi tình huống. Kẻ manh động, liều lĩnh, tàn nhẫn đến đâu cũng chỉ có thể ra tay với người sơ hở.
Bởi lẽ đó mà, ở nhiều quốc gia, các lớp học tự vệ phát triển mạnh và được nhiều phụ huynh hưởng ứng. Thực tế, tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật và Ấn Độ, việc dạy kỹ năng tự vệ cho trẻ đã xuất hiện dưới nhiều hình thức như lớp học của các tổ chức phi chính phủ, lớp học thu phí, lớp học trong trường hay câu lạc bộ.
Chẳng hạn, tại bang Missouri, Mỹ, một lớp học tự vệ với hàng chục học viên đã tồn tại suốt 20 năm. Cứ mỗi tuần 2 buổi, các học sinh lại đến đây để học và luyện những kỹ năng cơ bản. Chi phí một khóa học khoảng 248 USD.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, trong bối cảnh nữ sinh đi học đang trở thành mục tiêu của những kẻ phạm tội, chính quyền một số nơi như thành phố Burdwan đã yêu cầu dạy kỹ năng tự vệ cho nữ sinh. Theo The Times of India, nữ sinh được học ít nhất 15 kỹ năng tự vệ, từ việc thoát khỏi tình trạng bị kìm kẹp, cũng như Judo và Karate. Chương trình này được triển khai từ năm 2015.
GS Aaron Banks, đến từ Đại học Custavus Adolphus, nhận định người biết các kỹ năng tự vệ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống và có những hành động quyết đoán khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, làm giảm khả năng gặp nguy hiểm. Trên thực tế, tự vệ cứu 59,6% học sinh thoát khỏi tội phạm bạo lực, 63,3% thoát khỏi kẻ hiếp dâm và 60,5% thoát khỏi những vụ tấn công khác.
Hiện, chỉ tính riêng số người nghiện có hồ sơ quản lý đã tới con số hàng trăm nghìn. Điều này có nghĩa nguy cơ xảy ra những vụ người nghiện cướp đồ, sát hại như vụ nữ sinh viên ngân hàng bị sát hại là không hề nhỏ. Có lẽ nên chăng, cùng với việc quản lý chặt chẽ người nghiện, dạy kỹ năng tự vệ, đặc biệt với thế hệ trẻ là điều thực sự cấp thiết. Phòng tránh bao giờ cũng là bước đi khôn ngoan.
Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.