“Sát thủ” mang tên tấm chắn pô xe máy bằng inox

“Sát thủ” mang tên tấm chắn pô xe máy bằng inox

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Để làm đẹp và bảo vệ pô xe máy của mình, nhiều người chọn tấm chắn pô bằng inox hơn các vật liệu khác vì dù cạnh của nó rất sắc. Chỉ khi trở thành nạn nhân của chính "vật trang trí" ấy, người ta mới giật mình thì đã... muộn.

Đua nhau làm đẹp xe bằng ốp pô... inox

Với tâm lý xe máy cũng như nhà, nhiều người không ngần ngại mang xe của mình đi "nâng đời" ở các hiệu sửa chữa, chỗ làm đẹp cho xe. Từ dán nilon chống xước với các hoa văn, hình thù kì lạ, bắt mắt đến dán giấy đổi màu, lắp đèn nháy ổ khóa... thì nay người ta chuyển sang làm đẹp cả ống xả khói (pô xe) bằng những tấm ốp pô inox. Theo "bật mí" của những người thợ sửa xe, việc sử dụng tấm ốp pô bằng inox chủ yếu là giới trẻ. Đây là cách họ thể hiện sự sành điệu, con mắt thẩm mỹ của mình khi trang trí cho xe mới. Mới nên cái gì cũng cần sáng bóng để khi ánh sáng chiếu vào, cả chiếc xe toát lên vẻ rực rỡ, long lanh.

Đang sửa xe ở cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, tôi được nghe câu chuyện khá lý thú về việc lắp tấm ốp pô xe bằng inox của cậu thanh niên tên Ngọc. Số là Ngọc vừa được bố mẹ mua cho chiếc xe Air Blade để đi học, Ngọc liền mang xe đi "làm đẹp" cho bằng bạn bằng bè. Vừa dừng xe, Ngọc cất giọng khá lớn: "Anh ơi, chỗ mình có tấm ốp pô cho Air Blade bằng inox không anh". Nhận được tiếng có của chủ cửa hàng, Ngọc rồ ga phi xe lên vỉa hè. Vừa làm, người chủ cửa hàng vừa bảo: "Loại đấy giờ ít người lắp lắm. Nó mỏng, cạnh sắc nên dễ đứt tay, đứt chân nếu chẳng may quẹt phải đấy. Nhiều người lắp rồi lại phải tháo ra. Em chuyển sang dùng loại ốp bằng gang hay nhựa cho an toàn". Nghe xong, Ngọc bảo: "Anh hay nhỉ, phải làm theo yêu cầu của khách chứ. Khách hàng là thượng đế, anh có lắp cho em không, không thì em đi". Dứt lời, Ngọc đứng dậy, bỏ đi.

Ô tô-Xe máy - “Sát thủ” mang tên tấm chắn pô xe máy bằng inox

“Sát thủ” gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc

Sau khi Ngọc đi khỏi, người chủ hiệu sửa xe tên Nguyễn Văn Cầu cho biết: "Mình làm nghề nên biết cái nào tốt, cái nào không tốt và cái nào an toàn. Tư vấn mà họ có nghe đâu. Lắp ốp pô xe bằng inox nhìn bóng bẩy, đẹp đẽ thế nên giới trẻ thích nhưng họ đâu biết nó nguy hiểm như thế nào. Các tấm chắn này "mỏng như lá lúa" cạnh của nó không được mài giũa cho cùn nên vô cùng sắc, chỉ cần chạm nhẹ vào là đứt tay như chơi. Nhiều lần rửa xe cho khách, sơ ý bị đứt tay phải đóng cửa hàng mấy ngày. Nhớ lại vẫn thấy ghê". Rồi anh bảo, khá nhiều người trẻ đến đây ốp pô xe máy bằng inox chủ yếu do đua đòi nhau.

Theo mặt bằng chung, giá các loại ốp pô xe đều tương đương nhau. Hiện nay, một tấm ốp pô bằng inox, kẽm hay nhựa đều có giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng/cái, tùy theo chỗ lắp (giá này đã bao hàm công lắp). "Hồi Air Blade được ưa chuộng nhiều nhất, một ngày tôi lắp có khi tới 5 cái ốp pô inox cho khách hàng". Việc người tiêu dùng chọn tấm ốp pô bằng inox, ngoài nhu cầu làm đẹp ra, nhiều người nắp pô xe inox để chống bỏng và cho bền bởi tấm ốp bằng nhựa chính hãng không bền, khi va chạm hay bị vỡ, hỏng.

Chị Nguyễn Thị Duyến (khu Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: " Việc lắp đặt thêm tấm ốp pô bằng inox sau khi tấm ốp bằng nhựa của hãng bị hỏng là điều đương nhiên. Tấm ốp pô bằng inox bền, nếu xảy ra va chạm thì chỉ bị méo, vẫn nắn lại được nên tôi lắp cho xe của mình. Tuy nhiên gần đây, thấy tấm chắn pô này không an toàn khi lưu thông trên đường với người khác nên tôi chuyển sang lắp tấm ốp bằng gang". Cũng theo chia sẻ của chị Duyến, việc nhiều người lắp tấm ốp bằng inox là do thị trường vẫn có cầu nên có cung.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, các tấm ốp bằng inox có mặt hầu khắp ở các cửa hàng bán đồ phụ tùng xe máy, cửa hàng sửa chữa... Tuy nhiên, không ai biết mặt hàng này có nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Anh Mạnh, một chủ cửa hàng sửa chữa xe máy ở Cầu Giấy cho biết: "Khách hàng có nhu cầu thì tôi đi lấy hàng về lắp đặt lấy công thôi. Chỉ biết đây không phải hàng chính hãng, còn việc nó có xuất xứ ở đâu thì tôi không biết, chỉ đại lý biết thôi". Người lắp cứ lắp, người bán cứ bán, không ai rõ nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này ở đâu.

"Ăn" chân tay “ngọt” hơn... mía lùi

Đối với các dòng xe ga, việc lắp tấm ốp pô chắn nóng là vô cùng cần thiết bởi nó giúp người sử dụng tránh bị bỏng pô. Thế nhưng việc sử dụng tấm chắn bằng inox mỏng cho các xe Air Blade, hay Nouvo LX là vô cùng nguy hiểm bởi các tấm ốp pô này cao ngang mức để chân của các xe khác. Bên cạnh đó, khoảng cách từ tấm ốp đến pô xe bị trống một khoảng rộng, đây là điều kiện "lý tưởng" cho những tấm ốp biến thành "sát thủ" mỗi khi xảy ra va quệt trên đường phố hay những khi lau chùi xe...

Ô tô-Xe máy - “Sát thủ” mang tên tấm chắn pô xe máy bằng inox (Hình 2).

Một trong những nạn nhân bị tấm chắn pô “sát thủ” quệt phải

Thực ra, ngay từ khi ra đời, những tấm ốp pô này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hồi tháng 2/2011, bé Q.A (TP.Hồ Chí Minh) phải nhập viện vì bị tấm ốp pô của xe bằng inox của xe Air Blade cứa phải. Khi mẹ bé quẹo vào hẻm nhà, chân bé bị tấm ốp pô cắt phải khiến ngón giữa và ngón áp út của bé đứt lìa, không cứu được. Sau vụ tai nạn ấy, bàn chân bé chỉ còn 3 ngón.

May mắn hơn bé Q.A. bé N.T.L. (Gia Lâm, Hà Nội) bị tấm ốp của xe Air Blade cứa phải khiến 4 ngón chân bên trái (trừ ngón trỏ) bị gần đứt rời. Sự việc này xảy ra ngày 16/11/2012. Bé L. phải trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài 9 giờ đồng hồ để nối chân lại. Sau khi phẫu thuật nối ghép, hiện chân của bé đã hồng lại, có dấu hiệu của sự sống. Nhẹ hơn T.L. bé H.L. 11 tuổi khi đang trên đường về nhà (bé ngồi sau xe mẹ) thì bị một người điều khiển xe máy Air Blade vượt lên vô tình làm miếng ốp pô inox cứa rất sâu, làm đứt gân duỗi và gãy xương bàn 4 và 5...

Những ví dụ trên chỉ là trường hợp điển hình cho thấy trẻ em là những người dễ bị "sát thủ" tấm ốp pô bằng inox "ăn" chân nhất. Không ai biết khi những vết cứa này lành sẹo, tâm lý các em ổn định trở lại hay không? Không trừ một ai, kể cả người già, nam hay nữ, các tấm ốp pô bằng inox với cạnh sắc nhọn luôn trong tư thế "sẵn sàng" “ăn” chân người đi đường mỗi khi xảy ra va quệt. Ông Phan Văn Tư (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết: "Một lần ngồi sau xe của con tôi, đang đi đường, bỗng người đi bên cạnh bảo tôi chân bác bị chảy máu kìa. Nhìn xuống chân tôi thấy máu loang lổ trên đôi giày vải có một vệt rách dài, lúc ấy tôi mới có cảm giác đau ở chân. Hóa ra chân của tôi bị cứa rách là do vừa nãy khi đang rẽ phải, chân tôi quệt vào tấm ốp pô của một chiếc xe Air Blade cùng rẽ. Vết cứa "ngọt" quá nên tôi không biết bị đứt lúc nào, chỉ khi máu chảy mới biết". Khác với ông Tư, ông Hoàng Văn Ng. (53 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) đang đi trên đường, bị một xe đi sau húc vào, miếng ốp pô bằng inox cứa thẳng vào khuỷu chân khiến ông bị đứt gân và mạch máu.

Có thể nói, rất nhiều nạn nhân bị miếng ốp pô inox sát thương chủ yếu khi đang lưu thông trên đường. Khi bị thương, họ không biết ngay mà chỉ khi máu chảy và cảm giác đau ập tới họ mới phát hiện bởi vết cứa quá "ngọt". Thế nên, rất nhiều người bị nạn không kịp phản ứng với người gây tai nạn để rồi phải tự mình gánh chịu mọi nỗi đau đớn về thể xác.

Hồng Mây - Bình Minh