“Sinh tố phụ gia” vẫn tràn lan giữa lòng Hà Nội

“Sinh tố phụ gia” vẫn tràn lan giữa lòng Hà Nội

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Thời gian gần đây Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế và y tế các địa phương liên tục tiến hành thanh, kiểm tra và đưa ra các cảnh báo về việc sử dụng phụ gia tạo đục trong chế biến một số loại nước giải khát có chứa chất Diethylhexylphthalate (DEHP).

Qua thực tế, PV nhận thấy những chất phụ gia gây hại tới sức khỏe này được bày bán công khai trên thị trường Hà Nội.

“Sinh tố phụ gia” được bày bán công khai

Tù mù phụ gia hương liệu thực phẩm

Theo ước tính, giá bán mỗi kg cam bán trên thị trường dao động từ 25.000- 40.000 đồng. Mỗi kg được khoảng 4 quả, để pha được một cốc nước cam nguyên chất sẽ phải dùng 2 quả mất tương ứng khoảng 15.000-20.000 đồng tiền gốc. Trong khi đó, giá một kg bột cam mất 40.000 đồng (loại gói 5kg có mức giá 180.000 đồng) có thể pha được 60-70 cốc nước cam. Nếu tính giá rẻ nhất mỗi cốc nước cam khoảng 20.000 đồng thì dùng 1kg bột cam chủ hàng đã kiếm lời gần 1 triệu đồng hoặc cao hơn với mức giá bán tương ứng.

Trong vai người đi tìm nguồn hàng, chúng tôi có mặt tại phố Hàng Buồm nơi được coi là đầu mối cung cấp các loại nguyên liệu, hương liệu thực phẩm cho các quán giải khát trên địa bàn Hà Nội. Tại cửa hàng T- H, chủ cửa hàng bật mí: "ở đây bày bán đầy đủ các loại nguyên, hương liệu chế biến các loại nước giải khát". Để khẳng định lời mình nói chị này giới thiệu hàng loạt các loại nguyên liệu đang được trưng bày trên kệ, từ hương liệu cam, hương liệu ổi, chanh leo, nho đến dâu tây.

Theo chủ cửa hàng, muốn kinh doanh cần phải tìm hiểu kĩ các mặt hàng và đầu tư thời gian học hỏi cách pha chế để kinh doanh có lời nhất. Theo hướng dẫn của chị này, để pha chế một cốc nước cam cần phải vắt một ít nước cam nguyên chất sau đó sử dụng một ít phụ gia tạo đục có hương liệu cam cho vào sẽ cho ra một cốc nước cam nguyên chất. “Việc pha chế phải được thực hiện đúng tiêu chuẩn, kĩ thuật nếu không khách hàng rất dễ phát hiện ra”, chị này khuyến cáo.

Cũng theo chị này, rất nhiều khách đến mua phụ gia tạo đục về kinh doanh đồ giải khát, nếu chỉ sử dụng các loại cây trái có sẵn trong thiên nhiên mà giá bán lại rẻ thì chỉ có nước đóng cửa sớm?!

Tiếp tục quan sát, không chỉ loại bột pha nước cam mà các loại bột mang hương vị nhiều loại hoa quả khác cũng được bán theo cân. Giá các loại hương liệu này dao động trong khoảng 30- 40 nghìn đồng/kg nếu mua lẻ, mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá.

Tìm đến một cửa hàng khác cũng nằm trên phố này chúng tôi được biết: để làm sinh tố có các loại tinh dầu với sự đa dạng về mùi vị, muốn mua bao nhiêu cũng có. Các loại hương liệu này được đựng trong các can, bán với giá từ 100-120.000 đồng /lít.

Sau khi tìm hiểu thông tin về các loại hương liệu, chủ cửa hàng còn “mách nước”: "Hiện nay các cửa hàng giải khát hầu như đều dùng các loại nguyên hương liệu này để pha chế, chẳng qua là sử dụng ít hay nhiều mà thôi. Tiếng là nước quả nguyên chất, nhưng thực tế họ chủ yếu sử dụng hương liệu tổng hợp. Thủ thuật của họ là dùng các loại hương liệu pha lẫn với các loại hoa quả, như vậy mới lãi"- chủ cửa hàng nhấn mạnh.

Mặt hàng không quản lý?!

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các cửa hàng dọc phố Hàng Buồm, hương liệu được đóng can hoặc bịch nilon đều được người bán tự giới thiệu xuất xứ từ các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan..., nhưng trên thực tế hầu hết những mặt hàng này lại không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ. Khi được hỏi về nguồn gốc của những loại nguyên hương liệu, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định đây là loại hàng chất lượng, cứ yên tâm sử dụng (?)

Khi thấy chúng tôi tỏ ý băn khoăn khi trên các thùng, chai đựng nguyên hương liệu toàn thấy chữ nước ngoài, không có nhãn phụ ghi tiếng Việt các chủ hàng nhấn mạnh, ở đây bán toàn hàng nhập, hàng xách tay có uy tín nên không có nhãn, phụ đề tiếng Việt!?

Việc bày bán mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là vậy, nhưng điều kì lạ ở chỗ các cửa hàng kinh doanh loại hàng này không hề bị kiểm tra xử lý. Đây là cơ hội để những phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ tuồn ra thị trường và xâm hại trực tiếp tới người sử dụng.

Hoàng Văn