Hidekichi Miyazaki - cụ ông Nhật Bản lập kỷ lục Guinness Thế giới năm 2015 khi hoàn thành phần chạy 100 mét trong 42,22 giây. Ảnh: Kyodo
Theo một báo cáo gần đây của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, quốc gia Đông Á hiện có hơn 90.500 người ở độ tuổi từ 100 trở lên. Con số kỷ lục này tăng 5% so với một năm trước và tăng gấp 5 lần so với 2 thập kỷ trước.
Để dễ hình dung, Bloomberg đưa ra so sánh về số người sống hơn 1 thế kỷ giữa Nhật Bản và Mỹ. Theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất, Mỹ có gần 98.000 người thọ hơn 100 tuổi trên tổng dân số hơn 335 triệu người. Trong khi đó, Nhật Bản có số người thọ hơn 100 tuổi gần tương đương Mỹ (hơn 90.000 người) nhưng tổng dân số chỉ hơn 125 triệu người.
Nguyên nhân khiến Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ cao thứ 2 thế giới là do chế độ ăn uống lành mạnh và hệ thống y tế dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải chật vật quản lý một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới và tỷ lệ sinh thấp - gây sức ép tới hệ thống lương hưu của nước này.
Những người bước sang tuổi 100 ở Nhật Bản thường nhận được một chiếc cúp bạc kỷ niệm từ Thủ tướng. Nhưng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người thọ trăm tuổi buộc chính phủ phải chuyển sang một chiếc cúp "kinh tế" hơn bằng kim loại từ năm 2016.
Số liệu về người thọ trên 100 tuổi ở Nhật Bản được công bố trước ngày Keiro no Hi - Ngày tôn trọng người cao tuổi ở quốc gia này (19/9).
Ngày Keiro no Hi bắt nguồn từ việc Nhật Bản đánh giá cao giá trị của người cao tuổi khi những kinh nghiệm và kiến thức của họ mang lại lợi ích lớn cho xã hội. Con cháu sẽ về thăm hoặc gửi quà cho ông bà, cha mẹ trong ngày này.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, người lớn tuổi nhất ở nước này hiện tại là cụ Fusa Tatsumi, 115 tuổi, sống tại tỉnh Osaka.
Nguyễn Thái - Bloomberg