Theo báo Công an TP.HCM, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) có tiếp nhận cấp cứu cho 20 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cỗ đám cưới. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các bệnh nhân ngộ độc đều đã ổn định, không có trường hợp nào phải chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Tô Đức Nguyện, phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc cho biết, vụ ngộ độc này đã có hai cháu nhỏ tử vong, một cháu 5 tuổi, 1 cháu 3 tuổi, cả hai trường hợp đều tử vong ngoại viện.
Cũng theo ông Nguyện bày tỏ sự đáng tiếc nếu các cháu được đưa đến viện kịp thời thì đã có thể cứu được tính mạng, tuy nhiên do người dân nhận thức còn hạn chế, chỉ khi nào quá nặng mới đưa đến bệnh viện nên đã không được cấp cứu kịp thời. Một bé tử vong tại gia đình, một cháu khi đưa gần tới viện thì tử vong.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, bà Lương Thị Hà, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cao Bằng, cho biết ngày 13/5, nhà anh Lầu A Páo (xóm Ngàm Vàng) tổ chức đám cưới cho con và mời khách ăn cỗ với khoảng 17 mâm.
Sau bữa ăn, đến ngày 14/5, có 20 người bị các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Đến chiều 15/5, những người bị ngộ độc đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc.
Đáng chú ý là sau khi dự đám cưới, ông Lầu Thà Páo mang thức ăn tại đám cưới (mì tôm xào trứng) về cho 2 cháu là Lầu Thị P. (5 tuổi) và Lầu A Q. (3 tuổi). Do thức ăn bị ôi thiu, người nhà lại phát hiện muộn các triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm, nên 2 cháu bé không được cấp cứu kịp thời, đã tử vong vào sáng 15/5.
Sau khi phát hiện sự việc, sở Y tế tỉnh Cao Bằng chỉ đạo chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc điều trị cho các trường hợp ngộ độc thực phẩm phải nhập viện; thăm hỏi, động viên gia đình 2 cháu bé bị tử vong.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền để nhân dân thực hiện tốt việc ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm trong tổ chức tiệc cưới, tân gia, đám giỗ tại các hộ gia đình.
Trúc Chi (t/h)