Sửa Luật Bảo hiểm y tế, cứu sinh người nghèo

Sửa Luật Bảo hiểm y tế, cứu sinh người nghèo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Người nghèo không có tiền đóng viện phí, họ xoay xở mọi cách bám trụ ở thành phố kiếm tiền. Thế nhưng, khi tiền kiếm ra chỉ ba cọc ba đồng, họ chẳng biết bấu víu vào đâu. Cuộc sống của họ được kéo dài thêm bởi những đồng tiền chạy vạy, vay mượn hay sự cưu mang của cộng đồng.

Bệnh nhân xoay xở...

Sau nhiều ngày lân la tại các bệnh viện K, Bạch Mai, Huyết học Trung ương, tôi đã gặp những cảnh nghèo kiệt quệ vì lo tiền chạy chữa cho vợ, chồng, con... Cảnh nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn, họ đau đáu lo bệnh, lo tiền. Còn tôi, ám ảnh bởi nỗi đau dai dẳng mà họ đang phải gánh chịu.

Trong lần xuống Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), tôi biết đến cảnh ngộ của chị Nguyễn Thị Liễu, 30 tuổi (quê ở xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bị ung thư phần mềm với một khối u to ở nách. Chị phát hiện bệnh đã 3 năm. Nhập viện từ đầu năm 2011 song tình trạng bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Hai vợ chồng chị Liễu chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Cuộc sống hàng ngày vợ chồng chị chạy ăn từng bữa, nay mắc bệnh hiểm nghèo, chị chẳng biết bấu víu vào đâu. Đứa con nhỏ 7 tuổi phải gửi ông bà nội nuôi.

Chị Liễu kể với tôi: "Gia đình tôi là hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mỗi khi xuống viện điều trị, chúng tôi chạy đôn chạy đáo vay tiền để cược tiền viện phí. Dù có BHYT chi trả song những bệnh nhân nghèo chúng tôi vẫn quay quắt. Cùng chi trả 5% với những bệnh nan y như tôi mắc phải thì cũng là con số khổng lồ. Thông thường, các bệnh nhân kết thúc ba đợt điều trị, truyền hóa chất bệnh viện mới làm thủ tục thanh toán".

Hai vợ chồng chị Liễu tại bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp

Anh Lê Công Ngọc, 32 tuổi (quê ở Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị ung thư đại tràng và phải nhập viện từ tháng 4/2010. Dù đã phải phẫu thuật ba lần, nhưng các bác sĩ cũng không dám đảm bảo anh sẽ không phải đụng đến dao kéo thêm lần nào nữa. Những cơn đau khiến anh mất ngủ nhiều đêm ròng. Bệnh nặng, hai vợ chồng đều làm ruộng, đồng tiền kiếm được dồn hết cho việc chữa trị bệnh tật, thuốc thang. Hai đứa nhỏ, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 18 tháng đều phải gửi họ hàng trông nom.

Giàn giụa nước mắt, vợ anh Ngọc nói: "Nỗi lo bệnh, nỗi lo tiền viện phí khiến hai vợ chồng tôi thêm mệt mỏi. Vợ chồng tôi đã sống bằng những bát cháo từ thiện của bệnh viện. Đã có lúc vợ chồng tôi nghĩ đến viễn cảnh khăn gói về quê vì không có tiền".

Tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai), bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã chạy thận được 7 năm nay. Mỗi tháng, bình quân chị Ngọc chạy thận 13 lần, mỗi lần hết không dưới 500 nghìn đồng. Tính trung bình, mỗi năm tiền điều trị của chị Ngọc hết xấp xỉ 80-90 triệu. Chị Ngọc phải cùng chi trả 5%, tức mỗi năm phải mất thêm gần 20 triệu (chưa kể chi phí gián tiếp như ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại...). Số tiền này, đối với một người nghèo là vô cùng lớn, nhiều khi vượt quá khả năng xoay xở.

Loay hoay tìm cách hỗ trợ

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: "Qua triển khai, nhiều bệnh viện đã có báo cáo đến Bộ Y tế phản ánh về những khó khăn của bệnh nhân nghèo khi thực hiện chính sách này, bởi có những bệnh phải chi phí điều trị lên đến vài chục triệu đồng hay những bệnh phải điều trị dai dẳng thì 5% chi phí thực sự là số tiền lớn. Để hỗ trợ người nghèo không có khả năng thực hiện các mức chi trả như trên, Bộ Y tế, BHXH, sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ thiết lập một nguồn quỹ cho người nghèo cấp Trung ương".

Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện sử dụng một quỹ riêng của bệnh viện để hỗ trợ 50% số tiền cùng chi trả của bệnh nhân nghèo. Ví dụ ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nghèo chạy thận thực chất chỉ cùng chi trả 2,5%. Tuy nhiên, đây cũng vẫn là một gánh nặng với họ, bởi hầu như những người này không có một nguồn thu nhập nào đáng kể.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Nguyên lý bất di bất dịch của BHYT là nguyên lý cộng đồng chia sẻ. Yếu tố cộng đồng ở đây được hiểu là mọi người vì mình, mình vì chính bản thân mình và mình vì người khác. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, người nghèo phải cùng chi trả một khoản chi phí khám chữa bệnh để nâng cao trách nhiệm của họ đối với BHYT. Ở Việt Nam toàn bộ thẻ BHYT của người nghèo đã được ngân sách Nhà nước mua. Quỹ BHYT khác ở chỗ không có mức chi tối đa, mà nó chi trả theo bệnh tật. Người nghèo có thể được hưởng vài chục nghìn khi khám chữa bệnh thông thường, thậm chí có thể hưởng vài trăm triệu khi bệnh nặng, bệnh nan y".

Cũng theo ông Sơn, thực tế người nghèo mắc bệnh nặng, chi phí lớn, cùng chi trả 5% có thể vượt quá sức chi trả của người dân. Nhưng câu chuyện đó nằm ngoài phạm trù BHYT. Một số UBND các tỉnh (như TP.HCM) đã bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh để hỗ trợ cùng chi trả cho một nhóm bệnh nhân nghèo.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TBXH, BHXH Việt Nam đang dự thảo tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ theo định hướng vẫn giữ cơ chế cùng chi trả 5%, nhưng sẽ đưa ra một giới hạn tối đa cho các lần chi trả của bệnh nhân nghèo. Nếu vượt quá ngưỡng đó thì Nhà nước sẽ lo nốt. Phần bù này ông Sơn cho rằng, phải lấy từ các nguồn huy động từ xã hội.

Cần những quỹ tình thương

Cần nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT tạo cơ hội tốt nhất cho người nghèo chữa bệnh miễn phí

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu sửa Luật BHYT, tuy nhiên nếu "thả" ra quá thì cùng khó. Nhiều nơi họ phát huy tinh thần các quỹ, sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp, cá nhân. Làm gì để hỗ trợ nhanh bệnh nhân nghèo? Theo ông Lợi, cần thành lập những quỹ tình thương hoặc có một tổ chức nào đó- Hội Chữ thập đỏ chẳng hạn đứng ra huy động nguồn tiền từ thiện nhân đạo cho các bệnh nhân nghèo.

Luật BHYT quy định người nghèo cùng chi trả 5%, nhưng người nghèo lại rất khó khăn, các bệnh viện cũng đang chịu áp lực về việc đó. Bệnh viện chi trả cho bệnh nhân nhưng người ta không có khả năng chi trả, bệnh viện phải bù đắp (nhưng ít thì được- PV), nếu nhiều quá sẽ thâm hụt Quỹ BHYT. Theo ông Lợi, thông qua quỹ nhân đạo, tình thương, quỹ bảo trợ nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ đứng ra làm đầu mối. Hoặc giả các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập một quỹ từ thiện nhân đạo nào đó, góp phần hỗ trợ cho bệnh nhân.

Bản thân bệnh viện cũng có thể huy động nguồn hỗ trợ cho người nghèo hay tạo một cơ hội ít nhiều có thể hỗ trợ thêm cho người bệnh. Thực tế người nghèo phải cùng chi trả 5% thì cũng rất khó khăn đặc biệt với bệnh nan y, quá trình điều trị dai dẳng thì họ lấy đâu ra. "Về mặt lâu dài, theo tôi cần nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT tạo cơ hội tốt nhất cho người nghèo chữa bệnh miễn phí- Tôi nhấn mạnh là người nghèo thực thụ. Với phương thức cùng chi trả 5% hiện nay vẫn đang tạo ra những áp lực cho bệnh viện", ông Lợi nhấn mạnh.

Ngân Giang