Theo Brussels Times, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có một số câu hỏi và thách thức về vai trò của NATO đã được đặt ra. Một số quốc gia vốn có vị trí quan trọng đối với liên minh hiện đang không đi chung con đường với tổ chức.
Mặt khác, những động lực mới ở khu vực gần NATO cũng mang đến những lý do để tổ chức này kết nạp thêm các thành viên mới.
Gần đây, đã có một cuộc tranh luận thú vị về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Người ta đặt ra câu hỏi: Tại sao một quốc gia “ngang tàng” như Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của NATO trong khi một quốc gia đầy giá trị như Israel lại không được trọng dụng.
Một Thổ Nhĩ Kỳ “khó bảo”
Đã gần hai thập kỷ kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan trở thành nhà lãnh đạo quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã cam kết làm cầu nối và tăng cường các mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu với mục tiêu trở thành thành viên của tổ chức này.
Tuy nhiên, những bất đồng về chính sách và tư tưởng giữa các nước phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hình ảnh của ông Erdogan trở nên tồi tệ hơn trong mắt họ.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga vào tháng 7/2019, quan hệ hữu nghị giữa chính quyền Erdogan với các đối tác NATO càng thêm xói mòn. Mỹ coi thương vụ vũ khí là sự cản trở lòng tin giữa hai bên, đồng thời loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35 đi kèm với các biện pháp trừng phạt.
Đến mùa hè năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sử dụng Địa Trung Hải để phô diễn sức mạnh quân sự của mình và không ngại ngần đe dọa chống lại một thành viên NATO là Hy Lạp.
Dù không dẫn đến kịch bản xấu nhất, nhưng hậu quả vẫn có. Niềm tin đã bị phá vỡ và nhiều quốc gia công khai chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ các quy tắc của tổ chức. Những lập luận này đã đặt ra những câu hỏi khác nhau về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Đúng là quân đội hùng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ - đội quân lớn thứ hai của NATO với hơn 350.000 quân nhân và quy mô quân sự rộng lớn – cùng với vị trí địa chiến lược độc đáo khiến phương Tây không muốn nước này rời khỏi liên minh.
Nhưng tờ Brussels Times cho rằng, điều này chỉ làm dấy lên lo ngại về một Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với Nga hoặc Iran. Việc Ankara đi một mình mà không bị ràng buộc cũng có khả năng biến nước này trở thành thành viên mới của “Câu lạc bộ hạt nhân”. Cuối cùng, Liên minh châu Âu và NATO sẽ có một biên giới phía Đông cực kỳ khó tương tác.
Làn gió Israel
Trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel lại là một trường hợp đặc thù. Vào năm 2016, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phủ quyết sau 6 năm, Israel đã được phép thành lập Văn phòng Liên lạc tại trụ sở của NATO. Sau đó vào năm 2017, nước này chính thức ký thỏa thuận hợp tác với tổ chức.
Kể từ đó, quan hệ hợp tác giữa NATO và Israel đã tăng lên bền vững thông qua nhiều hành động hợp tác hữu hình. Các cuộc tập trận quân sự, chiến tranh mạng và chống tình báo, là một số ví dụ về sự hợp tác giữa cả hai bên.
Hơn nữa, Israel đã đề xuất và củng cố các sáng kiến ngoại giao với Hy Lạp và Síp, sau khi phát hiện ra khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải. Hiệp định Abraham gần đây giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập cũng có thể kích hoạt ý tưởng rằng khi thừa nhận nhà nước Israel, NATO sẽ tăng cường hoạt động trên toàn cầu, đồng thời mở rộng cánh cửa cho các thành viên khác trên thế giới.
Với một nền dân chủ vững chắc, khả năng quân sự của Israel được cho là sẽ hoàn toàn phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai của liên minh. Vũ khí, công nghệ hoặc thông tin tình báo quân sự chất lượng sẽ nâng cao năng lực hiện có của NATO. Trong thời điểm mà đóng góp ngân sách quốc phòng trong NATO là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận, ngân sách quân sự của Israel lại lên tới 4,5% GDP.
Trở thành một phần của liên minh cũng có nghĩa là một quốc gia sẽ mất quyền tự chủ một phần và vấn đề như vậy rất quan trọng đối với một đất nước đang đối mặt với những thách thức an ninh thường xuyên và đơn lẻ.
Một trong những điểm cốt lõi trong các cuộc tranh luận về việc Israel trở thành thành viên NATO đó là kích hoạt Điều 5 (phòng thủ tập thể) của NATO trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran hoặc bất kỳ lực lượng ủy nhiệm nào của Iran, chẳng hạn như Hezbollah.
Khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy là rất cao và một sự kiện như vậy sẽ đặt liên minh vào tình thế khó khăn vì điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhiều năm ở Trung Đông và thậm chí một số khu vực ở Bắc Phi.
Đáng lưu ý hơn, việc trở thành thành viên đầy đủ sẽ không chỉ phụ thuộc vào các thành viên NATO - đặc biệt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không phủ quyết - mà còn ở việc Israel có sẵn sàng tham gia hay không.
Nhưng với việc tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị đặt dấu hỏi, nhìn vào bức tranh tương lai, đã đến lúc phương Tây nên bắt đầu xây dựng tư cách thành viên đầy đủ của Israel trong NATO, tờ Brussels Times kết luận.