Tai nạn khi chở trẻ nhỏ bằng xe máy: Nỗi đau dai dẳng và lời cảnh báo đến phụ huynh

Thanh Lam - Nguyễn Lâm

Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm khi đèo con nhỏ trên đường để lại cho người thân và những người chứng kiến nỗi ám ảnh, ân hận muộn màng. Để trẻ nhỏ tham gia giao thông an toàn, chuyên gia đã cảnh báo phụ huynh cần lưu ý nhiều yếu tố trong đó là việc thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm.

Nỗi đau dai dẳng suốt đời

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào tối ngày 18/5 tại Hà Nội khiến bé trai ngồi sau xe mô tô tử vong, nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo đó, sau vụ va chạm với một xe ô tô đi cùng chiều khiến ông T. bị thương ở vùng đầu, bé trai ngồi sau xe tử vong tại chỗ.

Sự việc đau lòng một lần nữa dấy lên sự lo ngại của các phụ huynh về sự an toàn của trẻ nhỏ khi tham gia giao thông. Nhất là trẻ ngồi đằng sau xe mô tô, xe đạp điện, xe máy. PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe nhận định từ ĐBQH Dương Minh Tuấn (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Nhìn nhận về những hậu quả của các vụ tai nạn giao thông do đèo con nhỏ, ông Tuấn cho biết: “Chúng ta đã biết có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người lớn chở con nhỏ bất cẩn trên đường, để rồi nỗi đau ấy dai dẳng suốt đời”.

ĐBQH Dương Minh Tuấn cho rằng những vụ tai nạn đèo trẻ nhỏ là nỗi đau dai dẳng.

Ông Tuấn dẫn ra một số ví dụ, thời gian qua, có nhiều người tham gia giao thông nhưng lại thờ ơ trong việc bảo vệ con nhỏ như để trẻ nằm ngủ trên xe, đứng ở trước xe máy không cần đội mũ bảo hiểm, để trẻ cầm vào tay lái nhưng quên tắt xe tay ga, bố mẹ quay đầu xe không để ý đường… Những điều đó vô hình trung làm ảnh hưởng đến tính mạng không chỉ của bản thân, của con trẻ mà còn gây hại đến những người xung quanh.

Phải đảm bảo an toàn cho trẻ khi ra đường

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Hiện nay, Luật an toàn giao thông đường bộ, các nguyên tắc giao thông đã quy định rất rõ về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, khi lưu thông trên đường cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, đảm bảo an toàn, không phóng nhanh vượt ẩu. Tôi cũng lưu ý các phụ huynh khi đã sử dụng nồng độ cồn không được chở con nhỏ phía sau và không được phép tham gia giao thông”.

Dù đã được các cơ quan chức năng, báo chí cảnh báo, tuyên truyền, thế nhưng, ông Thái cho rằng một số phụ huynh vẫn chủ quan khi chở con nhỏ tham gia giao thông bằng xe máy dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Thực tế, nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do trẻ nhỏ vô tình kéo tay ga khi xe máy đang hoạt động. Lý do là bởi, tâm lý chung của trẻ nhỏ là tò mò, thích khám phá những điều mới lạ.

: Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc là hồi chuông cảnh báo an toàn cho phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng có thói quen không tốt như vừa một tay bế con nhỏ phía trước, một tay điều khiển xe trên đường; cho con nhỏ ngồi sau nhưng không có đai an toàn,…

Do đó, để giảm thiểu được những vụ tai nạn thương tâm khi đèo trẻ nhỏ tham gia giao thông, ông Thái nhấn mạnh chính những bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm những quy định đảm bảo an toàn cho bản thân và trẻ nhỏ theo luật An toàn giao thông đường bộ.

Từ những câu chuyện, vụ tai nạn đã xảy ra và được thông tin trên các phương tiện truyền thông, ĐBQH Dương Minh Tuấn mong muốn: “Hàng năm, theo số liệu thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có nhiều vụ tai nạn xảy ra để lại hậu quả khôn lường. Tôi đặc biệt lưu ý, các phụ huynh khi tham gia giao thông có đèo theo con nhỏ cần phải đảm bảo an toàn cho con, như có thể sắm thêm đai thắt ở phía sau, dùng địu đối với trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Ngoài ra, với trẻ lớn hơn thì khi ngồi sau phải yêu cầu trẻ ôm chặt vào mình, thường xuyên hỏi han trò chuyện với trẻ để tránh trẻ ngủ gật trên đường”.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng khuyên các bậc phụ huynh khi đèo con nhỏ cần lưu ý kiểm tra xe, gương xe, đội mũ bảo hiểm đầy đủ để giảm thiểu thấp nhất tai nạn thương tâm xảy ra.

Nằm lòng những lưu ý sau khi chở trẻ nhỏ bằng xe máy!

Khi chở trẻ nhỏ bằng xe máy, cha mẹ lưu ý không để trẻ ngồi hoặc đứng ở phía trước xe. Bởi, khi xe phanh gấp, lực quán tính sẽ đẩy trẻ về phía trước, ngực đập vào tay lái khiến các bộ phận trong lồng ngực bị tổn thương. Nên để trẻ ngồi sau lưng mình và trang bị thêm dây đai an toàn để nịt chặt vào lưng người điều khiển.

Cha mẹ cũng nên lựa chọn cho trẻ các loại mũ bảo hiểm vừa đầu, tránh quá chật gây khó chịu giúp khi va chạm bớt ảnh hưởng đến vùng đầu non nớt của trẻ.

Ngoài ra, nên trang bị đầy đủ kính mũ, khẩu trang cho trẻ để yên tâm hơn khi di chuyển ngoài đường tránh côn trùng bay vào mắt. Tuyệt đối không để trẻ ngồi một mình ở yên sau, vì trẻ nhỏ thường hiếu động dễ xảy ra tai nạn.

Khi dừng xe, phụ huynh nên tắt máy ngay không để trẻ có cơ hội một mình với chiếc xe đang nổ máy. Đồng thời, cha mẹ để ý chân của trẻ tránh kẹp vào bánh xe, vì trẻ hiếu động thích đu đưa bàn chân, không cẩn thận sẽ khiến xương bị gãy hoặc ngã xuống đất rất nguy hiểm.

T.L - N.L