Tại sao phải nói “toang” khi chúng ta đang cố gắng

Khánh Ngân

Dịch bệnh đáng sợ và lây lan rất nhanh nhưng nó không đáng sợ và lây lan nhanh bằng thứ virus sợ hãi, tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Những ngày qua, mạng xã hội dồn dập chia sẻ thông tin nổi bật với những dòng trạng thái lo âu khi dịch bệnh Covid-19 đã chính thức trở lại nước ta. Liên tiếp những ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện và tăng nhanh tại thủ đô Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh.

Cùng với đó, cũng là hàng loạt các status được đăng tải trên mạng xã hội : “Hải Dương toang rồi” , “Vỡ trận rồi”, “Tết này đã toang” nghe thật xót xa. Đúng là đã rất lâu chúng ta mới trở lại cảm giác tất bật, âu lo khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhưng cũng chính lúc này, tâm lý hoang mang, lo lắng không phải là cách đối phó với dịch Covid-19 hiệu quả. Việt Nam đã làm rất tốt khi nằm trong số những quốc gia đẩy lùi dịch bệnh. Và, chúng ta có thể thực hiện điều này một lần nữa nếu mỗi người biết cách giảm căng thẳng, gây tâm lý hoang mang về đại dịch Covid-19. Chúng ta hãy thử nhìn nhận lại!

Trong giai đoạn 1, Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực được thế giới công nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, sau 99 ngày không có ca mắc COVID-19, ngày 25/7/2020, Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và sau đó đã ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khác, cho thấy dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng. Đất nước ta với chủ trương "chống dịch như chống giặc", với sự ra quân quyết liệt nhưng tỉnh táo, hiệu quả của toàn Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân, dịch Covid-19 đã từng bước được khống chế.

Việt Nam quyết tâm chống dịch Covid-19.

Vì vậy, sự trở lại của dịch Covid-19 ở nước ta lần này, chúng ta đã có niềm tin, chúng ta phải bình tĩnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa để chiến thắng dịch bệnh. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 ở nước ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt thử thách tất cả mọi người. Tại sao phải nói “toang” khi sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, toàn bộ hệ thống phòng thủ chống dịch của không chỉ ở Hải Dương, Quảng Ninh, mà là cả nước đã được “thần tốc” kích hoạt.

Những cuộc họp khẩn liên tục của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, của bộ Y tế, có cả cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngay tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - nơi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra.

Tại sao phải nói “vỡ trận” khi ngày đêm các y bác sĩ và các cán bộ chiến sĩ vẫn đang nỗ lực từng giờ, từng phút chiến đấu nơi đầu tuyến chống dịch. Và, “toang” là "toang" thế nào khi tất cả chúng ta đang cùng nhau vượt qua gian khó?!

Sao phải nói "toang" khi chúng ta đang nỗ lực.

Chúng ta đã có một chiến thắng trước đó bằng tất cả sự đoàn kết và nỗ lực của toàn đất nước nên thay vì “toang”, “vỡ trận rồi”, hãy động viên nhau, chung tay vượt qua những ngày tháng khó khăn này. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, chủ động thực hiện khai báo và tuân thủ 5K theo khuyến cáo của bộ Y tế, không có lý gì chúng ta đã làm được lần 1 mà không làm được lần 2, lần 3.

Thiết nghĩ ai cũng có quan điểm riêng của mình, nhưng việc nhìn nhận một sự việc khách quan theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, ứng phó với chúng ra sao, đặc biệt khi đưa phát ngôn đó ra bên ngoài và có sức ảnh hưởng đến với cộng đồng thì lại càng phải cân nhắc, chọn lựa thật kỹ. Đừng vội quăng vào đám đông sự chán nản, bế tắc của cá nhân khi ngoài kia, rất, rất nhiều người đang oằn mình ngày đêm chống dịch. Điều vô thức ấy dễ tạo cho đám đông tâm lý chán nản, hoang mang. Điều này là rất không nên khi cả nước đang phải quyết tâm chống dịch.

Quan trọng hơn, tình hình dịch bệnh còn kéo dài, không chỉ là lần 2, lần 3 mà còn có thể nhiều lần Việt Nam còn phải đối phó với những diễn biến phức tạp có thể còn hơn của hiện tại. Vì vậy, mỗi lần xuất hiện dịch bệnh, thay vì là “toang”, “vỡ trận”, mọi người nên dùng thái độ bình tĩnh để đối phó, thực hiện các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn, chia sẻ những thông tin cần thiết và hữu ích cho cộng đồng thanh vì gieo rắc tâm lý lo lắng, hoảng loạn cho đám đông.

Dịch bệnh đáng sợ và lây lan rất nhanh nhưng nó không đáng sợ và lây lan nhanh bằng thứ virus sợ hãi, tâm lý hoang mang trong cộng đồng. Nên càng trong những lúc dịch bệnh bùng phát nguy hiểm nhất, mong rằng mỗi người sẽ là một thành trì vững chắc, giữ cho mình ý chí, tinh thần lạc quan để cùng chung tay vượt qua đại dịch.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

K.N