Tái xuất lừng lẫy của gia tộc họ Nguyễn sau án tru di

Tái xuất lừng lẫy của gia tộc họ Nguyễn sau án tru di

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Án chu di tam tộc đẩy gia tộc Nguyễn Trãi trước họa diệt vong, nhưng may mắn một số ít người trong gia tộc đã thoát khỏi được kiếp nạn này.

Mang họ mẹ để tránh họa tru di

Nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, bụi thời gian đã làm phai mờ đi những câu chuyện liên quan đến ký ức một thời chạy loạn của những người trong gia tộc Nguyễn Trãi. Cũng chính một thời loạn lạc nên có nhiều vấn đề xung quanh phả hệ của con cháu họ Nguyễn còn chưa được làm rõ.

Khi PV trực tiếp đi tìm hiểu những số phận may mắn trong gia tộc Nguyễn Trãi còn sống sót sau án chu di, điều vui mừng đến với chúng tôi là án oan Lệ Chi Viên không thể quật ngã được một gia tộc trâm anh thế phiệt. Khi gặp mặt trưởng tộc của hai chi họ lớn thuộc hậu duệ của Nguyễn Trãi (một ở đất Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội và chi họ Nguyễn đất Phù Khê, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh) chúng tôi nhận ra được một sự thật rằng: Aán oan Lệ Chi Viên dù có tàn khốc bao nhiêu cũng không thể quật ngã được dòng họ này.

Xã hội - Tái xuất lừng lẫy của gia tộc họ Nguyễn sau án tru di

Nhà thờ dòng họ Nguyễn đất Phù Khê

Cụ Thông, tộc trưởng chi tộc họ Nguyễn đất Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) kể lại: “Sau khi cả gia tộc của Nguyễn Trãi bị khép vào tội mưu phản và bị án chu di tam tộc. Người vợ thứ 4 của Nguyễn Trãi là bà Phạm Thị Mẫn, lúc đó đang mang bầu, được một người học trò của Nguyễn Trãi mang theo chạy trốn vào tận đất Thanh Chương, Nghệ An để lánh nạn.

Sau này, bà Phạm Thị Mẫn sinh ra được một người con trai. Tránh sự truy sát của nhà Lê, bà Mẫn đặt tên con mình là Phạm Anh Võ. Phạm Anh Võ lớn lên trong cảnh nghèo nhưng sớm nuôi chí học hành, đến 20 tuổi thì đỗ cử nhân và ra làm quan dưới triều Lê. Sau khi Lê Thánh Tông minh oan (1464) cho Nguyễn Trãi thì Anh Võ cải tên thành Phạm Nguyễn Anh Võ”. (Nhà thờ dòng họ Nguyễn tại đất Nhị Khê là do chính cụ Anh Võ xây dựng lại sau khi cả gia tộc bị án chu di. Hiện nay con cháu họ Nguyễn hàng năm vẫn về nhà thờ này để làm lễ tế tổ).

Cũng theo cụ Thông, dòng họ Nguyễn Trãi được như bây giờ, công lớn thuộc về cụ Anh Võ. Cụ sinh ra 6 người con trai, ai cũng thông minh hơn người. Sau án chu di, dòng họ Nguyễn Trãi bị tổn thất hết sức nặng nề, để phục dựng lại dòng họ của mình, cụ đã cho con cái của mình về lại các vùng đất gắn liền với gia tộc trước là hương hỏa cho tổ tiên, sau đó phục hưng lại dòng họ.

Để minh chứng, cụ Thông cho biết, cụ Anh Võ đã cử người con thứ hai là Nguyễn Đám về làng Nhị Khê, trông nom mồ mả tổ tiên. Cử người con thứ 5 của mình là Phúc Khánh về làng Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương, sau đổi là Nguyễn Quy (quay về). Cụ cũng cử người con thứ 6, Nguyễn Chân Phương về thôn Nỗ Vệ, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên trông nom hương hỏa cho dòng họ Phạm của mẹ.

Từ khi về đây, con cháu của Nguyễn Chân Phương cải thành họ Phạm đời đời hương hỏa cho họ mẹ. Đây là một cử chỉ tri ân của hậu duệ Nguyễn Trãi với tổ tiên họ Phạm đã sinh ra người con gái vượt qua bao khó khăn để gìn giữ giọt máu cho họ Nguyễn.

Theo thông tin từ cụ Chu, tộc trưởng chi tộc họ Nguyễn ở đất Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh, cụ tổ họ Nguyễn đất Phù Khê là con thứ 3 của cụ Nguyễn Trãi với bà vợ họ Trần, có tên là Hông Quỳ. Cụ Chu cho biết, sau khi gia tộc bị án chu di tam tộc, cụ Hồng Quỳ may mắn đã trốn được về vùng đất Nhị Khê lánh nạn (thời đó Phù Khê một vùng lau lách, thưa vắng người), mai danh ẩn tích, đến đời thứ năm mới dám cải thành họ Nguyễn. Để minh chứng cho lời nói của mình, cụ Thông đã trích lục gia phả dòng họ cho chúng tôi xem: “Bản tộc Lãi Hà Nội tỉnh, Nhị Khê xã, Khai quốc công thần Nguyễn tướng công quý Trãi, hiệu Ức Trai, ở xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội”.

Kể từ khi vụ án Lệ Chi Viên đến nay, con cháu thuộc hậu duệ của Nguyễn Trãi đã phát triển thành 12 chi tộc lớn, thời nào cũng sinh thành nhiều bậc anh hùng hào kiệt, trí thức yêu nước. Đó là một niềm tự hào lớn mà bất cứ dòng họ nào ở Việt Nam cũng mơ ước.

Dòng họ khoa bảng lừng danh

Khó có một từ ngữ nào có thể diễn tả hết được những đóng góp của con cháu hậu duệ Nguyễn Trãi với dân tộc. Tên tuổi của những người này gắn liền với những giai đoạn hào hùng của dân tộc. Chỉ cần trích lục ngắn gọn những tên tuổi con cháu của hai chi tộc họ Nguyễn đất Nhị Khê và đất Phù Khê cũng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ và thán phục. Sau khi được xem gia phả, chúng tôi thừa nhận rằng: Nếu xét trên khía cạnh tài hoa và yêu nước thì khó dòng họ nào sánh bằng với hậu duệ của Nguyễn Trãi.

Qua tìm hiểu và trò chuyện với cụ Thông và cụ Chu chúng tôi hiểu rằng, với con cháu hậu duệ của Nguyễn Trãi tài hoa và yêu nước gần như là mạch sống xuyên suốt chưa bao giờ ngừng chảy, nó như là thứ có thể được di truyền qua các đời kế tiếp nhau. Cụ Chu tự hào nói về dòng họ của mình: “Đời nào cũng vậy, trong họ luôn xuất hiện người tài năng, học thức lớn, và gắn sinh mệnh mình cùng với vận mệnh của đất nước”.

Cụ Thông (tộc trưởng, chi tộc họ Nguyễn, Nhị Khê) chia sẻ với chúng tôi về truyền thống của dòng họ mình. Theo cụ Thông, chỉ tính chi họ Nguyễn đất Nhị Khê, đến nay đã trải qua hơn 21 đời, dòng họ này đã nổi danh khoa bảng. Để minh chứng cho lời nói của mình, cụ trích lục theo văn bia của làng Nhị Khê cho chúng tôi xem. Theo văn bia của làng Nhị Khê, dòng họ Nguyễn có tới 9 người đậu tiến sĩ thời phong kiến. Đây là một con số mơ ước với bất kỳ dòng họ nào.

Cụ Thông cho biết, sau này nổi tiếng có Lương Văn Can và con là Lương Ngọc Quyến. Cụ Thông cũng khẳng định, thật khó để nhớ hết tên tuổi người trong họ đã thành danh qua các đời. Riêng chi họ Nguyễn ở Hưng Yên có 4 người đậu tiến sĩ thời phong kiến. Người được mọi người biết tới nhiều nhất là Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.

Trong các chi tộc, hậu duệ của Nguyễn Trãi nổi danh không chỉ có chi tộc họ Nguyễn ở Nhị Khê mà chi tộc ở Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh cũng xứng danh là danh gia vọng tộc. Chi họ này tính từ cụ tổ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Văn Cừ (đời thứ 17, nguyên Tổng bí thư của ĐCS VN), có tới 100 cụ đậu từ tú tài đến tiến sĩ thời phong kiến. Trong 100 người này có tới 10 người đậu tiến sĩ.

Cụ Chu cho biết, nhiều người con của dòng họ nhờ tài năng mà được giao những chức vụ quan trọng trong tổ chức bộ máy Nhà nước thời phong kiến. Theo đó, con cháu Nguyễn Trãi đất Phù Khê từng đảm nhận những chức quan như: Thừa Chánh Sư, Giám sát Ngự Sử (quan thanh tra giám sát), Hàn lâm Viện (soạn văn thư chiếu chỉ), Thị giám Đại học Sĩ, Khai quốc công thần Triều Nguyễn, QuốcTử Giám tư nghiệp (giáo sư dạy ở trường Quốc Tử Giám)...

Không chỉ nổi danh khoa bảng mà chi họ này còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước. Theo cụ Chu, từ khi Pháp sang xâm lược, con cháu trong chi họ Nguyễn đất Phù Khê đã đứng lên hưởng ứng tham gia nhiều phong trào yêu nước kế tiếp nhau qua các thời kỳ.

Trong phong trào Cần Vương, dòng họ Nguyễn có Nguyễn Trọng Đạo, Nguyễn Trọng Uyên, Nguyễn Trọng Long. Trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục có Nguyễn Trọng Châu, Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Lãng (đây là những chí sĩ cấp tiến, bản thân cụ Nguyễn Trọng Châu bị giặc Pháp đày đi đảo Wiam). Phong trào khởi nghĩa Yên Thế có Nguyễn Cán, Nguyễn Khán, Nguyễn Khắc Long (họ là những tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế). Đời kế tiếp là có Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, một trí thức yêu nước, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.

Đến bây giờ con cháu, hậu duệ của Nguyễn Trãi vẫn thể hiện được sự tài hoa, uyên bác hiếm có. Chỉ nhắc tới những cái tên như GS. Nguyễn Lương Bích, GS. Nguyễn Xuân Phách, GS. Nguyễn Đính, GS. Nguyễn Từ, hay những nghệ sĩ lừng danh như nhà văn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngọc, Nhạc sĩ Hải Thoại (cây ghita số 1 Việt Nam)... và nhiều tên tuổi khác trên nhiều lĩnh vực đủ minh chứng khẳng định đây là dòng họ tài hoa hiếm có.

Trinh Phúc