Ba ông lão cầm sổ đỏ để xây cầu từ thiện

Ba ông lão cầm sổ đỏ để xây cầu từ thiện

Thứ 5, 25/07/2013 | 13:43
0
Ba ông lão gần thất thập từ lâu đã trở thành những "kỹ sư" trong lòng dân chúng vì lòng thiện nguyện. Dù cả ba ông ít học nhưng những công trình cầu treo lại thể hiện sự tính toán cao siêu.

Đã có hàng trăm công trình đưa các ông lên làm bậc nhất xây cầu treo. Nhưng ít ai biết rằng có thời điểm họ đã phải đánh đổi bằng cả gia sản.

Những "kỹ sư hai lúa" bậc nhất xây cầu treo

Đến thời điểm này thì cái tên "Tam gia cầu treo" đã nổi tiếng khắp đất Nam kỳ vì tấm lòng thiện nguyện. Đi dọc bờ kênh hỏi ông Nguyễn Văn Hùng (tức Ba Hùng, SN 1949), ông Phạm Văn Liếu (tức Tư Liếu,  SN 1946, thuộc xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) hay ông Thạch Văn Nhơn (tức Ba Nhơn, SN 1945, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), không ai lại không biết. Sinh thời ba lão nông đều trong gia đình nghèo khổ. Trong thời điểm của các ông được sinh ra thì việc học cũng bị lơ là bởi miếng cơm manh áo. Cũng bởi vì thế mà các ông chẳng ai qua nổi lớp 5 trường làng.

Xã hội - Ba ông lão cầm sổ đỏ để xây cầu từ thiện

Ông Ba Hùng (trái) và ông Tư Liếu bên giải thưởng KOVA.

Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh 4 đứa trẻ đi học qua cầu khỉ bị rớt xuống sông, ba ông đã vắt óc suy nghĩ phải làm những cây cầu cho dân nghèo. Ông Tư Liếu quan niệm: "Mình có tâm huyết thì mình sẽ làm được. Hơn nữa, tôi với anh Ba Hùng từng có một thời gian làm cầu gỗ nên có kinh nghiệm. Mất một thời gian đi từ lớn đến nhỏ, chúng tôi đã xây được cầu treo với chất lượng tốt. Sau hai năm làm cầu treo, huyện cũng có tổ chức cho "tam gia" chúng tôi theo học một số khóa huấn luyện kỹ thuật thiết kế, tính toán xây cầu một cách khoa học".

Suốt mười mấy năm làm việc thiện "tam gia" đã không quản đường sá xa xôi, nhọc nhằn. Dù ở cái thời điểm các ông bắt đầu làm cầu treo thì người nào cũng sắp 60 tuổi nhưng nhiệt huyết vẫn tràn đầy. Chia sẻ với chúng tôi ông Ba Hùng cho hay: "Đọc báo, xem tin tức thời sự, quen biết... là các phương pháp chúng tôi tìm những nơi khó khăn để xây cầu. Không chỉ riêng miền Tây sông nước mà thậm chí nhiều vùng nghèo ở các địa phướng khác cũng khó khăn khi không có cầu.

Hơn mười năm, chúng tôi đi khắp các tỉnh từ Lâm Đồng cho đến mũi Cà Mau tỉnh nào cũng có cầu do chúng tôi làm. Như ở Lâm Đồng chúng tôi thực hiện các cây cầu Đạ Huoai, cầu bên huyện Đạ Tẻh, cầu Xóm Thái thuộc Đức Trọng. Các tỉnh ở miền Tây thì xây nhiều hơn do địa hình cũng như sự thuận tiện lưu thông. Chúng tôi cũng chỉ đi "săn đảo không cầu" bằng xe máy, có thời điểm đi và về 500km chỉ trong một ngày".

"Tam gia" luôn âm thầm với tấm lòng thiện nguyện. Chuyện các ông xây cầu từ thiện tự nhiên được dân chúng khắp vùng miền Nam biết tới, đặc biệt là dân nghèo. Tiếng lành đồn xa, dân mến dân tin và dân cũng mặc nhiên gọi ba ông là kỹ sư. Nhiều người biết nhiều về các ông thì gọi với cái tên nghe cũng vui vui "kỹ sư hai lúa". Ông Ba Nhơn khẳng định: "Chúng tôi làm với một tâm niệm ban đầu là "xóa cầu khỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long". Ở cái tuổi gần thất thập, giúp được dân, để lại tiếng thơm cho thế hệ sau noi gương là được rồi chứ không màng tới lợi danh. Cả ba chúng tôi đều xuất thân từ nhà Phật với tấm lòng thiện thì được dân chúng cổ vũ nên mới có cái tên ấy".

Với việc thấm nhuần câu nói của Bác Hồ "đại lộ là đại phú, tiểu lộ là tiểu phú" nên hơn 10 năm "tam gia" đã xây từ thiện được gần 300 cây cầu khắp miền Nam. Trong số đó có hơn 160 cây cầu là do dân vận động quyên góp kinh phí xây dựng. Số còn lại dựa vào sự vận động các nhà hảo tâm của "tam gia". Ông Ba Hùng cho hay: "Cho đến thời điểm này chúng tôi đã xây được những cây cầu cỡ lớn.

Kinh phí cho nó tính hàng chục tỷ đồng. Cây cầu có chiều dài nhất là cầu Rạch Ráng, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau với 220 mét, rộng hai đầu 6 mét, ở giữa rộng 3 mét. Chi phí cho chiếc cầu ấy lên đến 15,5 tỷ đồng. Nhưng so với tính toán của Nhà nước thì nó tiết kiệm được tới 40% tổng kinh phí dự kiến của các sở ban ngành. Chất lượng cầu thì được đo bằng thước đo của những cây cầu khác tồn tại hàng chục năm không hề hấn gì".

Xã hội - Ba ông lão cầm sổ đỏ để xây cầu từ thiện (Hình 2).

Cây cầu 15,5 tỷ được ba ông xây.

Cầm sổ đỏ vay tiền... xây cầu từ thiện

Nhiều công trình dư hàng tỷ đồng

Ông Ba Nhơn cho biết: "Hầu như cây cầu nào chúng tôi làm cũng có dư so với dự kiến kinh phí của các nhà thầu khác. Có những công trình dư hàng tỷ đồng như: Cầu Rạch Ráng ở Cà Mau hay gần đây nhất là cây cầu Xóm Thái, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cây cầu Xóm Thái này rộng 2 mét, dài 150 mét được Thiền Viện Vĩnh Minh, Đức Trọng tài trợ. Dự kiến của các nhà thầu, chuyên gia thì cây cầu này tốn 4,5 tỷ, nhưng khi chúng tôi làm xong nó chỉ mất 1,5 tỷ".

Đã có "kỹ sư" thiết kế là ông Tư Liếu với những bản vẽ, bản tính. Còn "kỹ sư" thi công với dàn máy móc đầy đủ là ông Ba Hùng. Tuy nhiên dường như để trọn vẹn vẫn cần một vai trò nào đó nữa. Để giải quyết vấn đề này ông Ba Hùng cho hay: "Năm 2000, cô Chủ tịch thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang có mời chúng tôi về làm cây cầu Vàm Kênh. Trong những buổi thi công đầu thì ông Ba Nhơn xin vào làm. Chúng tôi khá là bỡ ngỡ vì sự mạnh dạn của anh Ba Nhơn. Khi ấy anh Tư Liếu mới kéo tôi ra xa nói: "Anh Ba ơi, cái gì cần tranh cãi thì cũng phải có ba người thì mới có người đưa ra quyết định được. Vậy nhận anh ấy đi". Nói thế là chúng tôi đồng ý nhận anh Ba Nhơn vào đội. Và anh Ba Nhơn cũng là người phụ trách về vận động sự quyên góp của người dân, các tổ chức tài trợ ở nhiều nơi cho việc xây cầu từ thiện".

Để làm được những cây cầu từ thiện, nhiều thời điểm ba ông đã đánh đổi cả gia sản của mình để có kinh phí xây cầu. Ông Ba Nhơn cười xuề xòa cho hay: "Ngay từ những ngày đầu tiên tham gia tôi đã chứng kiến bao khó khăn vất vả của đội chúng tôi. Năm 2000, chúng tôi xây cầu Vàm Kênh ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang đã gặp trở ngại. Vì mới hoạt động nên chúng tôi chưa được chính quyền địa phương tin tưởng vận động vốn. Khi ấy cửa hàng vật liệu lại không tin tưởng, ngay cả khi nhờ chính quyền tới bảo đảm họ cũng không tin. Bí quá chúng tôi cầm cố sổ đỏ nhà đất để có vốn làm cầu. Sau đó chúng tôi mới tìm đến các lòng hảo tâm, sự quyên góp của mọi người. Cũng may dân chúng khắp vùng đều hỗ trợ. Về sau này làm ở một số nơi chúng tôi cũng làm điều tương tự".

Trong buổi đầu đến vùng đất Tây Nguyên theo tiếng gọi từ tâm lại không hề thuận lợi với "tam gia". Ông Ba Nhơn kể lại trong nỗi buồn mênh mang: "Đọc báo nên chúng tôi biết được mùa lũ năm 2006 có tới 6 đứa trẻ đi học chết đuối khi qua sông ở khu vực huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng vì không có cầu. Theo một vài đơn vị hảo tâm, chúng tôi mạnh dạn đến khu vực này xem xét trình phương án xây dựng cầu với lãnh đạo địa phương. Khi chúng tôi bắt đầu thực hiện thì lãnh đạo địa phương vẫn chưa tin tưởng nên đã không câu điện cho chúng tôi. Thất vọng ê chề, ngay lúc ấy các đơn vị hảo tâm cùng người dân quê tôi và người dân Đạ Huoai đã dám đứng ra để bảo lãnh việc xây cầu ấy. Chúng tôi mắc điện ở nhà dân và làm hoàn thiện cây cầu trong niềm vui khôn tả của người dân vùng ấy".

Cứ mỗi lần đi đến một vùng miền nào đó xây cầu, sau buổi khánh thành các ông lại nhận được những tấm bằng khen của huyện, tỉnh ấy. Lâu dần số bằng khen, giấy khen ấy đã không còn đếm được. Ông Tư Liếu cho biết: "Cái giải thưởng mà ba anh em chúng tôi cho là cao quý nhất có thể nói là giải thưởng KOVA. Giải thưởng này chúng tôi nhận được năm 2010, là giải thưởng về Khoa học công nghệ ứng dụng. Đó là một vinh dự lớn cho anh em chúng tôi vì giải thưởng được trao ở Hà Nội. Trước đó tôi cứ nghĩ là mình làm âm thầm, chủ yếu lại ở trong miền Nam thì làm sao có nhiều người biết. Nhưng thật không ngờ, ngay khi nhận giải chúng tôi nhận được rất nhiều sự tán thưởng của mọi người".                 

Lo từ A đến Z

Ông Tư Liếu cho hay: "Chúng tôi kiếm nguồn từ thiện nước ngoài như: Mỹ, Úc, Canada... Ở trong nước thì có các nhà từ thiện ở TP.HCM, rồi các tỉnh khác trong cả nước. Từ việc xây cầu từ thiện, chúng tôi được một số trung tâm ở TP.HCM gọi đến trao đổi và tài trợ. Bên cạnh đó hội Phật pháp cũng hỗ trợ rất nhiều. Chúng tôi trình phương án và họ giải quyết tiền bạc, nói chung nếu cần chúng tôi lo từ A đến Z, dân không phải lo gì".

Hoàng Minh

Tỷ phú Buffett tặng từ thiện gần 3 tỉ USD

Thứ 3, 09/07/2013 | 16:46
Tỷ phú nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett sẽ tặng năm cơ sở từ thiện một lượng cổ phiếu trị giá lên đến hơn 2,6 tỉ USD của tập đoàn đầu tư Berkshine Hathaway (Mỹ), như một phần trong kế hoạch dần cho hết tài sản của mình, tờ USA Today (Mỹ) đưa tin hôm 8/7.

Chuyện cảm động của những 'giang hồ cộm cán' nấu cháo từ thiện

Thứ 3, 25/06/2013 | 13:56
"Bát cháo cũng không nhiều nhặn gì, cũng không giúp các bác ấy khỏi được căn bệnh ung thư nhưng nó là tấm lòng của chúng tôi. Tôi mong rằng, trong thời gian chữa bệnh các bác được ăn thức ăn sạch và giúp giảm đi phần nào chi phí. Ở Hà Nội này có cái gì rẻ đâu...", một người từng là dân "anh chị" nay hoàn lương về nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân ung thư tâm sự.

Nở rộ các 'lò' luyện thi đại học cấp tốc 'làm từ thiện'

Thứ 4, 12/06/2013 | 20:24
Với tâm lý luyện thi phải lên thành phố mới hy vọng đỗ điểm cao, nhiều sĩ tử đang theo lịch học dày đặc từ sáng đến tối và kín mít tất cả các ngày trong tuần tại các "lò" luyện thi giữa trung tâm Thủ đô.

Bất ngờ chuyện đánh bà lão ăn xin tại trung tâm từ thiện

Thứ 6, 17/05/2013 | 08:24
Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Hòa được cho là đã dùng gậy đánh bà Cúc tím tay, mông chỉ vì nghi bà cụ lấy trộm tiền của người khác.