“Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu”

Cẩm Mịch

Là một giáo viên Ngữ văn dễ xúc động với những rung cảm nhẹ nhàng, người phụ nữ ấy đã chấp bút nên “Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu”, thay lời nhắn nhủ và “tiếp lửa” giữa cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Nguồn cảm hứng “tiếp lửa”

Giữa lúc cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu bước vào “thời điểm vàng”, “mặt trận” tinh thần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để “tiếp lửa” cho những người chiến sĩ trực tiếp đương đầu nơi tuyến đầu “nóng bỏng”, và sẻ chia cùng những người mẹ, người vợ nơi hậu phương, cùng vững tâm, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cô giáo tại Đắk Nông đã chấp bút nên một bài thơ cảm động.

Bài thơ “Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu” được cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen (SN 1981, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) sáng tác trong một tối cuối tháng 3. Ngay lập tức, bài thơ nhận được “cơn mưa lời khen” từ cộng đồng mạng, với hàng nghìn lượt chia sẻ, lan tỏa rầm rộ trên mạng xã hội, bởi đã “thay lời muốn nói” một cách tinh tế.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng tạo nên bài thơ đầy cảm động ấy, cô giáo Kim Sen cho biết: “Tôi đã gắn bó với ngôi trường này từ năm 2003, tình cảm với các chị em đồng nghiệp chẳng khác nào một gia đình. Ở trường, có nhiều cô giáo cũng là vợ của các chiến sĩ. Gần hai tháng qua, chồng của họ phải túc trực thực hiện nhiệm vụ để chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Đó cũng là gần hai tháng trời ngập tràn nỗi nhớ… Các cô ấy hay tâm sự về nỗi nhớ chồng da diết, đằng đẵng rồi mấy đứa trẻ thì luôn miệng nhắc bố… nhưng vì nhiệm vụ chung của Tổ quốc, vì sứ mệnh trên vai, nên ai cũng đoàn kết một lòng sẵn sàng đương đầu… Tôi thấy mà thương lắm!”.

“Học trò của tôi cũng có nhiều bạn là lính, mùa dịch này lâu lâu tôi lại hỏi thăm, thấy các em ấy cũng vất vả nhiều nên càng hiểu thêm về người lính và những mong mỏi của người thân, gia đình…”, cô tiết lộ thêm.

Thấu hiểu nỗi vất vả của những người lính đang “căng mình” trực chiến, chung tay phòng chống dịch bệnh và đồng cảm cùng những người vợ nơi hậu phương, cô giáo Kim Sen chia sẻ, đã mượn lời người vợ lính để thể hiện tình cảm một cách dễ dàng hơn.

Nữ giáo viên bộc bạch: “Từ tận đáy lòng, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đến các anh bộ đội Cụ Hồ, muốn chia sẻ cùng những người vợ, người mẹ đang xa con, xa chồng trong những tháng ngày đằng đẵng này.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, ai cũng sợ hiểm nguy cho tính mạng nhưng có những người vì nhiệm vụ mà sẵn sàng hy sinh vì tất cả chúng ta. Điều đó thật đáng quý biết bao!

Tôi hy vọng, các chiến sĩ có thật nhiều sức khỏe, vững vàng nơi chiến tuyến để quyết thắng trong trận này. Tôi cũng mong các gia đình chiến sĩ luôn bền bỉ, tiếp sức về tinh thần để các chiến sĩ của chúng ta yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Rơi nước mắt thương người lính nơi tuyến đầu

Bài thơ “Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu” đã khiến hàng nghìn độc giả xúc động, nhưng ít ai biết, bản thân tác giả cũng đã từng không nén nổi xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh, nghe những câu chuyện về người lính trong “cuộc chiến” này.

“Tôi thật sự thấy thương các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, mỗi lần nhìn thấy hình ảnh của họ khi chăm sóc những người cách ly hay khi họ kiểm soát đường mòn đều khiến tôi dễ dàng xúc động đến rơi nước mắt”, cô Kim Sen tâm sự.

Nữ giáo viên kể, cô có một học trò làm truyền thông, đưa tin bên Tỉnh đội Đắk Nông, mỗi lần thấy cậu học trò đưa tin về đồng đội, cô ngay lập tức hay hỏi han, lắng nghe những chia sẻ, cập nhật về “cuộc chiến”…

Một lần, cô Sen nghe được những chia sẻ về câu chuyện một chiến sĩ bị kiệt sức, ngất xỉu khi chăm sóc người cách ly, nhưng những người được đưa về đó cách ly lại vẫn tỏ ra chưa hài lòng… Câu chuyện đó khiến cô thực sự nhói lòng.

“Tình thương mến dành cho những chiến sĩ đang đương đầu trực chiến thì đã có từ lâu, bắt đầu từ đầu mùa dịch, nhưng ý thơ đến với tôi rất nhanh. Tôi đã trăn trở phải viết một bài thơ để ca ngợi sự hy sinh của các chiến sĩ.

Buổi tối hôm đó, đang nằm nghĩ thì cảm xúc ùa về, tôi vội ngồi bật dậy, cảm xúc dâng trào nên viết liền một mạch xong bài thơ”, cô giáo Ngữ văn bồi hồi nhớ lại.

Bài thơ được cộng đồng mạng chia sẻ như một nguồn động lực gửi đến các chiến sĩ, hy vọng những người lính nơi tuyến đầu luôn vững vàng, yên tâm làm tròn trách nhiệm với đất nước... Đây giống như một bức tâm thư đồng điệu mà cô giáo Kim Sen thay mặt hậu phương bộc lộ.

Được biết, trước khi viết bài thơ “Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu”, cô Sen đã sáng tác bài “Những anh hùng áo trắng” để bày tỏ lòng biết ơn đến các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên trong ngành y tế đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau đó, cô cũng viết bài thơ “Bếp củi của mẹ”, một lần nữa, nhắn nhủ niềm tin yêu của hậu phương gửi ra tiền tuyến.

“Tâm sự của người vợ lính
ở tuyến đầu”

Hai tháng rồi phải không anh?

Hai tháng rồi, anh chưa về thăm mẹ

Căn nhà nhỏ gió lùa khe khẽ

Mẹ nhớ anh nhiều

Cứ ngơ ngẩn vào ra.

Bữa cơm cuối tuần thiếu vắng bóng cha

Con cứ hỏi em: Ba khi nào về hả mẹ?

Câu nói hồn nhiên rõ là con trẻ

Mẹ lại buồn gạt nước mắt thật nhanh.

Chống dịch trận này vất vả lắm phải không anh?

Kiểm soát đường mòn

Tăng cường chốt chặn

Phòng độc khử trùng

Chăm sóc người nhập cảnh

Anh ở tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh.

Cái giá nào phải trả cho yên bình?

Chiều nay em nhận tin đồng đội anh kiệt sức

Những bữa cơm rừng

Những đêm ngủ đất

Biên giới xa nhà, xa mẹ xa cha.

Nhưng em biết Đất Việt của chúng ta

Bộ đội Cụ Hồ là niềm tin tất thắng

Nhìn các anh, dân mình yên tâm lắm

Trận chiến này mình quyết thắng nghe anh!

Kiều bào ta nhập cảnh trở về

Hẳn sẽ có người này người nọ

Kẻ đòi hỏi, người chê bai, kỳ thị

Anh cũng đừng buồn đừng giận nghe anh

Bởi trở về trong ngàn vạn con người

Cũng chỉ có một vài người như thế

Dân Việt mình bao dung và tử tế

Họ sẽ hiểu thôi, mình chẳng phải nói nhiều.

Người Việt mình thương mến biết bao nhiêu

Giữa bão giông tình người bất biến

Họ sẽ hiểu và quay đầu hướng thiện

Nên anh đừng buồn đừng giận nghe anh!

Anh cứ yên tâm, nhà mình vẫn yên lành

Em chăm sóc mẹ già và con trẻ

Chỉ nhớ anh thôi nhưng sẽ là nỗi nhớ

Anh dũng kiên trinh của vợ lính ở tuyến đầu.

Đắk Mil, ngày 29/3/2020.

C.M