Tăng mức trần thù lao cho luật sư

Tăng mức trần thù lao cho luật sư

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:33
0
Mức thù lao đóng vai trò rất quan trọng để quyết định “chất lượng” dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp, nhưng không dễ xác định được “mức thù lao hợp lý” trong bối cảnh nền kinh tế và nhận thức xã hội về dịch vụ pháp lý như hiện nay.

“Co kéo” thỏa thuận về thù lao

Vốn là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, mức thù lao cho luật sư khi cung cấp các dịch vụ pháp lý đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số khiếu nại của khách hàng đối với luật sư. Theo điều 55 Luật Luật sư, căn cứ tính thù lao cho luật sư là nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; thời gian và công sức của luật sư được sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; và kinh nghiệm, uy tín của luật sư, còn phương thức tính thù lao là theo giờ làm việc của luật sư; theo vụ, việc với mức thù lao trọn gói; theo vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; theo hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.

Với qui định chung của Luật và qui định mức trần thù lao luật sư theo Nghị định 28/2007/NĐ-CP là 100.000 đồng/giờ cho luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự và thù lao và chi phí là 120.000 đồng/ngày làm việc cho luật sư khi tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, vướng mắc nằm ở chỗ, khi thỏa thuận thù lao, luật sư và khách hành còn chịu tác động của những yếu tố khác như địa bàn hành nghề của luật sư, kết quả công việc… và thậm chí là chi phí “bôi trơn” để “mở các cánh cửa” cho việc giải quyết vụ, việc.

Ngoài ra, cũng phải kể đến “niềm tin” của khách hàng đối với luật sư và tâm lý “càng ít tốn kém càng tốt” của đa số khách hàng khi yêu cầu dịch vụ pháp lý.

Thế nên luật sư và khách hàng vẫn tốn rất nhiều thời gian để đi đến thỏa thuận về mức thù lao “hai bên cùng chấp nhận được” khi cung cấp và nhận các dịch vụ pháp lý, nhất là đối với khách hàng cá nhân cho các vụ, việc cụ thể. Đã không ít thỏa thuận cung cấp dịch vụ pháp lý bị “đổ bể” chỉ vì luật sư thường muốn thanh toán thù lao theo giờ làm việc thì khách hàng lại thích phương thức thanh toán trọn gói để kiểm soát được chi phí cho tiến trình giải quyết vụ, việc của mình.

Linh hoạt mức thù lao

Trong khi mức thù lao theo giờ của luật sư tại các chi nhánh hãng luật nước ngoài tại Việt Nam xê dịch trong khoảng từ 250-450 USD/giờ. Đối với các luật sư Việt Nam ở các hãng luật trong nước, mức này trong khoảng 100-250 USD/giờ thì mức trần thù lao cho luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự hiện mới là 100.000 đồng/giờ chưa thực sự làm “thỏa mãn” lực lượng cung cấp dịch vụ pháp lý cho xã hội.

Nhiều luật sư vẫn phàn nàn vì mức thù lao “quá bèo” so với công sức mà họ đầu tư cho mỗi vụ, việc, nhất là trong bối cảnh “làm gì, đến đâu cũng phải có tiền” và nhiều qui định pháp luật “áp dụng theo kiểu nào cũng được” tùy thuộc vào “thiện chí” của chủ thể thực hiện.

Luật sư - Tăng mức trần thù lao cho luật sư
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chủ trì Hội nghị

Phục vụ cho việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, dự kiến qui định về mức trần thu lao cho luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự sẽ được tăng lên 200.000 đồng/giờ cho phù hợp với thực tế.

Việc đề xuất tăng giá trần mức thu lao như vậy dẫu có ý nghĩa khích lệ rất lớn, như một sự thay đổi trong việc nhìn nhận về vai trò dịch vụ pháp lý của luật sư, song  việc qui định một mức trần “cứng” là 200.000 đồng/giờ cũng chưa thể tính hết được sự “hợp lý” trong những chi phí và công sức của luật sư khi thực hiện một dịch vụ pháp lý và sẽ nhanh chóng lạc hậu với sự phát triển và biến động của nền kinh tế hiện nay.

Mức thù lao hợp lý sẽ giúp tăng chất lượng dịch vụ pháp lý bởi đã có câu “tiền nào của đấy”. Không thể đòi hỏi những dịch vụ “5 sao” khi chi phí chỉ ở mức bình dân, nhất là dịch vụ pháp lý là dịch vụ ở tầm “thượng tầng”.

Nên chăng, việc qui định mức trần thù lao đối với luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự nên qui định theo tỷ lệ phần trăm so với mức lương tối thiểu hoặc qui định như đề xuất sửa đổi qui định thù lao và chi phí cho luật sư khi tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng là “thực hiện theo hướng dẫn của Bộ tài chính” để tạo sự linh hoạt trong cơ chế áp dụng.

Linh hoạt việc xác định mức thù lao cho luật sư cũng là tạo điều kiện cho các dịch vụ pháp lý có “đất” phát triển trên cơ sở khả năng của luật sư (người cung cấp dịch vụ), nhu cầu của khách hàng (người yêu cầu dịch vụ) và ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế - xã hội.

Mức thù lao của luật sư (theo qui định tại Nghị định 28/2007/NĐ-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư) dự kiến sẽ là một trong những nội dung được sửa đổi và qui định trong Nghị định mới qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư) đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành vào tháng 5 tới. Sáng qua (22/2), Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị định mới đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính – Trưởng ban soạn thảo.

Theo Phapluatvn.vn

Luật sư và tiền thù lao, làm sao để không 'mua danh ba vạn'?

Thứ 6, 15/02/2013 | 14:38
Bài viết này đúng vào dịp Tết Nguyên Đán năm Quý Tỵ (2013). Trước cảnh lòng người phơi phới chào đón Chúa Xuân, cung nghinh hương hồn tiền nhân về vui xuân, giới luật sư cũng nên suy ngẫm về nghề nghiệp mà chúng ta lựa chọn và cống hiến cho đời.

Luật sư nói về chữ 'Tâm', chữ 'Nhẫn' trong nghề

Thứ 4, 20/02/2013 | 10:23
Sau 10 năm tôi mới có thời gian để nhìn lại mình, chia sẻ với các bạn những niềm vui, nỗi buồn và sự trăn trở về cuộc sống và nghề luật.