Cẩm Mịch

Khi nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm tất niên, đang rộn ràng câu chúc tân Xuân, vẫn có những người lính biên phòng vững đôi chân giữa miền sơn cước, chắc tay súng bảo vệ sự bình yên cho mỗi gia đình trên dải đất hình chữ S được vui Xuân đón Tết.

Men theo con đường uốn lượn như dải lụa, bồng bềnh giữa màn sương mờ ảo những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi tìm đến đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên). Nắng cuối Đông ươm vàng óng ả trên từng nhánh cây, nhen lên những nụ cười trong đáy mắt những chiến sĩ mang quân hàm xanh ở miền biên viễn.

Bây giờ đã là những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021. Những cánh đào rừng bắt đầu điểm xuyết trên những chồi non mơn mởn. Bà con dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu (Mường Nhé) đang quây quần đón Tết cổ truyền sớm. Còn các chiến sĩ biên phòng vẫn bền bỉ gánh vác sứ mệnh trên đôi vai. Với các cán bộ, chiến sĩ, trực và đón Tết tại đơn vị là niềm tự hào vì được góp một phần công sức chung vào mùa Xuân lớn của đất nước.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trung (SN 1992) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Dương nhưng đã gắn bó với núi đồi của mảnh đất Điện Biên này được gần 8 năm. Do đặc thù công việc nên có năm, tôi được về quê ăn Tết với gia đình, có năm thì ở lại trực tại đơn vị. Hồi đầu mới đặt chân lên đây, tôi cũng còn nhiều bỡ ngỡ của một chàng thanh niên, khi thấy xung quanh mình toàn đồi núi heo hút… Sau rồi ở mãi cũng thành quen.

Lính biên phòng chúng tôi thì gắn bó với rừng, với núi, xa nhà vì nhiệm vụ nên chuyện ở lại trực Tết cũng không còn là điều quá xa lạ. Tất nhiên, cũng có chút gợn buồn trong lòng, bởi ngày Tết là lúc sum họp gia đình, mà mình lại ở xa như thế. Giao thừa, cả nhà quây quần, xúm xít mà mình thì không thể ở bên. Nhưng buồn chỉ thoảng chút rồi vụt tan… Năm nào cũng vậy, đơn vị thường tổ chức gói bánh chưng trước gần một tuần rồi đến ngày 30 Tết thì tổ chức ăn tất niên sớm hơn một chút để đảm bảo lịch trực. Một vài chiến sĩ còn có gia đình lên thăm và cùng ăn Tết sớm, lúc đó, gia đình của một chiến sĩ lại trở thành gia đình chung của cả đơn vị”.

Càng gần đến Tết, không khí càng tất bật hơn thường lệ. Bên cạnh việc đảm bảo công tác tuần tra, canh gác, cán bộ, chiến sĩ nơi đây cũng bắt tay sơn sửa, trang trí đơn vị, gói bánh chưng, chuẩn bị cơm tất niên, bày mâm ngũ quả... để cùng đón một cái Tết cổ truyền gần gũi và đầm ấm.

Thời khắc Giao thừa thiêng liêng, đồn Biên phòng A Pa Chải vẫn thực hiện nghiêm lịch trực, tuần tra. Những cán bộ, chiến sĩ không phải ca trực sẽ cùng nhau nghe thư chúc mừng năm mới, nâng chén rượu men lá rừng chúc nhau một năm mới dồi dào sức khỏe, lao động sản xuất giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một vài đại diện bà con trong bản cũng sẽ chung vui trong thời khắc ý nghĩa ấy. Trước đó, khi người Hà Nhì đón Tết cổ truyền vào giữa tháng Mười hai Dương lịch, các cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng A Pa Chải hòa mình để thắt chặt tình quân dân nơi cực Tây của Tổ quốc.

Mỗi năm vào thời khắc chuyển giao đất trời, nhà nhà sum họp, vừa ngắm những vầng pháo hoa rực rỡ vừa cùng ôn lại chuyện năm cũ và chúc nhau những điều may mắn trong năm mới. Nhưng, giữa bạt ngàn rừng núi, những người lính biên phòng vốn quanh năm gắn bó với mảnh đất cực Tây, chỉ có thể đón Tết bên những người đồng đội và bà con dân bản. Đối với họ, khoảnh khắc ở bên những người thân vào dịp Tết trở nên thật hiếm hoi, quý giá. Mỗi chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi biên cương Tổ quốc luôn tâm niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Hơn 8 năm gắn bó với mảnh đất Sín Thầu, Thượng úy Chang Khò Chừ (Đội trưởng đội Trinh sát, đồn Biên phòng A Pa Chải) cũng có những cung bậc cảm xúc khác nhau qua từng cái Tết. Mặc dù là người bản địa, nhưng lại lập gia đình ở Hòa Bình, nên anh cũng khó tìm được một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa.

Nhắc đến đây, giọng anh có chút ngậm ngùi: “Năm vừa rồi, tôi ở lại đơn vị trực Tết. Đến khi ra Giêng, khi ban Chỉ huy tạo điều kiện cho về thăm gia đình thì lại đúng thời điểm bùng phát dịch Covid-19, cả đơn vị lại gấp rút xoay vào nhiệm vụ.

Ðồn Biên phòng A Pa Chải quản lý hai tuyến biên giới: Việt Nam - Lào; Việt Nam - Trung Quốc dài 40,5 km, gồm 16 mốc quốc giới thuộc xã Sín Thầu, nên tình hình xuất nhập cảnh của công dân trong giai đoạn này khá phức tạp. Những người lính biên phòng chúng tôi phải kiểm soát chặt chẽ để không có “kẽ hở” đáng tiếc nào…

Vậy là phải đợi đến tận tháng 9/2020, khi tình hình dịch cũng đã “hạ nhiệt”, tôi mới được trở về thăm gia đình. Gần như nguyên một năm chẳng được gặp vợ con, nhớ lắm! Vì tôi là người gốc ở đây nên năm nào cũng ở lại trực Tết để tạo điều kiện cho các đồng chí dưới xuôi có cơ hội về sum họp với gia đình”.

“Những ngày đầu tiên, vợ tôi cũng hay gọi điện hỏi: “Mọi người về rồi, sao anh chưa về?”, tôi chỉ biết bảo vợ thông cảm: “Vì anh còn nhiệm vụ…”. Năm nay, tôi dự định cho vợ con lên đơn vị ăn Tết trước mấy ngày rồi lại về, đi lâu quá, con trai lớn lúc gặp bố còn ngại ngùng vì đã quen xa bố “trường kỳ””, anh nhớ lại.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn - Đồn trưởng đồn Biên phòng A Pa Chải - cho biết: “Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cán bộ, chiến sĩ không về thăm gia đình được dù có phép nghỉ. Nhiều đồng chí dù gia đình có việc nhưng vẫn ở lại để tham gia kiểm soát “cửa ngõ” Tây Bắc. Cũng giống như trực Tết, đó là sứ mệnh, là nhiệm vụ thiêng liêng. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ ở lại trực tết, được cùng đồng đội và bà con dân bản đón mừng năm mới, không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào, dù xa gia đình nhưng vẫn thật đầm ấm, nghĩa tình”.

Thời khắc Giao thừa đang dịch chuyển ngày một gần hơn, mùa Xuân của người lính biên phòng cũng trở nên rộn ràng hơn. Xuân của người lính mang quân hàm xanh là sự hi sinh thầm lặng, là những dấu chân tuần tra trên tuyến biên giới để bảo vệ sự bình yên cho mọi người, mọi nhà.


“Chiến sĩ ở đây chủ yếu ở dưới xuôi lên nhận nhiệm vụ. Vì đường sá xa xôi nên chúng tôi cũng tính toán kỹ lưỡng để thời gian nghỉ phép được về với gia đình nhiều nhất. Chúng tôi xa nhà nhiều, hiếm khi được đón Tết tại quê hương nên hậu phương đôi khi phải chủ động lên thăm. Có năm, vợ tôi đưa các con lên đơn vị để cả gia đình cùng ăn Tết quây quần với nhau. Nhưng cũng chỉ vỏn vẹn được mấy ngày là lại phải trở về”

Thiếu tá Trần Bá Liêm - Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng A Pa Chải

C.M