Tết rộn ràng ở tộc người mê múa hát

Tết rộn ràng ở tộc người mê múa hát

Thứ 2, 11/02/2013 | 11:31
0
Khơ Mú là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở vùng Tây Bắc Việt Nam và là dân tộc không có chữ viết. Do đó tất cả những điệu múa, câu hát và những phong tục văn hóa truyền lại cho con cháu đều từ hình thức truyền miệng.

Dân ca, dân vũ truyền miệng

Người Khơ Mú bao đời nay sống bằng canh tác nương rẫy hay còn gọi là Xá ăn lửa. Tức phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nhưng đời sống tinh thần của họ lại vô cùng phong phú. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng là dân ca, dân vũ. Nó được các nhà văn hóa đánh giá là một thành tố không thể thiếu trong kho tàng dân ca, dân vũ Việt Nam. Bởi nó phản ánh một cách sâu sắc nhất cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp của người Khơ Mú, đồng thời qua đó thể hiện sức mạnh gắn kết cộng đồng trong quá trình chinh phục và làm chủ thiên nhiên của người Khơ Mú.

Nhắc đến dân ca của người Khơ Mú là nhắc đến những điệu hát Tơm. Mỗi làn điệu đều mang một hơi thở, một tâm hồn và phản ánh chân thực nhất đời sống tinh thần của họ. Với hát Tơm, nó được ví như những làn điệu dân ca của người Kinh, mang đậm chất sử thi, trữ tình, lúc du dương, êm ái, tình tứ; lúc thì lại rộn ràng, nhộn nhịp. Ngày hôm đó, tôi được nghe trực tiếp, đầy đủ những điệu hát Tơm sâu lắng và trữ tình nhất của người Khơ Mú: Khi mừng đám cưới có Tơm Đường Kmun; khi làm nhà có Tơm Ơ Grang Mỵ; trai, gái đi nương, đi rừng hay dự ngày vui bản làng có Tơm Cản Chơ. Tơm Muôn (tức Tơm mùa xuân) được thể hiện theo kiểu đối đáp, hai người và hát cả một tập thể. Những lời trong hát Tơm cũng mộc mạc, ý nhị chân thật như chính con người Khơ Mú vậy.

Bởi vậy, những câu hát Tơm đều được sử dụng trong  các dịp vui của gia đình, bản làng người Khơ Mú, nhất là khi đón mùa xuân về. Những điệu hát Tơm được truyền lại cho con cháu sau này bằng hình thức truyền khẩu. Ngoài hát Tơm, người Khơ Mú có hát Cưn Trơ, chuyên dùng trong những lúc đi nương, đi rẫy và hát Kơ Le, được ví như hát đồng dao của người Kinh.

Lạ & Cười - Tết rộn ràng ở tộc người mê múa hát

Những cô gái Khơ Mú duyên dáng trong những làn điệu dân vũ của dân tộc mình

Người Khơ Mú rất thích xòe, múa và thổi các loại sáo, các nhạc cụ bằng tre, nứa tự tạo. Họ đặc biệt yêu thích thổi kèn môi. Bởi vậy nếu dân ca là những câu hát trữ tình sâu lắng, ý nhị thì dân vũ là những động tác mô phỏng lao động, sinh hoạt. Với người Khơ Mú, dân vũ được coi là một công cụ giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ con cháu. Bởi khi múa người Khơ Mú thấy được sự tự tin, yêu đời và qua đó, chúng ta thấy được cách thức họ đối diện với cuộc sống. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh các cụ già 80, 90 tuổi trong bản hào hứng, hăng say múa những điệu múa với động tác như lắc mông, chụm tay…

Và, những ngày vui của dân bản

Nguyễn Văn Quý,  cán bộ văn phòng huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nói với chúng tôi: "Sáng mai anh em mình vào bản người Khơ Mú nhé. Tại ngày vui của dân bản, chúng ta sẽ hiểu được đời sống tinh thần và văn hóa truyền thống của dân tộc này". Qua bao sương gió, mây mù, chúng tôi đến được bản người Khơ Mú thuộc xã Nghĩa Sơn. Con đường đất đỏ dẫn vào bản hôm nay nhộn nhịp khác thường. Giữa cái tiết trời lạnh đến thấu da thịt, cộng với mưa mà các bà, các mẹ người thì cầm ô, thậm chí cả trống gậy đến hát dân ca, nhảy dân vũ, chơi các trò chơi… Trên khuôn mặt ai cũng vui mừng, hớn hở. Nói đến ngày vui của người Khơ Mú, nó thường là vào dịp mừng mùa màng bội thu, về nhà mới, mùa xuân, trong các lễ hội cầu mùa hay dịp lễ, Tết… Có những ngày vui của đồng bào Khơ Mú khá đặc biệt và có thể nói cũng rất hiếm gặp đối với người miền xuôi. Mọi người trong bản đều được tập trung lại ở quả đồi sau UBND xã Nghĩa Sơn, từ những người già nhất trong bản (hơn 90 tuổi) cho đến các em bé mẹ vẫn ẵm bồng trên tay. Quả đồi này là địa điểm cao nhất trong làng. Từ đây có thể nhìn rõ cảnh non nước trời mây và toàn cảnh bản làng Khơ Mú.

Có thể nói đây cũng là một cái duyên, một dịp may cho chúng tôi khi vào bản làng Khơ Mú đúng vào những ngày này. Với sự tinh tế trong bản sắc dân tộc cùng với bản ngã không bị pha tạp, lai căng khi sinh sống và giao thoa văn hóa với các dân tộc khác, người Khơ Mú đã gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của mình rất tốt, dù rằng họ không có chữ viết. Chính vì cách thức bảo tồn văn hóa của dân tộc mình tốt mà UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng một lộ trình để bảo vệ, giữ gìn cũng như phát triển dân ca, dân vũ của người Khơ Mú. Đây là một niềm vui lớn với người Khơ Mú, đặc biệt khi họ không có chữ viết, việc truyền dạy cho con cháu sau này rất khó khăn. Thì giờ đây, người Khơ Mú có thể tự hào vì những điệu múa, câu hát của dân tộc mình được đưa vào kho tàng những giá trị văn hóa cần được bảo tồn của tỉnh. Bởi vậy trong ngày vui hôm đó, tôi được tận mắt chứng kiến tất cả những điệu múa, câu hát đặc trưng nhất, tinh tế nhất do chính những nghệ nhân cao tuổi nhất của bản làng biểu diễn và cả những lớp trẻ kế cận.

"Bà em gần 90 tuổi rồi nhưng những lúc bà hát, em rất thích nghe. Những lúc ngồi nấu cơm, nghe bà hát, em thường nói, bà ơi, bà dạy cháu hát thử mấy bài hát dân tộc mình với", em Vì Thị Uyên (SN 1991) chia sẻ. Em Uyên cho biết thêm, phải dùng trí nhớ để nhớ từng câu hát (vì không có chữ viết) và phải có người dịch ra nữa nên phải rất lâu, rất kiên trì mới hát được chọn vẹn một bài hát của dân tộc mình. Nếu hát được thì phải có giọng thật tốt vì những câu hát phải kéo thật dài. Nhưng Uyên vẫn thể hiện quyết tâm sẽ cố gắng học, để mai sau, hát ru cho con: "Vì nghe mẹ hát ru em trai, em thích lắm!”.

"Dân vũ hay gọi là múa, tuy cũng hơi mệt đấy nhưng được đi múa bà vui lắm cháu à. Được múa là thấy mình  trẻ lại nhiều lắm", bà Mèo Thị Beo, năm nay đã 85 tuổi nói. Bà Beo cho biết: "Tôi đã múa những điệu này từ lúc 15 tuổi và được đi hát, múa ở khắp trong bản, ngoài xã. Bản có ngày vui nào, tôi không bị ốm, thì tôi đều đi múa, hát. Đã là người Khơ Mú, thì ngay từ nhỏ, ai cũng biết múa và hát, cháu à" - bà Beo tâm sự. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bà Beo là một trong số ít các nghệ nhân còn lại múa đẹp nhất của bản làng. Tuy đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng các động tác múa của bà vẫn rất nhẹ nhàng, uyển chuyển mà lớp trẻ chưa chắc đã múa được theo. Trong những điệu múa chúng tôi được chứng kiến ngày hôm đó, chúng tôi ấn tượng nhất ở động tác lắc hông rất đẹp và rất tinh tế của bà. Đây là động tác trong điệu múa Cá lượn (Viêng ver guông) rất đặc trưng của người Khơ Mú. Nó thể hiện cho hình ảnh con cá bơi. Chính là sự tung tăng yêu đời của người Khơ Mú.

Theo các cụ kể lại, ngày xưa khi đi bắt cá, ngồi ngắm nhìn những con cá bơi đi bơi lại, sau đó người Khơ Mú về hình dung ra những động tác đuôi cá, vây cá chuyển động và sáng tác ra điệu múa, đặt tên là cá lượn. Tuy múa không được đẹp như thời con gái, vì hông đã hơi cứng rồi nhưng điệu múa của các bà vẫn tạo nên sự thanh thoát, khiến cho những ai chứng kiến có cảm giác người Khơ Mú  sống chân thành và yêu đời... Ngoài ra, còn có những điệu như: Múa đuổi chim (Tẹ Kam Đặt Sim); múa cầu mùa (Te grơ); múa mừng nhà mới; múa tăng bu; múa tra hạt…

Với tính tự tôn dân tộc trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống cùng sự tinh tế, ý nhị, sâu lắng và lòng nhiệt huyết của những con người như cụ bà 85 tuổi Mèo Thị Beo hay cô bé mới 21 tuổi Vì Thị Uyên, dân tộc Khơ Mú có quyền tự hào về những bản sắc riêng của mình. Và, chắc chắn, nó sẽ không bị mai một. Nó sẽ được truyền lại nguyên vẹn cho thế hệ con cháu của họ. Kho tàng dân ca, dân vũ Việt Nam lại có thêm những sắc màu hy vọng cho việc giữ gìn những văn hóa truyền thống Việt.                          

Quỳnh Chi - Vũ Ninh

Khắp châu Á rộn ràng đón Tết

Thứ 4, 06/02/2013 | 10:13
Tạii nhiều quốc gia ở châu Á, người dân đang háo hức chờ đón một năm mới đang đến gần.

Làng đào Nhật Tân rộn ràng đón Tết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Trong những ngày này, khi không khí chuẩn bị Tết đang nhộn nhịp khắp nơi, làng đào Nhật Tân một trong những vùng trồng hoa nổi tiếng của Hà Nội luôn tấp nập người qua lại.

Nhiếp ảnh gia nước ngoài kể chuyện Tết Việt xưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
(Nguoidatin.vn) Những nhiếp ảnh gia của Corbis đã ghi lại những khoảnh khắc đón Tết cổ truyền của người Việt khắp nơi trên đất nước Việt Nam từ những năm 19941995.

Tết cổ truyền trong mắt các hotboy làng mẫu Việt

Thứ 6, 08/02/2013 | 13:04
Bận rộn với công việc những ngày giáp Tết nên những anh chàng hotboy làng mẫu Việt thường bị gán mác là hời hợt trước không khí Tết. Tuy nhiên, trong họ vẫn rung lên những cảm xúc thiêng liêng nhất trong ngày xuân về.

Tết nơi chung cư không chồng

Thứ 4, 30/01/2013 | 10:07
Chung cư mới xây khang trang ấy là nơi cư ngụ của 144 hộ gia đình, 144 người mẹ đơn thân. Ở đó, các chị hiếm khi đón Tết, mà chỉ vui trong những ngày cận Tết khi tự tay làm mâm cơm tất niên hay dè sẻn từng đồng để sắm cho con bộ quần áo mới.