Thắng Nga đơn giản: Hãy giao quyền "thống lĩnh" NATO cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Thắng Nga đơn giản: Hãy giao quyền "thống lĩnh" NATO cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 19/02/2021 18:55

Để áp chế ảnh hưởng của Nga, NATO nên trao cho Thổ Nhĩ Kỳ vai trò thống lĩnh lực lượng ở Biển Đen. Hơn tất cả, chính Ankara cũng lo ngại ảnh hưởng của Moscow.

Tiêu điểm - Thắng Nga đơn giản: Hãy giao quyền 'thống lĩnh' NATO cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Tàu NATO tập trận ở Biển Đen.

Khi nói đến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO, ngày nay Ankara được coi là một vấn đề nhiều hơn là một đồng minh.

Không chỉ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga mà “ngoại giao pháo hạm” của nước này ở phía Đông Địa Trung Hải cũng làm dấy lên bóng ma xung đột quân sự giữa các thành viên NATO.

Tuy nhiên, có một khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể có ích cho các nỗ lực của NATO trong đối đầu với Nga. Đó là Biển Đen.

Kể từ khi sáp nhập vào năm 2014, bán đảo Crimea đã trở thành một pháo đài quân sự của Nga. Moscow đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của mình tại một khu vực mà Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là bệ phóng sức mạnh vào Địa Trung Hải.

Nga hiện có khí tài đầy đủ với việc được tăng cường các tàu nổi và tàu ngầm mới được trang bị hệ thống tên lửa Kalibr mạnh mẽ, đủ sức áp đảo bất kỳ liên minh nào trong vùng biển.

Không dừng lại ở đó, vào năm 2021, quân đội Nga sẽ thêm gần 3.500 thiết bị mới và 2/3 ngân sách quân sự sẽ dành cho việc mua vũ khí và nâng cấp. Điều này bao gồm hệ thống giám sát bề mặt tự động chiến lược mới nhất của Bộ Quốc phòng ở Biển Đen.

Sự hiện diện của Mỹ và chiến lược mới của Thổ Nhĩ Kỳ

Đáp lại, hải quân Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đen. Trong hai tuần qua, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook và USS Porter, cùng với tàu tiếp nhiên liệu USNS Laramie đã tiến vào Biển Đen trong lần triển khai lớn nhất kể từ năm 2017.

Cả hai tàu khu trục đều được trang bị tên lửa hành trình Raytheon Tomahawk, mang đến hỏa lực lớn cho đấu trường Biển Đen. Sự xuất hiện của hải quân Mỹ là một màn phô trương lực lượng không thể chối cãi, thể hiện rằng Mỹ có thể hoạt động trên địa bàn rộng và không cần sự trợ giúp của các đồng minh trong khu vực.

Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đen được đánh giá là điều quan trọng để kiểm tra kế hoạch của Nga, nhưng một chiến lược hiệu quả hơn sẽ đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp từ các đồng minh trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Gönül Tol từ Viện Trung Đông nhận định.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và đặc biệt là với Mỹ đã trở nên phức tạp trong thời gian qua. Bỏ qua những cảnh báo từ NATO và mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, nhận lô hàng đầu tiên vào giữa năm 2019.

Nhưng, bất chấp mối quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng tăng với Moscow, Ankara cũng không kém phần lo lắng về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đang có lợi thế.

Trong một lời kêu gọi năm 2016 với các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mô tả Biển Đen đã trở thành một “hồ nước của Nga” và kêu gọi sự hiện diện lớn hơn của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một chiến lược đa hướng để chống lại ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen. Một yếu tố quan trọng của chiến lược đó là trên sân nhà, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường lực lượng hải quân của mình.

Một dự án gọi là MILGEM đã được khởi động, cùng với đó là đóng mới các tàu hải quân trong nước, bao gồm cả các tàu hộ tống lớp ADA.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xây dựng khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Để chống lại chiến lược tương tự của Nga ở Biển Đen, nước này cũng đặt mua 4 khinh hạm mới.

Cân bằng với Nga

Tiêu điểm - Thắng Nga đơn giản: Hãy giao quyền 'thống lĩnh' NATO cho Thổ Nhĩ Kỳ? (Hình 2).

Sức mạnh của Nga ở Biển Đen đang khiến NATO lo ngại.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thực hiện các bước trên mặt trận chính sách đối ngoại, tăng cường hợp tác với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan. Ankara coi các nước này là công cụ trong nỗ lực cân bằng sự hiện diện quân sự của Nga ở Biển Đen và Nam Caucasus.

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine đã mở rộng đáng kể. Năm ngoái, chính quyền Erdogan công bố gói viện trợ quân sự trị giá 36 triệu USD cho Ukraine.

Hai nước nhất trí hợp tác thiết kế và chế tạo động cơ máy bay, radar, máy bay không người lái, các hệ thống dẫn đường, đồng thời cân nhắc hợp tác trong các dự án công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như hệ thống tên lửa đạn đạo.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch bán các tàu của mình cho Ukraine như một phần của thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn, mà nếu thành hiện thực, có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đen.

Bên cạnh hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, các lực lượng hải quân Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên kết đào tạo ở Biển Đen để hoạt động "phù hợp với tiêu chuẩn của NATO".

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đầu tư vào việc củng cố hệ thống phòng thủ của Gruzia, một quốc gia Biển Đen khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã phân bổ hàng triệu USD cho Bộ Quốc phòng Gruzia để cải tổ hậu cần quân sự của nước này và chuyển giao năng lực quốc phòng cho nước láng giềng đông bắc, đồng thời ủng hộ việc gia hạn tư cách thành viên NATO cho Gruzia, một động thái mà Nga phản đối.

Hợp tác quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan cũng đang phát triển, thể hiện rõ nét trong cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh vào cuối năm ngoái, khi Ankara hỗ trợ quân sự cho Baku.

Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại cho Azerbaijan một lợi thế to lớn trong cuộc xung đột. Xuất khẩu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sang Azerbaijan đã tăng gấp 6 lần vào năm 2020, trong đó Azerbaijan đã đứng đầu danh sách các nước mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9.

Kế hoạch của NATO ở Biển Đen

Để áp chế ảnh hưởng của Nga, NATO nên hỗ trợ những nỗ lực trên của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Gönül Tol nêu quan điểm. Thổ Nhĩ Kỳ có thể được giao vai trò quốc gia dẫn dắt ở Biển Đen và các thành viên nhỏ hơn có thể tích hợp các khả năng hạn chế hơn của mình vào một cơ cấu tổ chức do Ankara cung cấp.

Theo gương các sứ mệnh khác của NATO ở Baltic hoặc Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò điều phối để thu hút các đồng minh NATO khác sẵn sàng tham gia và hỗ trợ.

Mặc dù sự phát triển của một đơn vị đa quốc gia như vậy sẽ đòi hỏi một nỗ lực ngoại giao bền vững, nhưng một khi hoạt động, nó sẽ tăng cường khả năng răn đe của NATO trong khu vực chiến lược đã trở thành bàn đạp để Nga phóng sức mạnh từ Gruzia tới Syria và Libya.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.