Thanh Hóa: Thực hiện nhiều biện pháp khôi phục ngành du lịch

Thanh Hóa: Thực hiện nhiều biện pháp khôi phục ngành du lịch

Nguyễn Hữu Phương

Nguyễn Hữu Phương

Thứ 3, 28/12/2021 07:00

Tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần từng bước thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Thách thức và cơ hội ngành du lịch Thanh Hóa

Trong 2 năm 2020-2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài. Trong đó, ngành du lịch là một trong số những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng trong thời gian tới khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, dự đoán nhu cầu du lịch sẽ tăng nhanh.

“Lượng khách du lịch bị giảm sút nhiều từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh. Hầu như các cơ sở như chúng tôi phải hoạt động cầm chừng và tận dụng khoảng thời gian này để đào tạo, cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, lượng khách đang dần được cải thiện và phục hồi, vào các thời điểm cuối tuần, cơ sở của tôi đã gần như đã được khách đặt kín phòng”, anh Nguyễn Văn Quang, chủ cơ sở CASA Puluong resort (Khu du lịch Puluong, huyện Bá Thước) chia sẻ.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Thực hiện nhiều biện pháp khôi phục ngành du lịch

Hình ảnh kỳ vĩ của Puluong nhìn từ bể bơi CASA Puluong.

Cũng theo anh Quang, với quan điểm là doanh nghiệp hoạt động trong nghành du lịch, để thúc đẩy phát triển du lịch sau dịch Covid-19, ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp, việc đa dạng hóa các loại hình du lịch cũng nên được chính quyền địa phương chú trọng phát triển.

“Là người kinh doanh nhiều năm trong ngành du lịch, tôi thấy ngoài các khoản "cứu trợ" về vốn để các đơn vị khôi phục hoạt động kinh doanh, việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cần được địa phương quan tâm. Có như vậy mới có thể níu chân được du khách ở lại lâu hơn, không bị cảm giác nhàm chán. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng cần được tiến hành đồng bộ”, anh Quang chia sẻ thêm.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Thực hiện nhiều biện pháp khôi phục ngành du lịch (Hình 2).

Du lịch sinh thái được kỳ vọng sẽ thu hút khách nước ngoài tới với Thanh Hóa.

Theo ông Trương Văn Minh, Trưởng phòng Văn Hóa - Thông tin huyện Bá Thước, trong thời gian gần đây, tình hình du lịch tại địa phương đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tốt, tuy lượng khách nước ngoài vẫn còn ít nhưng khách nội địa đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Đồng thời, chính quyền địa phương thời gian qua cũng luôn đồng hành tiếp thu, chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp. Từ đó, tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch địa phương, xây dựng môi trường du lịch văn minh, giữ gìn bản sắc riêng là điểm điểm hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Trao đổi với Người Đưa tin, ông Trần Đình Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, các doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất. Hai năm qua, nhiều cơ sở phục vụ ngành du lịch đóng cửa, dẫn tới xuống cấp cơ sở vật chất, nhiều lao động hoạt động trong ngành đã tìm kiếm công việc mới.

Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần sự quan tâm của chính phủ để có cơ chế chính sách thiết thực như hỗ trợ các đơn vị hoạt động trong ngành về vốn vay ưu đãi khôi phục kinh doanh, khoanh nợ và giảm thuế... cũng như tổ chức các sự kiện, kết nối du lịch giữa các địa phương và du khách.

Ông Sơn cho rằng, cơ hội và kỳ vọng về sự phục hồi, phát triển của ngành du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới là rất lớn khi nhu cầu hưởng thụ cuộc sống thông qua hoạt động du lịch của người dân hiện nay là xu hướng.

"Khi dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn trong thời gian tới nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng cao. Du lịch hiện đã là một "món ăn tinh thần" không thể thiếu của nhiều người dân trong thời đại ngày nay. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người dân cảm thấy bí bách và cần khoảng lặng nên mong mỏi có được chuyến đi để giải tỏa để bắt đầu giai đoạn mới. Vì vậy, tôi nghĩ nhu cầu du lịch trong 2 năm tới sẽ phục hồi và phát triển, tuy nhiên, sự hỗ trợ quan tâm của chính phủ đối với các đơn vị, doanh nghiệp ngành du lịch sẽ mang yếu tố quyết định cho sự phục hồi này", ông Sơn nêu quan điểm. 

Nhiều giải pháp để phục hồi du lịch

Theo thống kê, dịch bệnh Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch đến Thanh Hóa giảm sâu. Cụ thể, trong năm 2020 và 2021, lượng khách trong cơ sở lưu trú giảm 39%, doanh thu giảm 38,7% so với mức trung bình các năm giai đoạn 2015-2019 trước khi dịch bùng phát. Trong đó, công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 25-30%/năm, thiệt hại về doanh thu dịch vụ lưu trú ước tính khoảng 4.700 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ăn uống khoảng 6.350 tỷ đồng và doanh thu từ mua sắm, vui chơi, giải trí khoảng hơn 3.200 tỷ đồng. Đồng thời, có khoảng 15.000 lao động hoạt động trong ngành du lịch tạm thời nghỉ không lương, giảm giờ làm hoặc thay phiên nhau trực và 25.000 lao động bị mất việc.

Trong kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã đề ra nhiều biện pháp nhằm phục hồi phát triển ngành du lịch Thanh Hóa sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, ưu tiên tứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá và phát triển du lịch thông minh. Tích cực tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch trong và ngoài tỉnh. Trong đó có thực hiện thí điểm ứng dụng số hóa với tính năng dẫn đường và chỉ dẫn hiện vật cho khách tham quan tại các điểm bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường. 

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Thực hiện nhiều biện pháp khôi phục ngành du lịch (Hình 3).

Trung tâm điều hành đô thị thông minh Tp.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tổ chức quán triệt, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và toàn dân tham gia hoạt động du lịch thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng bộ các quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa và phục hồi ngành du lịch an toàn. 

Trên cơ sở tình hình thực tế, hướng dẫn kiểm tra, công nhận các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch “Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19” và được phép đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông danh sách các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được công nhận bảo đảm an toàn đón tiếp, phục vụ khách, xây dựng và công bố các “Tuyến du lịch xanh” để thu hút khách.

Khuyến khích các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nâng mức đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đặc sắc, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường. Tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, trao đổi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, định hướng liên kết, duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Về nhân lực, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh định hướng cho các doanh nghiệp du lịch làm tốt công tác đào tạo tại chỗ và cơ cấu lại bộ máy tổ chức hiệu quả, đảm bảo nguồn nhân lực sau dịch Covid-19.

Ngoài ra, đối với các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án lớn về du lịch. Đây chính là các sản phẩm du lịch mới giúp đa dạng, khắc phục du lịch một mùa để trở thành du lịch bốn mùa.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Thực hiện nhiều biện pháp khôi phục ngành du lịch (Hình 4).

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp cần đảm bảo du lịch an toàn, bền vững và tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục quán triệt, đảm bảo tuyệt đối an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, nhanh chóng ban hành Bộ tiêu chí an toàn đối khách du lịch, các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, các doanh nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này, tuy nhiên, phía Sở luôn sát sao, đồng hành, nắm bắt khó khăn của các đơn vị để có những biện pháp cụ thể nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch trong những năm tới.

"Trong Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi đã nêu những giải pháp cụ thể để khôi phục và phát triển ngành du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn tới. Cũng trong 2 năm vừa qua, tuy dịch Covid-19 hoành hành gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch, nhưng Thanh Hóa vẫn thu hút rất nhiều các tập đoàn lớn trong ngành du lịch về đầu tư và khởi công như Sun Group, Flamengo, BRG, T&T... điều đó phần nào cho thấy kỳ vọng đối với du lịch Thanh Hóa và dự đoán nhu cầu của du khách sau dịch Covid-19 sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, cũng do yếu tố dịch bệnh cho nên dự kiến trong năm 2022 du lịch Thanh Hóa sẽ chỉ phục hồi và nhiều khả năng sẽ bùng nổ trong năm 2023", bà Yến đánh giá và dự đoán về triển vọng ngành du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới. 

Việt Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.