Tháp Chàm “đơn độc” giữa rừng Tây Nguyên

Tháp Chàm “đơn độc” giữa rừng Tây Nguyên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể lí giải được một cách chính xác vì sao trên mảnh đất Tây Nguyên lại có thể tồn tại một tháp Chàm cổ kính vốn là "đặc sản" kiến trúc của người Chăm thường chỉ bắt gặp ở vùng Nam Trung Bộ.

Đi tìm "Báu vật rừng xanh"

Từ lâu, tôi đã được biết đến vẻ đẹp mê hồn của những tháp Chàm cổ kính, một "đặc sản" kiến trúc độc đáo của người Champa. Cũng như bao người say mê nghệ thuật kiến trúc, tôi vẫn đinh ninh ở Việt Nam, kiểu đền tháp này chỉ có thể bắt gặp ở vùng Nam Trung Bộ. Bởi vậy, khi được nghe kể về một ngọn tháp Chàm đặc biệt được tìm thấy giữa Tây Nguyên, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng và vội vã lên đường đi tìm câu trả lời cho sự ngờ vực của chính mình.

Tháp Chàm Yang Prong nằm ẩn mình trong một khu rừng rậm thuộc xã Ea Rốc, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 120 cây số. Đường từ trung tâm thành phố đến huyện Ea Súp trải nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang lại vắng người qua lại nhưng tôi phải "bò" gần 3 tiếng đồng hồ mới đến vì còn mải ngắm những cảnh đẹp mê hồn hai bên đường. Sau khi băng qua những khu rừng già trải dài bất tận, những đồi café, cao su trùng trùng điệp điệp, trước mắt tôi là một thung lũng rộng lớn đầy màu xanh với những cánh đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay.

Ea Súp là huyện có địa hình bằng phẳng khác hẳn các nơi khác trong vùng, lại có khí hậu thuận lợi cho nên người dân ở đây thay vì trồng cây công nghiệp đã phát triển mạnh cây lúa với 3 vụ mùa trong năm. Theo cánh tay chỉ đường của những người nông dân đang phơi thóc, tôi tìm đến tháp Chàm Yang Prong chẳng mấy khó khăn.

Rừng già Ea Súp khiến tôi không tránh khỏi cảm giác bị choáng ngợp bởi những cây cổ thụ to cao sừng sững, cành lá đan vào nhau như những bàn tay khổng lồ che dấu bên trong những bí mật không ngờ. Nhưng giữa "hàng rào" được đan bởi những gốc cây hàng vài trăm năm tuổi tưởng như không có đường vào ấy, cả khu rừng bất ngờ tõe ra làm đôi, để ngỏ một lối đi kéo dài đến tận chân tháp. Trong phút chốc, tháp Chàm hiện ra trước mắt tôi với một vẻ đẹp hút hồn vừa quen vừa lạ không thể diễn tả hết bằng lời. Đến lúc ấy, tôi mới thực sự tin rằng có một tháp Chàm Yang Prong đang tồn tại giữa đại ngàn Tây Nguyên chứ không phải là vùng đất Nam Trung Bộ mặn mòi gió biển.

Ngọn tháp này quá đặc biệt bởi nó là tháp Chàm duy nhất không được xây dựng trên những đỉnh đồi cao hay những vách núi dựng đứng ngập tràn nắng gió mà lại ẩn mình dưới bóng rừng già Ea Súp như một nàng thơ yểu điệu soi bóng xuống dòng Ea H'leo hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây giống như một thiên đường với vẻ đẹp yên bình của một dòng sông đầy ắp cá tôm, quanh năm không bao giờ cạn nước và một khu rừng 4 mùa tươi tốt tràn ngập tiếng chim muông. Trong không gian ấy, tháp Chàm Yang Prong như một báu vật linh thiêng của rừng, nơi thần linh ngự trị.

Xã hội - Tháp Chàm “đơn độc” giữa rừng Tây Nguyên

Toàn cảnh tháp chàm Yang Prong

Nằm lọt giữa rừng già, những cây cổ thụ bao quanh tháp vô tình tạo thành một đường tròn màu xanh kỳ diệu. Vòng tròn ấy hút ánh sáng vào khoảng không ở giữa khiến cho Yang Prong càng thêm lấp lánh như chính nó đang tỏa ra một cột sáng thần kỳ lan tỏa khắp không gian.

Nhìn tổng thể, tháp cao khoảng 9m, hình búp hoa nổi lên trên giữa một khu nền hình vuông, mỗi chiều rộng 5m. Toàn bộ tòa tháp cổ được xây bằng gạch nung đỏ, không hề có dấu hiệu của mạch vữa, chỉ có một cửa ra vào duy nhất ở mặt phương đông hướng về phía mặt trời mọc. 3 mặt còn lại là những cửa giả. Xung quanh tháp được lát bằng gạch và đá xanh với những đường vân mềm mại ánh lên một thứ màu xưa cũ như muốn trường tồn với thời gian. Trên đỉnh tháp, cây cối mọc um tùm. Những búi rễ cây ngoằn nghèo thò ra tứ phía, rủ xuống như những con rắn đang quấn riết lấy nhau một cách đầy ma quái. Trong không gian tĩnh mịch đến rợn người của rừng sâu, tôi lấy hết can đảm, thận trọng nhích từng bước qua cánh cổng duy nhất rộng chừng 1m để tiến vào bên trong tháp. Nhưng vừa chạm đến bóng tối bên trong, một cảm giác sợ hãi khiến tôi hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài. Vừa hay lúc đó có một đám trẻ vào rừng kiếm củi vô tình đi ngang, tôi liền rủ các em cùng vào trong với mình.

Nghe tiếng bọn trẻ trò chuyện với nhau, tôi đoán là người Gia Rai, một trong những dân tộc thiểu số chủ yếu trong vùng. Dưới ánh sáng mờ ảo bên trong tháp, tôi nhận ra một tấm gương lớn phủ lụa đỏ gợi cảm giác thần bí với bao điều bí mật, ngoài ra không có gì khác. Bỗng dưng, tôi nghe tiếng bọn trẻ vỗ tay bồm bộp, liền sau đó là vô số những bóng đen rào rào bay ra khiến tôi giật mình, bật ra một tiếng kêu hoảng hốt. Hóa ra đó là lũ dơi vẫn thường trú ẩn trên đỉnh tháp thấy động nên bỏ chạy tán loạn.

“Cô độc” giữa rừng già

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, tháp chàm Yang Prong được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, tương ứng với triều đại vua Champa lúc đó là Jaya Sinhavarman III. Tháp Chăm đương nhiên do người Chăm xây dựng nhưng về những sự kiện lịch sử gắn với việc xây dựng tháp thì chưa ai tìm ra câu trả lời chính xác và xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau. Và sự biến mất hoàn toàn của người Chăm ở Tây Nguyên cũng đã đặt ra cho giới nghiên cứu nhiều câu hỏi hóc búa khiến họ mải miết tìm kiếm hàng trăm năm qua mà vẫn chưa có đáp án nào thỏa đáng.

Ra khỏi khu rừng, tôi lân la bắt chuyện với một nhóm nông dân đang túm tụm bên ấm trà xanh trên một bãi cỏ ven đường. Nghe tôi hỏi về cái tên Yang Prong, một người già nhất trong nhóm tên Y Baly kể rằng, không biết cái tên ấy có từ bao giờ. Nhưng theo tiếng Ê Đê, nó có nghĩa là thần lớn, vị thần tối cao. Với những gì tôi được biết trước khi đặt chân đến nơi này thì tháp được xây dựng bởi nhà vua Chăm Pa lúc đó là Jaya Sinhavarman III (tức Chế Mân, chồng của công chúa Huyền Trân) từ thế kỷ XVIII. Và cái tên Yang Prong với nghĩa là thần lớn, vị thần tối cao hẳn là gắn với tên tuổi của vị vua này hoặc tên của những vị thần trong tín ngưỡng của người Champa. Nhưng những người dân trong vùng lại không hề biết và dường như cũng chẳng quan tâm đến nguồn gốc của ngôi tháp cổ này. Họ chỉ biết đây là một vị thần lớn, linh thiêng, cần được thờ phụng. Và trong phút ngẫu hứng, già Y Baly đã kể cho tôi nghe một truyền thuyết liên quan đến ngọn tháp cổ vẫn còn lưu truyền trong dân gian.

Chuyện kể rằng có hai vợ chồng nhà kia sinh sống trong vùng. Một ngày kia, người vợ đến kỳ sinh nở, người chồng liền chạy đi tìm bà đỡ. Khi bà đỡ bắt tay vào việc thì bỗng nhiên trên không trung xuất hiện một cánh diều. Tiếng sáo diều réo rắt, véo von làm chim rừng thôi hót, cây lá thôi xào xạc. Bà đỡ bị tiếng sáo diều mê hoặc, quên bẵng việc mình đang làm. Vì thế em bé vừa ra khỏi bụng mẹ đã vĩnh viễn không thể cất tiếng khóc chào đời và người mẹ trẻ cũng tức tưởi chết theo con. Người chồng mải nghe tiếng sáo, khi giật mình tỉnh lại, thấy cảnh tượng hãi hùng thì tức giận cầm gươm chém đứt đầu bà đỡ. Xác của 3 người chết oan nằm kề bên nhau dưới chân tháp Yang Prong.

Ít lâu sau, tại nơi này có vô số cây lớn mọc lên tạo thành rừng già Ea Súp. Thương cảm trước cái chết thương tâm của 3 mạng người vô tội, dân làng từ khắp nơi đổ về khấn vái. Rượu cúng của họ nhiều đến nỗi chảy lênh láng thành dòng sông Ea H'leo uốn lượn quanh rừng. Ở xã Ea Rốc bây giờ vẫn còn một cái ao gọi là ao Bã Rượu. Một vài người dân sống gần khu rừng còn quả quyết rằng, đêm đêm vẫn nghe thấy những âm thanh kỳ lạ phát ra từ phía ngôi tháp cổ. Nằm tách biệt hẳn với hệ thống kiến trúc tháp cổ Champa tập trung ở Nam Trung Bộ, tháp Chàm Yang Prong còn được gọi là tháp Chàm rừng xanh, như một "thành viên" bị bỏ rơi, đơn độc trong cái lạnh lẽo của rừng già.

Dù cho tháp Chàm Yang Prong thờ thần Shinva hay bất cứ vị thần nào khác thì đây vẫn là một di tích kiến trúc, văn hóa cổ với những giá trị nghệ thuật độc đáo cần được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Sự hiện diện của tháp chàm Yang Prong trên mảnh đất Tây Nguyên là một hiện tượng kỳ lạ hé mở nhiều vấn đề lịch sử cần được nghiên cứu, tìm hiểu.

Dương Dung