Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo

Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo

Thứ 5, 20/04/2017 | 10:23
0
Khi học trò bắt đầu đi ngủ cũng là lúc thầy cô tại trường THCS Tân Dân (Hòa Bình) gấp lại trang giáo án, xuống lòng sông Đà đánh vật với sóng nước, nhặt nhạnh tôm cá, cải thiện bữa ăn cho học sinh.

Trường THCS Tân Dân (Mai Châu, Hòa Bình) thành lập từ năm 2007 và được biết đến là ngôi trường heo hút nằm sâu trong vùng núi non hiểm trở. Học sinh của trường chủ yếu là con em dân tộc thiểu số. Đường từ nhà tới trung tâm thị trấn quá xa nên hầu như lương thực, thực phẩm đều do người dân “tự cung, tự cấp”.

Bữa ăn nội trú của học trò trường THCS Tân Dân vì thế cũng không có gì ngoài mấy cọng rau rừng, ít mắm muối. Thỉnh thoảng, bữa cơm mới có quả trứng hay con cá để cải thiện. Thương học trò, giáo viên trong trường đã tìm mua lại của người dân chiếc vó cũ. Đêm đêm, họ gác giáo án, sách bút lại, ra sông làm “ngư phủ”, bắt cá nuôi học trò.

Chiếc vó được thiết kế rộng khoảng 20m vuông, trung tâm vó được nối một sợi dây thừng to bằng ngón chân cái vào hệ thống quay tời. Phía xung quanh được kết thành bè bởi những cây luồng. Ấy vậy mà suốt 6 năm qua, đều chằn chặn, đêm nào các thầy cô cũng 2 lần xuống sông Đà đánh cá bằng thứ công cụ thô sơ này.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo

 Trường THCS Tân Dân nằm heo hút giữa núi non hiểm trở.

Khoảng 22 giờ đến 23 giờ, khi các em học sinh đã chìm vào giấc ngủ, họ ra sông kéo vó. Sau thời gian vật lộn với sóng nước, họ tranh thủ về trường ngủ vài ba tiếng, rồi lại có mặt trên bè vó từ sớm tinh mơ.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo (Hình 2).

 Miệt mài hàng đêm để các em học sinh có bữa cá cải thiện.

Khoác trên người chiếc áo gió cũ kĩ, 2 thầy giáo cật lực quay kéo chiếc tời dưới ánh đèn lờ mờ của bóng đèn sợi đốt. Vừa kéo, các thầy vừa nói: “Để cá vào vó, phía trên bè phải thắp một bóng đèn. Ánh sáng của đèn điện giữa đêm trên sông chính là “mồi câu” dụ cá”.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo (Hình 3).

 Xúc cá đánh được từ lưới cho vào chiếc giỏ nhỏ.

Nhờ những mẻ cá tôm được các thầy cô đánh bắt bằng công cụ thô sơ thâu đêm suốt sáng, các học sinh nội trú có được bữa ăn thêm tí đạm, tí rau... Với những đứa trẻ, đó có lẽ là những bữa cơm đầy đủ, dinh dưỡng và hạnh phúc nhất.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo (Hình 4).

 Kéo lưới và kiểm tra tráng cá.

Ngoài việc bắt cá cải thiện bữa ăn cho học sinh, tập thể thầy cô trường Tân Dân còn nghĩ ra ý tưởng cấp heo cho gia đình học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Thầy Phùng Bá Thanh - giáo viên dạy môn Mỹ thuật, quê Phú Thọ, cho biết: “Không phải bạn nào cũng được cấp heo. Phải là những bạn học giỏi, gia đình và bản thân chịu khó làm việc.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo (Hình 5).

 Chèo thuyền ra hồ đánh cá.

Tại trường THCS Tân Dân, học sinh đầu tiên được nhà trường hỗ trợ nuôi cặp heo là em Đinh Văn An - học sinh lớp 9”.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo (Hình 6).

 Chuẩn bị dụng cụ kéo lưới.

Đáng nói, khi những con heo đó sinh nở, nhà trường sẽ tiếp tục lấy 2 con trong đàn để hỗ trợ cho các em khác, cứ thế nhân rộng. Còn lại, heo hỗ trợ ban đầu sẽ hoàn toàn thuộc về gia đình em An và các bạn được tặng heo.

Xã hội - Thầy cô hóa thành ‘ngư phủ’, bắt cá, tặng heo nuôi trò nghèo (Hình 7).

 Các thầy chuẩn bị đèn để đánh cá đêm.

Thầy cô trường Tân Dân vừa dạy chữ vừa thay bậc cha mẹ chăm lo, che chở cho các em trong cuộc sống thường nhật. Hiếm thấy ở đâu, tình thầy trò lại gần gũi, đong đầy… đến vậy.

Chúng tôi trở về xuôi sau một đêm trải nghiệm thú vị trên sóng Đà giang, trong đầu nhớ mãi câu nói của thầy Thanh: “Suốt 8 năm gắn bó với trường và các học trò, tôi chẳng muốn đi đâu nữa. Tình thầy trò và hồn của Đà giang đã níu chân tôi không thể rời xa nơi này, dù được đến những nơi xa hoa, lộng lẫy”.

Mộc Miên