Thay đổi để thích ứng thị trường, hướng đi tất yếu của ngành cao su

Thay đổi để thích ứng thị trường, hướng đi tất yếu của ngành cao su

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 28/07/2022 11:30

Sản xuất cao su bền vững là cơ hội cho Việt Nam nâng cao giá trị kinh tế và đảm bảo tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong các khâu sản xuất.

Nhu cầu của thị trường về cao su thiên nhiên bền vững đặt ra một thách thức lớn cho người sản xuất cao su cần cải thiện phương thức quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc minh bạch và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh. Điều này đang đòi hỏi ngành cao su Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường và đây cũng là hướng đi tất yếu.

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 bao gồm: cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su đạt 9,5 tỷ USD. Trong số đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất với 3,7 tỷ USD, tiếp đó là cao su tự nhiên gần 3,3 tỷ USD và sản phẩm từ gỗ cao su là 2,5 tỷ USD.

Với con số trên, Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên. Sản xuất cao su bền vững là có cơ hội cho Việt Nam nâng cao giá trị kinh tế cũng như đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong các khâu sản xuất.

Theo bà Phan Trần Hồng Vân – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, áp lực phát triển bền vững đã thúc đẩy ngành cao su tiếp tục tăng cường vai trò cải thiện môi trường và điều kiện xã hội tại vùng cao su.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đề xuất Kế hoạch hành động vì phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam, khuyến khích các hội viên sớm xây dựng Chương trình phát triển bền vững theo điều kiện phù hợp. Đồng thời, hiệp hội hợp tác với một số tổ chức hỗ trợ xây dựng những tài liệu hướng dẫn quản lý và sản xuất cao su bền vững, giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội cho nhà đầu tư Việt Nam trồng cao su.

Bên cạnh đó, để nâng cao sự nhận diện, thương hiệu sản phẩm cao su Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cũng đã cam kết phát triển bền vững từ cuối năm 2017. Đến nay, Tập đoàn đã có 15 công ty xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đáp ứng theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững; 12 thành viên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trên 90 ngàn ha rừng cao su và được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm cho 23 nhà máy chế biến mủ cao su.

Mục tiêu đến cuối năm 2022, tập đoàn sẽ có khoảng 130.000 ha có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đồng thời, có 38 nhà máy chế biến có chứng chỉ về quản lý chuỗi hành trình sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Ngoài VRG, xuất phát từ yêu cầu của ngày càng nhiều khách hàng tiêu thụ, một số hội viên Hiệp hội Cao su Việt Nam đã triển khai các kế hoạch phát triển bền vững theo các chứng chỉ quốc tế. Đặc biệt là mô hình liên kết hộ tiểu điền thực hiện chứng chỉ nhóm của Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh được kỳ vọng sẽ là mô hình nhóm hộ được chứng nhận đầu tiên trong ngành cao su.

Kinh tế vĩ mô - Thay đổi để thích ứng thị trường, hướng đi tất yếu của ngành cao su
Để nâng cao sự nhận diện, thương hiệu sản phẩm cao su Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”.


Trên thế giới hiện có hai hệ thống chứng chỉ bền vững gồm PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng) và FSC (Hội đồng quản lý rừng). Để đạt được chứng chỉ PEFC hay FSC, các công ty cao su hoặc các hộ cao su tiểu điền phải đáp ứng với các tiêu chí rất nghiêm ngặt về các khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế.

Việt Nam đã phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Hiện hệ thống này được PEFC công nhận. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 97.300 ha diện tích cao su đạt chứng chỉ VFCS. Toàn bộ diện tích này của các công ty cao su nhà nước.

Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000 ha, trong đó phần diện tích của tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Tuy nhiên, cao su tiểu điền đến nay chưa có diện tích nào đạt được chứng chỉ.

Tiên phong trong xây dựng mô hình nhóm hộ đạt chứng chỉ bền vững, ông Phan Đỗ Trọng Nhân, Trưởng ban FSC- Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh cho biết, muốn sản xuất được sản phẩm FSC thì ngoài việc đã được cấp chứng nhận FSC-COC, thì điều quan trọng doanh nghiệp phải được cấp chứng nhận FSC-FM để thu mua mủ nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững vào sản xuất.

Công ty chia thành 3 giai đoạn thực hiện đến tháng 5/2023 để đạt chứng nhận FSC-FM cho 600 ha. Tháng 08/2023, công ty sẽ mở rộng thêm 400 ha đến tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thành cấp chứng nhận tổng cộng là 1.000 ha.

Mục tiêu trong dài hạn là công ty sẽ liên kết thêm nhiều hộ tiểu điền cao su để cố gắng trong năm 2027 sẽ thực hiện mở rộng thêm 6.000 ha, nâng tổng diện tích rừng lên là 7.000 ha.

Tuy nhiên, để đạt được con số trên, ông Phan Đỗ Trọng Nhân cũng chỉ ra, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi một số nhà vườn vẫn chưa hiểu về FSC, nên mất nhiều thời gian để liên kết và giải thích cho nhà vườn. Một số nhà vườn chỉ biết về giá không cần giải thích FSC, cứng rắn trong việc mua bán mủ cao su, nên khó tiếp cận…

Đánh giá về nhu cầu thị trường thế giới về các cao su thiên nhiên bền vững, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends nhận định, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. Gần đây một số sáng kiến quốc tế được hình thành với mục tiêu thúc đẩy sản xuất cao su bền vững. Bên cạnh đó, nhu cầu về cao su thiên nhiên bền vững đang hiện hữu tại Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc, diện tích cao su đạt chứng chỉ bền vững hiện còn rất hạn chế do nhiều công ty cao su chưa quan tâm thích đáng tới việc sản xuất cao su có chứng chỉ và do hiện chỉ ưu tiên trọng tâm vào các thị trường xuất khẩu chưa đòi hỏi các loại hình chứng chỉ như Trung Quốc…

Ngành gỗ đã có nhưng mô hình rất thành công trong việc liên kết giữa các bên để tạo nguồn gỗ có chứng chỉ FSC. Ngành cao su có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình của ngành gỗ. Xây dựng và nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong liên kết, hỗ trợ hình thành liên kết, xây dựng lòng tin, chia sẻ lợi ích công bằng giữa các bên tham gia liên kết, hỗ trợ chính quyền địa phương là các yếu tố tiên quyết để đảm bảo mô hình thành công, ông Tô Xuân Phúc chia sẻ.

Để cây cao su tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện xã hội vùng nông thôn và nâng cao vai trò bảo vệ môi trường, bà Phan Trần Hồng Vân cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, sự quyết tâm thực hiện chương trình phát triển bền vững của doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, giúp ngành cao su thực hiện các tiêu chí của các hệ thống chứng nhận về quản lý và sản xuất bền vững.

Ấn Độ mua cao su tự nhiên nhiều nhất từ Việt Nam

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, Việt Nam là thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2022 với 53,42 nghìn tấn, trị giá 107 triệu USD, tăng 42,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ chiếm 23,5%, tăng mạnh so với mức 19,2% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị phần của các nước xuất khẩu cao su hàng đầu khác là Indonesia và Thái Lan lại giảm mạnh trong nhập khẩu cao su tự nhiên vào Ấn Độ.

Về cao su nói chung nhập khẩu vào Ấn Độ, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 sau Hàn Quốc. 5 tháng đầu năm nay, cao su từ Việt Nam nhập khẩu vào Ấn Độ đạt 54 nghìn tấn, trị giá 107,96 triệu USD, tăng 41,8% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cao su Việt Nam chiếm 10,9% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, cao hơn so với mức 7,5% của cùng kỳ năm 2021. Thị phần của cao su Việt Nam chỉ kém một chút so với thị phần của Hàn Quốc (11,3%).

Trong khi Việt Nam đứng đầu về cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ thì Hàn Quốc đứng đầu về cung cấp cao su tổng hợp. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,27% trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ 5 tháng đầu năm 2022.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.