Thay đổi phương án thi THPT: Cơ hội và thách thức khi tự chủ tuyển sinh

HÀ NHÂN

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi THPT 2020 chủ yếu tập trung cho việc xét tốt nghiệp, bỏ qua yêu cầu phân hoá để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Với quyết sách này, ngoài các trường đã có chuẩn bị từ trước, phần lớn những nơi khác đang loay hoay tìm phương án thay thế để chủ động.

Xu hướng liên kết để giảm áp lực

Theo thông báo chính thức từ bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi quan trọng nhất mỗi năm với tính chất cấp quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng Tám. Không chỉ thay đổi thời gian, kỳ thi này cũng giảm bớt độ khó trong đề thi, chỉ tập trung cho mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Như vậy, các trường đại học sẽ phải tự chủ tuyển sinh bằng nhiều cách khác nhau.

Các chuyên gia nhận định, sự thay đổi này sẽ đặt ra thách thức lớn, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh, đào tạo. Đến nay, đã có khoảng 10% các trường có phương án tuyển sinh riêng, bao gồm các trường tốp trên, khối công an, quân đội, y dược. Bên cạnh đó là 28% các trường sử dụng học bạ để xét tuyển, chủ yếu thuộc các trường tốp dưới. Khoảng 60% số trường còn lại trong vòng 5 tháng tới phải lên kế hoạch tuyển sinh của mình.

Chính vì không đủ nguồn lực, xu hướng các trường đại học liên kết với nhau tổ chức xét tuyển hoặc sử dụng chung kết quả một trường tốp trên để làm căn cứ xét tuyển vào trường tốp dưới được dự báo sẽ phổ biến hơn. Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho các trường, vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu tuyển sinh trong thời gian gấp gáp.

Riêng đối với Đại học Quốc gia TP.HCM, đơn vị này đã xây dựng phương án thi đánh giá năng lực trong những năm gần đây nên sẽ tiếp tục phát triển kỳ thi để phục vụ tuyển sinh của các trường thành viên. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kết quả này cho các trường đại học, cao đẳng khác có nhu cầu để làm căn cứ xét tuyển. Như năm nay, đã có hơn 50 trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và địa phương phía Nam công bố sử dụng kết quả này.

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đã được nhiều trường phía Nam công nhận xét tuyển.

Tuy nhiên, với các trường không có chuẩn bị từ trước, việc tổ chức kỳ thi riêng trong thời gian này là khó khả quan. Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu phải chuẩn bị cho tổ chức thi riêng trong khoảng 4 tháng là không khả thi.

“Hiện tại, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định nhưng chẳng may trong những tháng tới có diễn biến mới, phương án tổ chức thi riêng gần như không thể thực hiện. Việc chuẩn bị đề thi, sắp xếp coi thi, chấm thi cần thời gian chuẩn bị chu đáo”, ông Xuân nói.

Vì thế, trong trường hợp không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức thi riêng, lãnh đạo đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ bàn bạc với đại học Y Dược TP.HCM để xem xét phương án cùng tổ chức.

“Thực sự tôi rất lo lắng và căng thẳng, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không thể phân hóa, phân chia năng lực học sinh. Do đó, rất khó để các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Đầu vào chất lượng là tiền đề rất quan trọng, nhất là khối ngành sức khỏe nên nhà trường phải tính toán rất kỹ”, ông Xuân nhấn mạnh.

Tương tự, lãnh đạo đại học Luật TP.HCM cũng không khỏi bối rối vì trường này đã công bố không tổ chức thi riêng trong năm 2020 sau vài lần thực hiện từ năm 2016.

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách đại học Luật TP.HCM nhận xét: “Một là thi thì giảm tải hoặc làm như năm ngoái, hai là không thi. Còn đã tổ chức thi, dù là chỉ để xét tốt nghiệp thì đề thi cũng cần phân hóa để đánh giá thí sinh. Vấn đề còn lại là khâu giám sát kỳ thi để bảo đảm khách quan, có chất lượng. Nếu bộ GD&ĐT giám sát tốt thì kết quả vẫn đủ tin cậy để các trường dựa vào đó xét tuyển. Còn khi Bộ chỉ thiết kế đề thi, các khâu còn lại giao cho địa phương thì kết quả kỳ thi sẽ không đủ tin cậy”.

Nâng cao giám sát chất lượng đầu vào

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, sự thay đổi mục đích cơ bản của kỳ thi là thách thức lớn với nhiều trường đại học trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, các trường phía dưới lâu nay vẫn tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ là chính nên tính chất kỳ thi thay đổi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng các trường tốp trên phụ thuộc nhiều vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.

Chia sẻ thêm, ông Nghĩa dự đoán, các trường sẽ có nhiều điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh. “Theo tôi, các trường sẽ tăng chỉ tiêu tuyển bằng kỳ thi riêng lên mức tối đa. Cùng đó, họ giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc có thể không sử dụng. Tuy nhiên, nếu mỗi trường đều tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của trường mình thì sẽ vô cùng vất vả và tốn kém”, ông Nghĩa nói.

Gợi ý giải pháp, GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng, có thể thành lập trung tâm khảo thí độc lập, như tại Hà Nội và TP.HCM. “Ngay cả với kỳ thi THPT quốc gia theo quy định của quy định mới cũng không bao hàm mục tiêu lấy kết quả để tuyển sinh đại học. Vì thế, nếu chỉ dựa vào điểm của kỳ thi này để xét tuyển là không phù hợp. Về lâu dài, các trường cần phải tính đến việc chủ động có phương án xét kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh”, ông Ga cho biết.

Đồng thời, GS.TSKH Bùi Văn Ga cũng bày cách, cả nước chỉ cần thành lập 2 trung tâm khảo thí độc lập phía Bắc tại Hà Nội và phía Nam tại TP.HCM để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực. Các trường cần góp sức cùng nhau để có hệ thống đánh giá năng lực hiệu quả dựa trên nền tảng kỳ thi đã được hai đơn vị đầu tàu này là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng. Từ đó, vừa tốt cho các trường cũng thuận lợi cho thí sinh.

Công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được giao về cho địa phương.

Cùng quan điểm, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng đại học Nông Lâm TP.HCM bày tỏ: “Đây là lúc các trường đại học thể hiện năng lực tự chủ, chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu. Nếu không, trường sẽ tự đào thải. Các trường sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt trong năm. Ngoài các phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, nên chăng, cùng liên kết với nhau để tuyển sinh”.

Cảnh báo về khả năng có quá nhiều trường tổ chức thi riêng sẽ dẫn đến áp lực “chạy show” cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, bản thân mỗi trường phải đảm bảo tính trung thực để kết quả đạt được tốt nhất.

“Các trường cần cân nhắc kỹ và chuẩn bị thật chu đáo vì nếu làm không tới nơi tới chốn sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nhà trường và tốn thời gian của thí sinh. Hiện tại, các trường đại học đều có phòng khảo thí và trung tâm đảm bảo chất lượng nhưng không phải nơi nào cũng đủ khả năng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Yếu tố quan trọng nhất là xây dựng ngân hàng đề thi nhưng khâu này không hề đơn giản”, ông Hồng băn khoăn.

Vị chuyên gia này cũng nhắc nhở, bộ GD&ĐT nên kiểm tra chặt chẽ các trường. Nếu phát hiện trường nào không đủ điều kiện về mặt cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia làm đề, sự đảm bảo tính an toàn cho đề thi hay các phần mềm xáo trộn đề thi… thì cần đưa ra đề nghị, thậm chí là cấm để đảm bảo chất lượng đầu vào, tránh tình trạng cố tình ra đề dễ, giám sát lỏng lẻo để vơ vét thí sinh.

H.N