“Thêm xe túc túc, giao thông thành nồi canh hẹ”!

“Thêm xe túc túc, giao thông thành nồi canh hẹ”!

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
"Đề xuất nhập khẩu xe túc túc để lưu hành tại Việt Nam là quá vội vàng, thiếu tầm nhìn tổng thể. Mặc dù Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội là thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhưng tôi cũng không đồng tình với kiến nghị đó". Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng với PV báo Người đưa tin trong buổi trao đổi mới đây.

Ý tưởng cải tiến, hành động cải lùi

Sau hàng loạt những phương án để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn nhưng bất thành, mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đã trình Bộ GTVT "phát kiến" cho lưu hành xe túc túc để hạn chế phương tiện cá nhân. Xin ông cho biết đánh giá khách quan của mình về ý tưởng này?

Cách đây không lâu, Hiệp hội đã có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT góp ý về đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Theo quan điểm của tôi, việc cần thiết lúc này là điều chỉnh mạng lưới xe buýt phù hợp với sự phân bố dân cư. Bên cạnh đó cần đa dạng kích thước và trọng tải xe, bố trí khai thác tuyến phù hợp với đường sá và lưu lượng hành khách. Cũng cần xóa bỏ cơ chế trợ giá trực tiếp đối với phương tiện công cộng này, bởi dễ sinh độc quyền, xin cho và nảy sinh tiêu cực. Nên chuyển sang trợ giá gián tiếp bằng chính sách, mở cửa cho các đơn vị tư nhân tham gia kinh doanh bằng hình thức đấu thầu...

Ô tô-Xe máy - “Thêm xe túc túc, giao thông thành nồi canh hẹ”!

Xe túc túc đã bị “thất sủng” tại đô thị nhiều nước khác.

Cùng với xe buýt, cần bố trí xe chở khách tải trọng từ 12 chỗ ngồi trở xuống để chạy các tuyến cố định trong nội thành, nội thị, những nơi xe buýt không đến được. Loại xe khách tải trọng nhỏ này là xe gì cần có cơ quan chuyên môn nghiên cứu trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, hạ tầng vận tải và các quy định hiện hành. Đề xuất cho nhập khẩu xe túc túc để lưu hành tại Việt Nam của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội theo tôi là quá vội vàng, thiếu tầm nhìn tổng thể. Mặc dù, hiệp hội Hà Nội là thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhưng tôi cũng không đồng tình với kiến nghị này.

Nhiều người cho rằng, đây là đề xuất hài hước, lạ lùng nhất từ trước tới nay. Chúng ta đã từng khổ sở để cấm được xe lam, xe ba bánh, nay lại mở cửa cho xe túc túc (thực chất là "xe lam" cải tiến) phải chẳng là bỏ mối lo cũ, rước mối họa mới, thưa ông?

Đúng vậy! Chúng ta đã từng rất khó khăn mới cấm được xe lam, xe ba bánh, giờ lại cho lưu hành xe túc túc, ý tưởng cải tiến nhưng hành động lại đang cải... lùi. Một trong những lý do được Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đưa ra đó là loại hình phương tiện này đang rất thịnh hành và phát huy hiệu quả "hơn cả mong đợi" tại một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Philippines hay Malaysia... Tuy nhiên, tôi được biết, thực tế các nước láng giềng đã di dời chúng về vùng nông thôn từ cách đây nhiều năm. Bởi "đặc sản" này là chủ mưu gây nạn tắc đường, mắc tội coi thường tính mạng nhân dân, làm ô nhiễm môi trường... Bạn đã bỏ thì ta không nên nhập!

Theo lý giải của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, xe túc túc sẽ làm tốt chức năng gom khách tại tuyến kết nối bến xe buýt, len lỏi vào những ngõ ngách để đón khách. Quan điểm của ông thế nào?

Hiện nay trong nội thành, độ phủ của mạng lưới xe buýt khá dày. Theo tôi, chúng ta không cần những tuyến kết nối của xe túc túc. Đó là chưa kể, vào giờ cao điểm, tại trạm dừng, hầu như vài ba phút là có một chuyến xe buýt. Nếu loại xe này chen vào giữa, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho vận tải xe buýt thậm chí cạnh tranh với những loại hình phương tiện khác gây tình trạng hỗn loạn. Như tôi đã nói, nên đa dạng loại hình phương tiện nhưng không thể tùy tiện nhập xe túc túc được.

Ô tô-Xe máy - “Thêm xe túc túc, giao thông thành nồi canh hẹ”! (Hình 2).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Gây rối loạn giao thông nội đô

Một số người ví von chuyện nhập xe túc túc với ý tưởng ồ ạt nuôi ốc bươu vàng tại vùng nông thôn cách đây 10 năm để xóa đói giảm nghèo. Cũng như ốc bươu vàng, túc túc là loại xe "ngoại lai", nhập vào Việt Nam liệu có gây nguy hiểm cho giao thông không, thưa ông?

Rõ ràng, một đề xuất mà đi ngược lại sự phát triển thì không nên. Chúng ta đi trước đón đầu chứ không thể lùi lại thời điểm cách đây 4 năm trước khi cấm xe lam, xe ba bánh. Những sản phẩm nước bạn đã bỏ đi, chúng ta không nên "rước" về để sử dụng. Như thế sẽ thành hài hước, dở hơi! Đó là chưa kể, xe nhập khẩu nên chắc chắn chúng ta sẽ tốn ngoại tệ, làm giàu cho nước ngoài...

Nhìn nhận một cách khách quan, số loại phương tiện trên đường phố đã quá nhiều: Xe đạp, xe máy, ô tô con, xe buýt, bán tải.... Nếu thêm một loại nữa, giao thông sẽ rối như nồi canh hẹ. Bài học không đâu xa, ngay tại Thái Lan, sau một thời gian dài "làm bạn" với túc túc, phương tiện này đang là vấn nạn đối với giao thông nội đô. Sự phát triển ồ ạt vì tính thuận tiện trong di chuyển, giá rẻ đã khiến các thành phố lớn ngạt thở vì túc túc.

Cùng với đề xuất lưu hành xe túc túc, thời gian vừa rồi ngành giao thông đưa ra rất nhiều ý tưởng để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Ông đánh giá thế nào về những chủ trương này?

Theo tôi, từ phương án đổi giờ học giờ làm, làm cầu vượt nhẹ trên cao, đề xuất thu phí xe... không thể phủ nhận ý tưởng tốt nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Chỉ động đến phần ngọn mà chưa giải quyết tận gốc vấn nạn. Đề xuất nhập xe túc túc cũng vậy. Việc này chẳng khác gì "thừa giấy vẽ voi", giống như ý tưởng cấp "quota" cho phương tiện hay "phát kiến" xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ...

Vậy để giải bài toán ách tắc giao thông, theo ông nên chọn phương án gì?

Hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị là điều cần phải làm. Việc đưa ra sáng kiến bằng nhiều hình thức khác nhau, từ việc chủ động của các cơ quan đến việc tham vấn ý kiến của các nhà khoa học là điều nên làm và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với đề xuất nhập khẩu, lưu hành xe túc túc của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội tôi nghĩ là không nên. Chọn chủng loại xe gì là quyết định của Bộ GTVT, theo tôi hiệp hội Hà Nội không nên can thiệp quá sâu vào việc này. Đừng nên nóng vội, nếu không được các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo thì rất có thể nảy sinh nhiều vấn đề liên quan, gây hậu quả khó lường.

Xin cảm ơn ông!

Anh Văn