Thênh thang giữa làng chài trên cao nguyên

HỒ HẢI NAM

Văng vẳng bên tai tiếng ve kêu râm ran báo hiệu một mùa hè đang chớm đến trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Tiết trời mỗi ngày càng khô hanh. Nắng gắt khiến cỏ cây héo úa, đồng ruộng nứt nẻ. Cũng độ này, khi những con suối bắt đầu rút nước cũng là lúc cư dân làng Dlâm nhộn nhịp mùa chài lưới. Những buổi sáng tinh mơ nơi bến sông đầy ắp tiếng cười, những cư dân nghèo lòng hân hoan trở về trên con thuyền đầy ắp tôm, cá.

Bình minh nơi làng chài

Làng Dlâm, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai hay theo cách dân dã của nhiều người hay gọi đó là làng chài ven sông Ayun Hạ. Chúng tôi đã có dịp đến đây vào những ngày trước khi có Chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Cư dân làng Dlâm vỏn vẹn có 60 hộ nằm lọt lỏm trong thung lũng giữa bốn bề núi dựng. Nơi đây, là một vùng đất khô cằn, nhiều sỏi đá khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa khô hạn. Thời điểm nay, ruộng đất nứt nẻ, cây trồng héo khô khiến nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm chính của người dân thiếu hụt trầm trọng.

Thế nhưng, bù lại nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng một lòng hồ quanh năm đầy ắp tôm cá. Cũng nhờ có hồ Ayun Hạ mà cư dân làng Dlâm có thể gồng gánh vượt qua những ngày tháng giáp hạt đói, khổ, hóng chờ những cơn mưa đầu nguồn để bắt đầu một vụ mùa mới.

Một ngày mới của cư dân làng Dlâm ven sông Ayun Hạ bắt đầu sớm hơn thường lệ. Khoảng 4h30 sáng, trong màn đêm yên tĩnh, tiếng người í ới gọi nhau, ngoài đường tiếng bước chân vội vã. Đó là lúc, những thanh niên lực lưỡng, rắn chắc của làng đầu đội đèn pin, trên tay lỉnh kỉnh đồ đạc, trên vai vác mái chèo hướng về lòng hồ Ayun Hạ. Đi phía sau là những đứa trẻ tầm 12, 13 tuổi mặt còn đang ngái ngủ cũng chân trần theo cha đi đánh cá.

Từ lờ mờ sáng những thanh niên trai tráng của làng Dlâm đã có mặt trên sông Ayun để đánh bắt cá.

Nơi bến thuyền, trời vẫn còn nhá nhem. Mùa khô, nước cạn, bến thuyền lùi xa cách làng chừng hơn 500 m sau những rặng mai dương cao ngang đầu người. Men theo những lối mòn giữa lòng hồ, băng qua những thảm cỏ xanh còn phảng phất sương, bến thuyền hiện ra với hàng chục con thuyền độc mộc đang nằm tĩnh lặng. Từ bến đò nhìn ngược về làng, trong đêm tối những ánh đèn pin lập lòe người làng từ khắp các ngả bắt đầu đổ về bến đò chuẩn bị buổi chài lưới bận rộn.

Những chiếc thuyền đầy ắp tôm, cá

Thực hiện những kỹ năng thuần thục, ông Siu Blak mở dây neo, một chân đặt lên mui thuyền chân còn lại đạp mạnh vào bờ, con thuyền cứ thế rời bến trôi đi. Đôi tay ông gác 2 mái chèo sang mạn thuyền rồi dùng chân đạp nhịp nhàng, con thuyền lướt nhẹ trên mặt nước.

Dòng sông Ayun Hạ đầy ắp tôm, cá mỗi chuyến đánh bắt trở về cư dân làng chài bội thu. Có người đánh bắt được những con cá rô phi cân nặng vài ký là chuyện bình thường.

Ông Blak chia sẻ: "Gia đình mình có truyền thống đánh cá mấy chục năm nay. Từ ngày còn bé những buổi sáng tinh mơ, mình thường được cha đánh thức theo ông lênh đênh trên sông nước để đánh cá. Những lần cùng cha ngồi trên thuyền đánh cá có những mẻ lưới cha mình đánh được nhiều con cá to khiến mình rất thích thú. Theo cha "chinh chiến" nhiều năm trên sông nước nên mình được cha truyền dạy cho rất nhiều kỹ năng chọn vị trí, giăng lưới để khả năng đánh được nhiều cá cao nhất. Cho đến bây giờ vẫn vậy, mình thích thú cảm giác được tận tay gỡ lưới bắt những con cá to đến vài ký mắc lưới, đuôi quẫy phành phạch dưới nước, rất thú vị".

Nối nghiệp cha, hơn 30 năm theo từng con nước lên xuống, ông Blak hiểu rõ quy luật sinh trưởng của từng đàn cá. Ông kể rằng, những ngày nắng nóng oi bức, cá thiếu khí thở buộc phải ngoi lên tầng trên mặt nước. Đây chính là thời điểm ngư dân giăng lưới chắc chắn sẽ bội thu. Sinh ra,và lớn lên tại vùng đất cằn cỗi, nghèo tài nguyên, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc hoa màu như trồng lúa, mì... Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang là mùa khô không đủ nước tưới mặt ruộng nứt toác, mì héo quắt, bà con rất khó khăn. Cũng may, làng nằm ngay bên cạnh nơi có dòng sông Ayun Hạ chảy qua. Nhờ có sông này mà người làng có kế sinh nhai để vượt qua những ngày giáp hạt thiếu thốn.

Mặt trời ló dần, những tia nắng đầu tiên của ngày mới bắt đầu lộ diện. Trên sông những chiếc thuyền vẫn nhấp nhô theo sóng nước. Những thanh niên trai tráng của cư dân làng chài mình trần miệt mài chài lưới. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe có tiếng một dân chài lớn tiếng, xuýt xoa đầy tiếc nuối vì vừa để vuột mất một chú cá to.

Vừa thoăn thoắt gỡ cá khỏi lưới, anh Đinh Nhon hồ hởi: “Mấy hôm nay, nước rút dần, cá cũng theo dòng nước mà tập trung hết vào khu vực này. Người ít cũng được 10 kg, người nhiều thì 20-30 kg, mỗi buổi sáng sớm đi gỡ lưới cũng được 200-300 ngàn đồng mang về cho vợ mua gạo, mắm. Năm nay, mì trên rẫy hư nhiều, giá lại rẻ, không thu được bao nhiêu. Vì vậy, nhà mình chỉ trông vào số tiền kiếm được từ việc đánh bắt cá thôi”. Sau nhiều giờ vật lộn trên sông, anh Nhon xuôi thuyền về bến, nơi có các tiểu thương đợi sẵn. Thành quả sau những giờ vật lộn trên sông anh nhon đánh được 24 kg cá rô phi, mè dinh và thác lác. Cầm gần 300 ngàn trong tay anh Nhon nở nụ cười tươi rói, trở về làng.

Những ngày được nghỉ học, em Đinh Tun cũng tranh thủ chèo thuyền thả lưới đánh cá phụ giúp gia đình. Cậu học trò nhỏ chèo thuyền, giăng lưới thành thạo không khác gì một ngư phủ thực thụ. Dẫu không được nhiều như người lớn nhưng trong một buổi sáng Tun cũng mang về hơn 5 kg cá rô phi. “Chỗ này em sẽ đem bán lấy tiền đưa cho mẹ, còn một ít em để dành mua kẹo. Từ nhỏ, bọn em đã biết bơi rồi nên không sợ lắm. Với lại, em cũng không chèo thuyền đi xa mà chỉ ở gần bờ thôi”, Tun chuyện trò.

Những cư dân làng chài vui mừng khi đánh được những chú cá thác lác có trọng lượng lớn là đặc sản nổi tiếng của vùng Ayun Hạ.

Bầu không khí rộn ràng, lao xao nơi chợ cá như át đi cái nắng oi ả. Người làng khoe với nhau những con cá nặng đến vài ký còn tươi roi rói. Ở chợ cá, các tiểu thương đã đợi với những thùng xốp sẵn sàng vận chuyển đi khắp các nơi. Anh Nguyễn Văn Hiệp cho hay: “Mỗi ngày chúng tôi thu mua của người dân làng Dlâm khoảng 2 tạ cá, sau đó chuyển đi huyện Chư Sê rồi các thương lái khác sẽ phân phối đi TP.Pleiku và có khi là cả TP.Hồ Chí Minh. Các thị trường rất ưa thích cá hồ Ayun Hạ vì đây là cá tự nhiên, thịt thơm ngon. Đặc biệt, món chả cá thác lác hồ Ayun Hạ từ lâu đã trở thành đặc sản”.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: “Hầu như thu nhập của người dân làng Dlâm đều phụ thuộc vào việc đánh bắt cá ở lòng hồ Ayun Hạ. Khu vực lòng hồ có tiềm năng rất lớn về du lịch bởi khung cảnh đẹp, thơ mộng. Tôi hy vọng một ngày nào đó nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch đến thu hút đông đảo du khách, góp phần cải thiện đời sống của bà con”. Người dân nơi đây chỉ mong dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi, để họ lại thoải mái thêng thang với cuộc sống bình yên vốn có.

H.H.N