Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng, cà phê giảm nhẹ

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng, cà phê giảm nhẹ

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Chủ nhật, 20/11/2022 19:54

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng nhẹ, trong khi đó một số loại gạo lại giảm.

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.650 đồng/kg, giá bình quân là 6.418 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 8.950 đồng/kg, trung bình là 7.350 đồng/kg, tăng 25 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo lại có sự giảm nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.600 đồng/kg, giá bình quân 10.257 đồng/kg, giảm 93 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.400 đồng/kg, giá bình quân 10.008 đồng/kg, giảm 83 đồng/kg.

Tuy nhiên, gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 9.750 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 lại tăng 50 đồng/kg, có giá trung bình là 10.525 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ ổn định như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa tăng 100 đồng/kg ở các loại như Jasmine là 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.400 đồng/kg. Riêng IR 50404 vẫn ở mức 6.000 đồng/kg.

Giá lúa tại Hậu Giang có sự tăng giảm tùy loại như: IR 50404  là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; còn RVT là 8.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước. Riêng lúa OM 18 vẫn giữ 7.100 đồng/kg.

Giá lúa ở Tiền Giang hầu hết không đổi như IR 50404 là 6.800 đồng/kg; Jasmine vẫn ổn định ở mức 7.200 đồng/kg. Riêng OC ở mức 6.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang như: Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 6.900-7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Với mức tăng tương tự OM 18 có giá từ 6.700 – 7.000 đồng/kg. Một số loại nhìn chung vẫn ổn định như: Đài Thơm 8 từ 6.600-6.800 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 6.500 – 6.600 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 từ 6.500 – 6.600 đồng/kg.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, diện tích xuống giống tại An Giang dự kiến hơn 228.500 ha. Vụ này, dự kiến Tập đoàn Lộc Trời sẽ thực hiện kế hoạch liên kết và tiêu thụ 110.000 ha. Tập đoàn đã ký hợp đồng liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 18.840 ha/110.000 ha đạt 17,13 % so với kế hoạch. Từ nay đến hết năm 2022, phía Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục triển khai và ký hợp đồng với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Nhiều nông dân ở tỉnh Trà Vinh đã thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn đưa các giống lúa mới chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào sản xuất kéo giảm được chi phí, bán được giá cao, tăng lợi nhuận từ 15 – 20% so với các giống lúa cũ.

Vụ lúa Thu Đông năm 2022, ước có hơn 80% diện tích gieo sạ được nông dân trong tỉnh sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: OM 4900, OM 5451, Đài thơm 8, ST20, ST25…. 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh cho biết thêm, ở vụ lúa Đông Xuân 2022 -2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ hơn 51.700 ha. Lịch thời vụ xuống giống được khuyến cáo bắt đầu từ ngày 4/11 đến cuối tháng 12/2022. 

Các giống lúa được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo sản xuất gồm những nhóm lúa chủ lực như: OM 5451, OM 18, OM 4900, Đài thơm 8 và nhóm lúa giống bổ sung OM 429, RVT, ST 5, ST 20, ST 24, ST 25.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức từ 425-430 USD/tấn. 

Theo các chuyên gia, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn.

Trong khi giá xuất khẩu gạo của Việt Nam không đổi thì giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng trong tuần qua nhờ nhu cầu từ nước ngoài tăng và trong bối cảnh chính phủ tích cực mua thóc lúa để khuyến khích sản xuất trong nước đã làm tăng chi phí thu mua của thương nhân.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng lên, đạt từ 373-378 USD/tấn so với mức từ 370-375 USD/tấn của tuần trước đó, trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu cũng cao hơn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh cho biết, Chính phủ đã mua lúa vụ mùa mới với giá cao hơn (đã được điều chỉnh). Các nhà xuất khẩu cần phải trả nhiều tiền hơn để đảm bảo nguồn cung.

Ấn Độ đã tăng giá mua lúa vụ mới từ nông dân thêm 5,2%, mức tăng lớn nhất trong 5 năm, trong bối cảnh New Delhi khuyến khích nông dân tăng diện tích và sản lượng.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, sản lượng lúa vụ mùa lớn thứ hai của nước láng giềng Bangladesh có thể đạt 17 triệu tấn, vượt mục tiêu 16 triệu tấn, do nông dân tăng diện tích canh tác để nâng cao thu nhập khi giá cao hơn. Bangladesh đã phải vật lộn để tích trữ gạo sau khi tình trạng lũ lụt diễn biến nghiêm trọng hơn. 

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2022, ở mức từ 410-425 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho hay, đồng bath tăng giá làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ việc bán hàng ở nước ngoài và buộc họ phải tăng giá bán gạo.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 18/11, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau; trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 1 xu Mỹ (0,15%) lên 6,7 USD/bushel, giá đậu tương giao tháng 1/2023 tăng 11,25 xu Mỹ (0,79%) lên 14,2825 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 3 xu Mỹ (0,36%) xuống 8,22 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Kinh tế vĩ mô - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng, cà phê giảm nhẹ

Thị trường nông sản Mỹ tuần qua, giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ giảm.

Giá đậu tương tăng do hoạt động mua bù thiếu, trong khi thị trường lúa mỳ tiếp tục giảm lượng bán quỹ mới trong bối cảnh lo ngại nhu cầu thế giới chậm lại vào cuối năm.

Khối lượng giao dịch thấp khi bước vào cuối tuần. Xu hướng giá giảm sẽ bắt đầu sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ khi thời tiết ở Nam Mỹ thuận lợi.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cảnh báo không nên chạy theo các đợt giá tăng, dự báo giá ngô giao tháng 3/2023 sẽ giao dịch trên 6,80 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên 14,35 USD/bushel.

Nga được cho là đang đẩy mạnh nguồn cung tại các thị trường lúa mỳ đỏ cứng (HRW) vụ Đông truyền thống của Mỹ, trong đó có Brazil và Mexico. Giá chào bán ngô của Ukraine cũng giảm xuống do thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ukraine sẽ cố gắng xuất khẩu càng nhiều ngô và lúa mỳ càng tốt trong 120 ngày tới.

Brazil đã trở nên cạnh tranh hơn với giá chào bán đậu tương rẻ hơn so với Mỹ trong tuần này. Nhu cầu đậu tương thế giới sẽ chuyển hoàn toàn sang khu vực Nam Mỹ bắt đầu từ đầu tháng 12/2022.

Dự báo Argentina sẽ có mưa rào vào cuối tuần này, trong khi Brazil có khả năng sẽ có mưa rào hàng ngày vào tuần tới. Trận mưa lớn nhất sẽ đổ xuống khắp vùng đông bắc Brazil.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 7 USD xuống 1.811 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 3/2023 cũng giảm 7 USD xuống 1.787 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 1,40 xu Mỹ xuống 151,30 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 1,25 xu Mỹ xuống 155,10 xu Mỹ/lb (1lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 39.900 – 40.400 đồng/kg.

Giá cà phê hai sàn tiếp tục sụt giảm trước ngày thông báo đầu tiên (FND) của sàn New York, ngày 21/11. Trong khi nguồn cung cà phê Arabica từ các nước sản xuất chính tỏ ra dồi dào và lo ngại tiêu thụ sụt giảm làm giảm sức mua.

Kinh tế vĩ mô - Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng, cà phê giảm nhẹ  (Hình 2).

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 39.900 – 40.400 đồng/kg.

Thông tin Trung Quốc kiên trì với chính sách zero-Covid không thân thiện với thị trường cũng góp phần làm giá cả hàng hóa duy trì xu hướng tiêu cực. Lạm phát và lãi suất tăng mạnh ở các thị trường tiêu thụ chính là động lực kéo giá cà phê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm, dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy về Trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn do có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Những phát biểu mới đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được thị trường nhận định vẫn còn mang giọng điệu cứng rắn, có xu hướng tăng lãi suất khiến lo ngại rủi ro tăng cao trở lại đã thúc đẩy nhà đầu tư tiếp tục tìm nơi trú ẩn an toàn.

Nâng cao giá trị gạo đặc sản Hà Nội

Hà Nội có hơn 160.000ha sản xuất lúa chuyên canh, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 70%, riêng lúa thơm các loại chiếm hơn 53% sản lượng lúa của thành phố. 

Giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội xác định phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; củng cố, xây dựng các tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.

Trao đổi với Kinh tế đô thị, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, riêng nhóm lúa gạo Japonica, đến nay, trung tâm đã xây dựng được 25 vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 1.370ha, sản lượng gần 10.000 tấn mỗi năm. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao.

Thời gian qua, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các huyện thực hiện giải pháp tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường chuỗi liên kết. Đồng thời, hỗ trợ HTX, DN mở rộng quy mô các cơ sở sơ chế, chế biến một cách đồng bộ. Mặt khác, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý… cho các sản phẩm lúa gạo nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương.

Nhấn mạnh chuỗi sản xuất và liên kết tiêu thụ đóng vai trò quan trọng, tạo giá trị gia tăng cho sản xuất lúa gạo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Tuấn cho rằng: “Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản, ngành nông nghiệp cần tập trung tổ chức sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn; khuyến khích DN và người dân đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu; đồng thời hỗ trợ về mặt bằng, pháp lý về đất đai để phát triển cơ sở bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ sản xuất… đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cao cấp”.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.